Nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP

Thứ Ba, 10/10/2023, 07:29

Sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn và hiện được xem như “giấy thông hành” để bước ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn sản phẩm OCOP vẫn chật vật trong việc tìm chỗ đứng tại thị trường trong nước, còn thị trường xuất khẩu (XK) thì vẫn còn quá xa...

Tại nhiều siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh như: Co.op Mart, Satra, Big C, MM Mega Market… đều có hẳn một khu vực riêng chuyên trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương trên cả nước để người tiêu dùng (NTD) dễ dàng tiếp cận. Các sản phẩm OCOP tại siêu thị chủ yếu là hàng nông sản, thủy hải sản… sản phẩm đặc trưng của các địa phương đạt chuẩn từ 3-5 sao. Mặc dù đã được cơ quan chức năng đánh giá thẩm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc nguồn gốc rõ ràng, nhưng các sản phẩm OCOP không dễ dàng vào được các hệ thống siêu thị.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc kinh doanh HTX sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, HTX Cự Nẫm có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao là sản phẩm cao cà gai leo và cao dây thìa canh. Các sản phẩm có vùng nguyên liệu được trồng theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… được tiêu thụ mạnh tại các nhà thuốc tây, các siêu thị nhỏ. Riêng các siêu thị lớn thì sản phẩm chưa bán được do siêu thị chiết khấu tỷ lệ phần trăm cao. Ngoài ra, việc thanh toán kéo dài, trong khi tài chính HTX còn hạn chế, nên khâu quay vòng vốn của HTX cũng khó khăn. “Chính vì vậy, chúng tôi mang các sản phẩm OCOP để tham gia Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Bình tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (đến ngày 11/10), để mong được “kết nối”, giới thiệu đến NTD và các hệ thống bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh”, ông Bình nói.

Nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP -0
Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX Xuân Hưng.

Nhiều địa phương có sản phẩm OCOP phẩm na ná nhau, chưa có tính khác biệt. Do các chủ thể OCOP là HTX, DN nhỏ, hộ kinh doanh, tổ hợp tác với nguồn vốn còn hạn chế, nên việc đầu tư cho sản phẩm OCOP chưa mạnh về vùng nguyên liệu, bao bì mẫu mã sản phẩm chưa bắt mắt… dẫn đến tính cạnh tranh không cao, sản lượng không ổn định, trong khi nguồn cung ổn định là yếu tố rất quan trọng đối với siêu thị, tránh bị “đứt hàng” khi sức mua tăng. Cung – cầu chưa có tiếng nói chung nên số lượng sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị vẫn còn khá khiêm tốn.

Chị Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc HTX Xuân Hưng với sản phẩm OCOP là rượu sim, cũng được khách hàng Lào và Thái Lan tìm mua nhưng HTX không đủ sản lượng để cung cấp. Rượu sim Xuân Hưng cũng chỉ bán tại các gian hàng đặc sản ở một số địa phương như: Gia Lai, Đồng Nai, Hà Nội...

NTD đánh giá sản phẩm OCOP rất tốt, nhưng do khâu maketing của các HTX còn yếu nên thị phần tiêu thụ chủ yếu qua… truyền miệng, chưa được tiêu thụ ổn định ở các hệ thống phân phối lớn. Nhu cầu phát triển sản xuất sản phẩm OCOP và mở rộng thị trường của các HTX là rất lớn. Nhưng hiện nay mặc dù có nghị định khuyến khích các DN lớn có lợi thế đầu tư liên kết sản xuất, kinh doanh vào nông nghiệp, nhưng các DN không mặn mà, trong khi đó các HTX rất khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cũng như thị trường tiêu thụ.

Tại Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Quảng Bình tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh có 145 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có những sản phẩm XK. Tham gia sự kiện này, có hơn 40 DN, HTX với hơn 100 chủng loại hàng hóa đạt 3 sao, 4 sao. Tại chương trình, có 17 biên bản ghi nhớ của 17 nhà cung cấp với 3 nhà phân phối trên địa bàn thành phố gồm hơn 50 chủng loại sản phẩm.

Theo Bộ NN&PTNT, đến ngày 30/6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, TP đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Có thể thấy, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP có được chỗ đứng ổn định tại thị trường nội địa và chinh phục được thị trường XK thì cần phải khắc phục ngay những hạn chế đang tồn tại.

Thúy Hà
.
.
.