Nhiều cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới

Thứ Năm, 21/04/2022, 08:08

Thời gian qua, các tỉnh thành và ngành du lịch trên cả nước luôn nỗ lực quảng bá du lịch địa phương mình, ngành mình và du lịch của Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhất là từ ngày Chính phủ cho phép mở cửa du lịch hoàn toàn (15/3/2022) được xem là điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch cả nước, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Tất Thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Australia cho biết, chất lượng du lịch là điều tiên quyết.

“Tôi thấy các nước, các doanh nghiệp du lịch họ cạnh tranh nhau bằng giá. Tôi rất mong chúng ta nâng cao chất lương du lịch chứ không cần cạnh tranh về giá. Bà con ở Australia luôn sẵn sàng đóng góp hết lòng cho du lịch nước nhà”, ông Nguyễn Tất Thành chia sẻ.

du khach.jpg -0
Du khách nước ngoài phấn khởi khi đến Việt Nam tham quan.

Hiện nay, với sự phát triển của các nền tảng xã hội, đặc biệt là rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội có thể làm công tác quảng bá du lịch rất tốt. Thông tin truyền qua mạng xã hội, qua hệ thống bạn bè trên mạng xã hội cũng như kể cả hệ thống gia đình có thể đưa thông tin đến nhanh nhất từ thành phố đến tất cả các địa phương trong nước và các ngõ ngách trên thế giới vô cùng nhanh chóng. Cứ mỗi người Việt Nam trải nghiệm thật nhiều dịch vụ du lịch trong nước và tiếp tục chia sẻ thì đây là cách có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Có thể đưa chương trình đi tham quan bảo tàng, các công trình xây dựng lớn của thành phố, các điểm du lịch vào chương trình dã ngoại của tất cả học sinh trong thành phố. Từ đó lan rộng ra cách tỉnh và ra cả nước để các cháu ở các tỉnh thành khác được sớm đến tham quan TP Hồ Chí Minh và ngược lại. 

“Năm 2023, Việt Nam và Israel sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cá nhân tôi rất mong đồng hành với các cơ quan trong nước, đặc biệt là Tổng cục du lịch và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng như tất cả các cơ quan liên quan để làm các sự kiện, hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, hình ảnh thành phố đến với bạn bè tại Israel”, ông Lý Đức Trung, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Israel chia sẻ.

Các Đại sứ cho biết, hầu hết khách du lịch của các nước muốn trải nghiệm nhưng rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm du lịch, đến chất lượng dịch vụ, vấn đề giá cả không phải là yếu tố quyết định. Có một bất cập hiện nay đó là quy định đối với khách nước ngoài vào Việt Nam phải đăng ký theo tour và phải có đơn vị du lịch đón... Điều này gây khó khăn cho du khách, trong khi đó tiêm vaccine đã được thực hiện đại trà. Vì nhiều người họ đi theo nhóm, đi cùng gia đình, cũng có những người trẻ đi du lịch khám phá thì không đi theo tour mà đi trải nghiệm cá nhân riêng của họ. Do đó chính sách về visa cần có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia cho rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp của nhiều ngành kinh tế khác. “Một điều làm chúng tôi bất ngờ đó là 1/3 GDP của Áo là từ du lịch. Áo là một đất nước công nghiệp và có nhiều ngành khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu tốt, tại sao ngành du lịch chiếm 1/3 GDP? Họ cho rằng cứ 3 người Áo có 1 người nằm trong chuỗi giá trị do ngành du lịch mang lại. Nhìn du lịch là nền tảng, là phương tiện cho các ngành khác thì sẽ khai thác hết giá trị”, ông Nguyễn Trung Kiên cho hay.

Chúng ta không chỉ nhìn du lịch là vui chơi giải trí, mà cần nhìn du lịch luôn cả nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch hội nghị, hội thảo, hoạt động kinh doanh. Bởi tất cả các nhà kinh doanh lớn họ đi lại rất nhiều, họ rất cần các dịch vụ tốt, kể cả dịch vụ ngân hàng. Do đó hạ tầng tổng thể du lịch cả nước cần phải đồng bộ, bao gồm cả chính sách, giao thông, dịch vụ ngân hàng,…

Ông Phạm Văn Thủy, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, với thế mạnh của TP Hồ Chí Minh, nhất là có các chuyến bay gần như đến với tất cả các nước thì đây là nền tảng để du khách đến TP Hồ Chí Minh rồi đến các tỉnh thành khác. Đây cũng là cơ hội giúp lan tỏa du lịch cho các tỉnh thành trong cả nước. Điều quan trọng là sản phẩm và dịch vụ du lịch cần phải chất lượng, có dấu ấn để du khách sau khi về nước sẽ quay lại Việt Nam và quảng bá du lịch của Việt Nam với người dân nước họ.

Nguyễn Cảnh
.
.
.