Nhiều tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao

Thứ Năm, 17/03/2022, 08:44

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Hải Phòng, trên địa bàn có hơn 1.027 tàu cá với khoảng hơn 8.000 lao động tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Tuy nhiên, khi chi phí nhiên liệu tăng cao, với những con tàu càng lớn, đi càng xa thì tỷ lệ thua lỗ càng cao. Do đó, đến thời điểm này, phần lớn các phương tiện đều nằm bờ.

Tỉnh Quảng Ninh có tổng số gần 8.000 phương tiện, chủ yếu hoạt động các nhóm nghề lưới chụp, lưới kéo, lưới rê, câu, pha xúc, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản và nghề khác tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Đến nay hầu hết các phương tiện trên đều phải đỗ bến, do không cân đối được thu chi.

Ghi nhận tại khu vực tập trung nhiều phương tiện đánh bắt thủy, hải sản của Hải Phòng như xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên), Cát Bà (huyện Cát Hải), Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), số ít phương tiện hoạt động khai thác hải sản chỉ đủ để duy trì sản xuất, một số tàu bị thua lỗ do doanh thu không đủ bù đắp lại chi phí. Còn lại nhiều tàu cá đành phải đỗ bến do không đủ chi phí ra khơi.

Nhiều tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao -0
Giá xăng dầu tăng đột biến khiến nhiều chủ tàu phải cân nhắc trước khi ra khơi.

Theo tính toán của các chủ tàu, mỗi chuyến ra khơi, tiền xăng dầu chiếm 50 - 60% tổng chi phí. Với giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, chi phí đi biển của mỗi tàu đều tăng từ 30-50 triệu đồng. Ông Phạm Văn Mạnh, ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) vừa trở về sau chuyến đi kéo dài gần 10 ngày cho biết, chi phí cho 1 chuyến đi hết hơn 50 triệu, đến khi về bờ, hàng bán ra thu về được 60 triệu. Với số tiền lãi là 10 triệu không đủ trả cho công nhân, chưa kể chi phí khác và khấu hao phương tiện.

Trong khi đó, anh Hoàng Văn Hùng, ở phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, là người chuyên thu mua hải sản lại cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động như du lịch, dịch vụ ngừng hoạt động nên giá hải sản chỉ thu mua được ở mức thấp.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, giá xăng dầu tăng đột biến khiến việc sản xuất của ngư dân gặp khó khăn do chi phí sản xuất của một chuyến đi biển tăng hơn so với bình thường từ 30-45%, thậm chí còn cao hơn nữa tùy thuộc vào từng loại nghề và công suất của tàu. Bên cạnh chi phí cho chuyến đi biển cao, nghề khai thác thủy sản lại phụ thuộc vào sản phẩm khai thác được từ biển, có thể đạt sản lượng khai thác cao hoặc thấp tùy thuộc vào kinh nghiệm và may mắn của mỗi ngư dân.

Vì thế, các chủ tàu phải tính toán kỹ để giảm thiểu rủi ro kinh tế và phải tìm cách giảm chi phí hoạt động sản xuất bằng cách giảm nhân lực lao động ngoài, kéo dài thời gian hoạt động trên biển hoặc chuyển sang hoạt động kiêm nghề…

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT của các địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh đều đã đề xuất, kiến nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ NN&PTNT có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua dầu cho ngư dân khai thác thủy sản; vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp, thay máy sang máy ít tiêu hao nhiên liệu. Đồng thời, cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân để giảm áp lực đến nguồn lợi ven bờ, chuyển từ nghề đánh bắt gây xâm phạm nguồn lợi, hiệu quả thấp sang các ngành nghề khai thác chọn lọc, thân thiện với môi trường, chuyển đổi từ nghề khai thác gần bờ ra xa bờ. Ngoài ra, để hỗ trợ cho ngư dân, các địa phương đang xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh như thương lái, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm.

* Báo cáo của Chi cục Thuỷ sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang cho thấy, qua rà soát, hiện toàn tỉnh có hơn 900 tàu cá trong tổng số 3.976 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đang nằm bờ chưa ra khơi hoạt động khai thác.

Trong đó, số tàu cá nằm bờ dài hạn khoảng 300 tàu, còn lại khoảng hơn 600 tàu chưa xuất bến hoạt động khai thác. Theo các chủ tàu, hơn 600 tàu cá chưa xuất bến khai thác do thời điểm sau Tết Nguyên đán sản lượng khai thác thủy sản không cao. Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản trong thời gian qua đang suy giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh nên một số chủ tàu còn e ngại hoạt động khai thác trong một số thời điểm nguồn lợi thủy sản không dồi dào như hiện nay. Mặt khác, một số chủ tàu điều kiện kinh tế khó khăn trong khi không đủ điều kiện vay vốn nên cũng cân nhắc cho tàu xuất bến hoạt động. Đáng chú ý, theo một số chủ tàu, trong thời gian gần đây giá dầu tăng từ 6.000-7.000 đồng/lít so với cùng thời điểm năm 2021, giá vật dụng, nhu yếu phẩm cũng tăng đã tác động mạnh đến các chủ tàu trong việc cho tàu hoạt động, nhất là các chủ tàu có điều kiện kinh tế khó khăn.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá (Kiên Giang) quan ngại: "Tàu cá mà nằm bờ cũng chết, ra khơi đánh bắt cũng chết vì thua lỗ". Theo phân tích của Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động trong suốt thời gian dài, nay thêm giá xăng dầu tăng cao đã khiến người lao động lâm vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Đây là khó khăn chung không riêng gì của tỉnh Kiên Giang mà cả nước nói chung.

Theo ông Nguyễn Quốc Trường, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản tỉnh Kiên Giang cho biết, trước mắt, đơn vị đã có những nghiên cứu, đề xuất với các ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn của ngư dân trong tình hình hiện nay, nhất là về hỗ trợ vay vốn, giá nhiên liệu, nhu yếu phẩm… phục vụ hoạt động khai thác thủy sản.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNN về tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức cộng đồng ngư dân về ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, nhất là các hành vi khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản, khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Chi cục và các doanh nghiệp cũng tổ chức thực hiện các giải pháp của dự án "Điều tra các nghề khai thác thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ tỉnh Kiên Giang, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác tỉnh Kiên Giang" nhằm tổ chức lại hoạt động nghề cá của địa phương, tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thủy sản, nhất là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ.

V. Huy - Trần Lĩnh
.
.
.