Thanh toán không dùng tiền mặt: Chỉ ngân hàng thôi - chưa đủ!

Thứ Năm, 02/12/2021, 07:49

Hiện nay, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang tập trung ở thành phố, trong khi người dân ở nông thôn chiếm tới 70%. Nếu mở rộng được thị trường nông thôn và tập trung vào các khách hàng nông dân thì hoạt động TTKDTM sẽ nhanh chóng bao phủ đến được nhiều người dân...

Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp chỉ đạo Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 1/12/2021 đi tìm lời giải cho bài toán này.

Thanh toán không dùng tiền mặt “vấp” nhiều khó khăn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, theo Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm… Thực tế, trong vài năm trở lại đây, TTKDTM được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống.

Thông tin cụ thể hơn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu, ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển TTKDTM khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị.

Thanh toán không dùng tiền mặt: Chỉ ngân hàng thôi - chưa đủ! -0
Thói quen tiêu dùng tiền mặt khiến việc triển khai TTKDTM gặp khó khăn.

Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020). Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, trong đó, thanh toán qua di động tăng 50 - 80%/năm về số lượng; thanh toán qua internet tăng 35 - 40%/năm về số lượng; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%. Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công Đề án TTKDTM giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ, theo ông Phạm Tiến Nam còn nhiều thách thức và khó khăn, nhất là với khu vực nông thôn. "Theo tôi có hai nguyên nhân chính khiến cho việc phổ cập phương thức TTKDTM ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có giải pháp quyết liệt từ các bộ, ngành có liên quan. Đó là, điểm chấp nhận phương thức TTKDTM rất hạn chế và thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn", ông Nam nêu rõ.

Ngoài ra, những khó khăn về hạ tầng viễn thông, internet; cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý; thiếu cơ sở hạ tầng dữ liệu định danh điện tử; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trước rủi ro an ninh mạng, các hành vi lừa đảo; gian lận; đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân… cũng tác động tới hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Với những khó khăn nêu trên, muốn phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này và người dân tự đưa ra quyết định phù hợp. “Nhưng quan trọng hơn, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn", ông Nam nhấn mạnh.

Đến từ “ngân hàng của nông dân”, Phó TGĐ Agribank Nguyễn Hải Long đề xuất 6 giải pháp quan trọng thúc đẩy TTKDTM. Theo đó, bên cạnh việc tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ để phát triển các kênh thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng thanh toán hiện đại, cần tiếp tục mở rộng hợp tác với các Tập đoàn, Tổng công ty và các trung gian thanh toán để xây dựng hệ sinh thái thanh toán khép kín phục vụ nhu cầu thanh toán theo hướng đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin khách hàng.

Ngoài ra, cần cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ, chứng từ giao dịch theo hướng số hóa và tự động hóa để phù hợp với yêu cầu thanh toán ngày càng cao của khách hàng; đồng thời tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…

Còn từ phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy TTKDTM khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thời gian tới, trong đó có chủ trương tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về TTKDTM nhằm nâng cao nhận thức của người dân về TTKDTM, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng...

Hà An
.
.
.