Quảng Nam nói gì trước hiện trạng sâm Ngọc Linh chết hàng loạt?

Thứ Ba, 14/11/2023, 09:44

Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với nguồn cây giống sâm Ngọc Linh cấp hỗ trợ cho người dân, vì số lượng cây giống được cấp hỗ trợ cho huyện Nam Trà My bị chết rất nhiều sau khi đưa vào trồng trọt (dù đã đảm bảo các quy trình, kỹ thuật trồng).

Sáng 14/11, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa có báo cáo trả lời ý kiến cử tri trong tỉnh (trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV).

Trong số 18 kiến nghị, ý kiến của cử tri có kiến nghị kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với nguồn cây giống sâm Ngọc Linh cấp hỗ trợ cho người dân, vì số lượng cây giống được cấp hỗ trợ cho huyện Nam Trà My (theo Nghị quyết số 41/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm núi Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2025, gọi tắt là Nghị quyết số 41) bị chết rất nhiều sau khi đưa vào trồng trọt (dù đã đảm bảo các quy trình, kỹ thuật trồng).

Cử tri kiến nghị kiểm tra chất lượng cây giống sâm Ngọc Linh -0
Cây sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.

Về nội dung này, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết số 41, tính đến ngày 31/12/2021, tổng số cây giống sâm Ngọc Linh đã hỗ trợ cho người dân là 33.150 cây (gồm 23.600 cây từ Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, 9.550 cây từ Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My).

Qua theo dõi báo cáo từ các địa phương, đơn vị chuyên môn của huyện Nam Trà My, tình hình sinh trưởng, phát trưởng của cây giống sâm hỗ trợ trong giai đoạn này ổn định, chưa có thông tin về tình hình phát sinh bệnh hại.

Ngày 21/4/2022, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND về quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 thay thế Nghị quyết số 41. Thực hiện theo Nghị quyết này, đến nay người dân huyện Nam Trà My được hỗ trợ với số lượng cây sâm giống là 93.000 (gồm: 20.000 cây giống nhận trồng trong tháng 11/2022 và 73.000 cây giống nhận trồng trong tháng 9/2023); hiện cây sâm Ngọc Linh đang vào thời kỳ ngủ đông, chưa có thông tin về tình hình sinh trưởng của cây sâm hỗ trợ trong các đợt này.

Tuy nhiên, để có cơ sở xác định nguyên nhân gây chết cây sâm Ngọc Linh trồng từ năm 2018 đến nay theo phản ánh của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị người dân có thông tin cụ thể hơn về lô giống, thời gian nhận, vùng trồng để có cơ sở kiểm tra; đề nghị UBND huyện Nam Trà My chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị cung ứng giống, các địa phương và người dân được nhận giống hỗ trợ theo Nghị quyết số 41 (trước đây) tiến hành kiểm tra, rà soát để thống kê (theo từng năm) số lượng cây chết; đồng thời đánh giá xác định nguyên nhân cụ thể, bởi cây sâm Ngọc Linh chết sau khi trồng không chỉ do nguyên nhân chất lượng giống mà còn phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết, khí hậu, chăm sóc…; kiểm tra lại hồ sơ và việc đánh giá chất lượng cây giống tại thời điểm nhận để có cơ sở đánh giá khách quan hơn.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra, xác minh thực tế.

Ngọc Thi
.
.
.