Nhiều triển vọng mùa cà phê tăng giá mạnh

Thứ Bảy, 25/02/2023, 08:20

Giá cà phê hạt ở các tỉnh Tây Nguyên hiện đã tiến sát mốc 48.000 đồng/kg. Điều này báo hiệu thị trường tiêu thụ trên thế giới đã phục hồi mạnh mẽ sau những năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID. Trước động thái tích cực trên, nông dân tỉnh Lâm Đồng đang hăm hở bước vào mùa tưới nước, bón phân, đẩy mạnh chăm sóc cà phê đem theo kỳ vọng một vụ bội thu, bán được với giá cao.

Nhiều nông dân cho biết, sau Tết Nguyên đán 2023, giá cà phê nhân ở các tỉnh Tây Nguyên đã có những bứt phá với chuỗi đà tăng liên tục. Từ 35.000 đồng/kg vào tháng 12/2022 nay đã lên sát 48.000 đồng/kg và được dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong thời gian tới. Sự ấm lại của thị trường cà phê nhân đã tiếp thêm động lực để bà con nông dân mạnh dạn "vung tiền" đầu tư.

Mùa khô năm nay, tuy giá các loại phân bón còn giữ ở mức khá cao nhưng nông dân ở Lâm Đồng vẫn phấn khởi bước vào cao điểm mùa chăm sóc mới. Các đại lý thu mua cà phê hoặc đại lý kinh doanh phân bón cũng sẵn sàng ứng tiền, phân bón cho nông dân vay mượn để chăm sóc cho rẫy cà phê với lãi suất thấp. Với hình thức này, tới vụ thu hoạch cà phê, bà con sẽ bán sản phẩm cho chủ các đại lý để trừ vào khoản nợ đã vay mượn.

Nhiều triển vọng mùa cà phê tăng giá mạnh -0
Nông dân các tỉnh Lâm Đồng đang bước vào thời kỳ bơm nước tưới và bón phân cho cây cà phê.

Từ 5h sáng, gia đình chị Hoàng Thị Duyên, ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã rời nhà lên rẫy. Hôm nay, gia đình Duyên bắt đầu bón phân, tưới nước cho gần 3ha cà phê. Với 5 nhân công, dự kiến gia đình chị Duyên sẽ hoàn thành công việc trong vòng 1 tuần. Thời điểm này, giá cà phê nhân đang tăng mạnh, được dự báo sẽ lập đỉnh trong nhiều năm qua đã trở thành nguồn động lực để bà con tiếp tục chăm bón.

Đối với người trồng cà phê, đây là thời điểm rất quan trọng, quyết định tới việc thành bại của một niên vụ trong một năm. Do đó, bà con luôn dành nhiều thời gian chăm sóc, tưới nước, bón phân hợp lý để đảm bảo vườn cà phê ra hoa, đậu quả, sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình ông Nguyễn Văn Phương, ngụ Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) phải kéo dây bơm nước từ hồ thủy lợi vào rẫy với chiều dài gần 1km tưới cho cà phê. Để nguồn nước từ hồ thủy lợi đẩy được về tới rẫy, gia đình ông Phương phải dùng máy nổ vận hành máy bơm công suất lớn. Điều này cũng khiến chi phí đầu tư cho cà phê tăng lên đáng kể. Công việc nặng nhọc, phải làm từ sáng tới khuya nhưng ai cũng phấn khởi, nỗ lực chăm sóc cho rẫy cà phê một cách tốt nhất.

"Nông dân chúng tôi cả năm chỉ trông chờ vào một vụ cà phê. Mấy năm qua giá xuống quá thấp, chi phí nhân công, phân bón lại cao nên hầu hết chỉ lấy công làm lãi. Sang năm nay, giá cà phê tăng vọt, nhất là sau Tết Nguyên đán. Nếu vẫn giữ được giá cao cho tới cuối năm, chắc chắn người trồng cà phê chúng tôi sẽ có thu nhập khá. Nhưng trước mắt, chúng tôi phải chăm sóc để cà phê ra hoa, kết trái đều thì mới có một năm bội thu!..", ông Phương chia sẻ.

Cà phê là một trong những cây công nghiệp chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên. Riêng tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 170.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng và Bảo Lâm. Để đảm bảo đem lại hiệu quả sản xuất, hiện nông dân và chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp phòng chống hạn, kết hợp tưới nước, bón phân kích cho cây trồng ra hoa, kết quả.

Khắc Lịch
.
.
.