Nông sản Việt vượt nửa vòng trái đất chinh phục khách hàng

Thứ Sáu, 28/04/2023, 08:45

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất đã chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP. Ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Điều này đã giúp nhiều nông sản Việt vượt nửa vòng trái đất chinh phục khách hàng.

Chia sẻ về việc chinh phục các thi trường lớn, đưa được chè Việt vươn xa, bà Đoàn Thanh Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Nông sản Thái Nguyên cho biết, sau 2 năm tìm hiểu thị trường, đã có lô hàng XK 2 tấn trà đầu tiên sang Hoa Kỳ. Đến nay, đều đặn mỗi tháng Liên hiệp HTX Nông sản Thái Nguyên đã XK 1 container sang thị trường này.

Nông sản Việt vượt nửa vòng trái đất chinh phục khách hàng -0
Đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Theo bà Đoàn Thanh Hằng, ngay từ khi thành lập HTX đã định hướng trồng trọt, sản xuất theo hướng XK đi thị trường Mỹ và Nhật Bản nên đã tìm hiểu thông tin và các quy định của sản phẩm hàng hóa XK vào các thị trường này nên thời gian đầu rất khó khăn khi chuyển đổi vùng nguyên liệu tập trung và sản xuất theo quy trình kỹ thuật. Trao đổi với PV Báo CAND ngày 26/4, ông Phạm Văn Xuân, Giám đốc Công ty Gia Bảo Cargo, kiêm Chủ nhiệm HTX VietGAP Hiền Khánh Ninh ở Vĩnh Phúc cho biết, hiện công ty đã đầu tư 4 trang trại với 6 ha ở tại xã Hoàng Lâu, Tam Dương, Vĩnh Phúc để trồng rau xanh, hoa lan. Quy trình sản xuất đều được DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao của Israel, xây dựng nhà kính, nhà màng. Rau xanh của trang trại đang được cung ứng cho các nhà cung cấp thực phẩm tại thị trường khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc và Việt Trì, Phú Thọ. Quy trình sản xuất, từ trồng, thu hoạch, đóng gói hút chân không, kho lạnh đều được DN đầu tư bài bản. Sắp tới, DN sẽ đầu tư số hoá vào trong sản xuất, phần mềm quản lý điều hành, vận hành sản xuất, xuất hàng để kiểm soát được quy trình được tốt hơn nữa.

Cùng với đó, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm Thạch Thị Chal Thi cho biết, Sokfarm từng bước xây dựng vùng nguyên liệu, vùng đệm và làm theo tiêu chuẩn hữu cơ, có được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của EU, Mỹ, Nhật… Quy trình sản xuất, tài liệu mã vạch, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, đều được chuẩn hoá đưa vào hệ thống, phần mềm quản lý. Từ vùng nguyên liệu, thời tiết, chăm sóc dừa, thu hoạch, chế biến, đều có nhật ký ghi lại nên việc truy xuất nguồn gốc được minh bạch, rõ ràng, người tiêu dùng cũng yên tâm hơn.

Để mở rộng thị trường XK, vượt qua được những rào cản khắt khe của thị trường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, các bộ ngành xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích DN sản xuất, xuất khẩu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững với mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của DN, khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại thị trường Hoa Kỳ. Song song đó, các địa phương, hiệp hội DN, ngành hàng tăng cường mối liên hệ với các đối tác qua các nền tảng trực tuyến, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến tại thị trường Hoa Kỳ, lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm phù hợp, tham gia các chương trình khảo sát, nghiên cứu thị trường, tăng cường giao lưu, hợp tác với các đối tác.

Trên thực tế, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần thay đổi hoạt động của các DN, HTX. Theo bà Đoàn Thanh Hằng, chuyển đổi số đã giúp DN, HTX tiếp cận được với khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. DN tiếp cận thị trường thông qua các nền tảng thương mại trực tuyến như Amazone, Alibaba, Shopee, fanpage,website.... DN trao đổi với khách qua Zalo, whatup, email... để chốt hợp đồng bán hàng. Đây chính là cách tiếp cận thị trường một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất với chi phí rẻ hơn, giúp DN gia tăng giá trị sản phẩm, thương hiệu và vị thế với đối tác toàn cầu.

Về giải pháp công nghệ đối với DN, ông Đinh Đức Thụ, Giám đốc Ban Khách hàng Tổ chức – Doanh nghiệp, VNPT VinaPhone cho rằng, Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ KH&ĐT đã thực sự mang lại lợi ích cho các DN, đặc biệt là các DN cung cấp các giải pháp chuyển đổi số. DN khi bắt tay vào chuyển đổi số thì việc tin học hoá, chuyển đổi số phải làm ngay, thay đổi lại chiến lược kinh doanh của mình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, có hơn 2 triệu lượt tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số; hàng ngàn DN tại gần 40 tỉnh, thành phố được đào tạo, tập huấn; hơn 200 DN được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về lộ trình chuyển đổi số.

Sau 2 năm triển khai chương trình, các DN đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều DN đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Lưu Hiệp
.
.
.