Tàu hàng liên vận khởi hành: Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản

Thứ Tư, 04/10/2023, 08:14

Thời gian gần đây, ngành Đường sắt ghi nhận lượng hàng hóa vận chuyển qua đường sắt tăng mạnh so với thời gian trước đây, trong đó đặc biệt là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc.

Chi phí thấp, vận chuyển nhanh

Vào ngày 5/10, đoàn tàu gồm 19 toa, vận chuyển tinh bột sắn với khối lượng khoảng 500 tấn, xuất phát tại ga Sóng Thần (Bình Dương) hôm 27/9 dự kiến sẽ về đến Phổ Điền, Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Đây sẽ là kết quả bước đầu đánh dấu nỗ lực của 2 bên trong việc phát huy hiệu quả vận tải đường sắt liên vận quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chứng kiến đoàn tàu liên vận khởi hành, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH DV-TM T&T, nói nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi Trung Quốc hoặc quá cảnh qua nước thứ ba và ngược lại rất cao. Doanh nghiệp có thể làm thủ tục ngay tại ga Sóng Thần thay vì phải tới các ga biên giới. Tàu liên vận khởi hành đã biến giấc mơ thành hiện thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics.

tau cho hang lien van.jpeg -0
Chuyến tàu hàng liên vận mang lại nhiều hy vọng và cũng là thách thức cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năng lực hiện tại của ga Sóng Thần đáp ứng được 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm. Nguồn hàng chủ yếu là hàng tiêu dùng, dệt may, điện tử, ôtô, xe máy và nông sản, thực phẩm. Việc đoàn tàu liên vận xuất phát tại ga Sóng Thần tạo thuận lợi rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Bởi theo tính toán, một chuyến tàu đi từ Việt Nam sang châu Âu sẽ nhanh hơn khoảng một tuần so với phương tiện khác. Hơn nữa, khi làm thủ tục tại nội địa, doanh nghiệp sẽ chủ động để tránh ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa, nhất là hàng nông sản, ở khu vực biên giới.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, lãnh đạo Công ty cổ phần đường sắt Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng biển và các cặp cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc vẫn xảy ra. Để đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp hai nước nhanh chóng, thuận tiện, ngành đường sắt hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều đoàn tàu chuyên tuyến vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đối với các mặt hàng nông sản, trái cây (hải sản hiện tại chưa được tiếp nhận qua cửa khẩu đường sắt) là các mặt hàng cần có thời gian vận chuyển nhanh chóng, việc phải nằm chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu tại biên giới sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Vì vậy, với ưu điểm thời gian vận chuyển và thông quan nhanh chóng tại cửa khẩu đường sắt, tàu hàng liên vận là giải pháp giúp các doanh nghiệp thông quan nhanh chóng cũng như giảm ách tắc cho đường bộ.

Về giá thành, khi thấp điểm, một container đi đường bộ từ phía Nam ra phải chịu cước trên dưới 60 triệu đồng, khi cao điểm có thể đến 100-120 triệu đồng. Trong khi đi bằng đường sắt, cước chỉ trên 40 triệu đồng, bao gồm chi phí nâng hạ, vận chuyển đường ngắn hai đầu.

Xây dựng quy trình vận chuyển riêng với container lạnh tiếp điện

Để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị có nhu cầu vận chuyển, đường sắt đã thuê vỏ container lạnh tự phát điện tiêu chuẩn của Trung Quốc để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đồng thời có thể xuất đi sâu nội địa Trung Quốc cũng như sang nước thứ ba. Hàng có thể được vận chuyển trên cả đoàn tàu khoảng 20 container, tương đương với 20 xe đầu kéo container từ Nam ra Bắc, lên biên giới. Từ đây, hàng có thể dỡ xuống tàu, đi tiếp bằng đường bộ qua cửa khẩu, hoặc đi thẳng qua cửa khẩu ga đường sắt sang Trung Quốc.

Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, để có thể triển khai tuyến vận tải hàng nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu bằng container lạnh Sóng Thần - Đồng Đăng, doanh nghiệp này đã phải xây dựng quy trình vận chuyển riêng. Vận chuyển bằng container lạnh tiếp điện, đơn vị phải chuẩn bị đường điện tiếp điện cho container, kéo theo toa xe bưu vụ chở máy phát điện trong đoàn tàu. Trong quá trình chạy phải có nhân viên kĩ thuật điện, nhân viên điện lạnh đi theo để có phát sinh sự cố điện thì xử lý kịp thời, container duy trì được nguồn điện, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Cùng đó phải ban hành quy trình về nối hệ thống điện, quy trình giải quyết sự cố hàng hóa.

"Với giải pháp này, chúng tôi đã được khách hàng Trung Quốc tin tưởng hợp tác. Họ là người chuẩn bị được nguồn hàng ổn định, gom hàng từ các chủ vựa trái cây miền Nam về ga Sóng Thần, khi đến lịch chạy tàu là có đủ hàng để vận chuyển. Chiều ngược lại, tàu vận chuyển hàng trái cây Trung Quốc như nho tươi, tỏi tươi từ Lào Cai vào Sóng Thần", đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nhấn mạnh.

Có thể thấy, thời gian gần đây, theo xu thế vận chuyển đường sắt là giải pháp hiệu quả về thời gian. Tuy nhiên, yêu cầu hàng nông sản tươi, trái cây đi bằng đường sắt phải là hàng chính ngạch và phải đáp ứng yêu cầu khắt khe từ mã vùng trồng đến quy cách đóng gói. Hàng đi đường sắt chỉ phù hợp với doanh nghiệp xuất hàng chuẩn chỉ, làm "thật" và tìm thị trường cung cấp cao cấp hơn vì khi đó giá thành hàng hóa sẽ cao hơn so với đi bằng đường bộ, lợi nhuận thu về cũng tốt hơn.

Ở góc độ khác, ban lãnh đạo Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại: Khi khối lượng hàng hóa tăng thì đường sắt cũng gặp rất nhiều vấn đề bởi vì hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt Việt Nam đang rất lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng. Năng lực vận tải thông qua thấp do các hạn chế nhà ga, bãi hàng, tải trọng cầu đường. Không kết nối được với các loại hình phương tiện vận tải khác, đặc biệt là kết nối với các cảng biển. Tình trạng thiếu phương tiện vận tải (đầu máy, toa xe hàng) cũng là khó khăn lớn khi khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng đột biến.

Nhằm không bỏ lỡ cơ hội phát triển, hút khách, ông Đặng Sỹ Mạnh thông tin, hiện Bộ GTVT đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần. Theo ông Mạnh, dự kiến giai đoạn 2025 - 2030, sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam. Khi hạ tầng tại ga Sóng Thần phục vụ hoạt động liên vận quốc tế được đầu tư hoàn thiện, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy tàu mỗi ngày và cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ công tác xuất nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng tại khu vực tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Phạm Huyền
.
.
.