Nguy cơ thẩm lậu đường cát qua đường tiểu ngạch dịp cuối năm

Thứ Ba, 25/10/2022, 07:11

Năm 2022, tình hình buôn lậu đường cát qua biên giới diễn biến phức tạp. Trong tháng 10/2022, nhiều địa phương đã phát hiện và thu giữ nhiều tấn đường cát. Đường lậu vào nước ta bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như hợp thức hoá đường nhập lậu bằng hoá đơn, chứng từ, thậm chí đưa bao bì từ trong nước ra nước ngoài đóng gói, sau đó đưa hàng thẩm lậu biên giới…

Thủ đoạn tinh vi

Số liệu Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) công bố ngày 13/9 cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022 đã có trên 441.219 tấn đường nhập lậu từ Campuchia và Lào vào Việt Nam, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Đường nhập lậu đều là đường sản xuất tại Thái Lan nhưng được đi vòng qua Campuchia hoặc Lào, sau đó tuồn vào Việt Nam.

Trong những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu đường về Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều vụ việc gian lận thương mại đường nhập lậu đã bị phát hiện tại một số địa phương. Mới đây, ngày 14/10, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Cục QLTT Phú Yên, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Yên thực hiện dừng xe ôtô tải BKS 74C-031.50 lưu hành hướng Bắc – Nam.

Nguy cơ thẩm lậu đường cát qua đường tiểu ngạch dịp cuối năm -0
Đường cát trắng vi phạm bị lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên bắt giữ.

Qua kiểm tra, khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 15 tấn đường cát được đóng vào bao loại 50kg, trên bao in chữ nước ngoài, ghi do Thái Lan sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe có xuất trình hóa đơn GTGT xuất bán vào ngày 21/9/2022, ghi đơn vị xuất bán tại TP Đông Hà, Quảng Trị xuất bán cho cá nhân ở Đồng Nai.

Qua đối chiếu thông tin trên hóa đơn xuất trình phù hợp với số lượng với hàng hóa thực tế trên xe đang vận chuyển. Tuy nhiên, trên bao bì hàng hóa không có ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Cục QLTT Phú Yên liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển đường cát do Thái Lan sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Cục QLTT Phú Yên đã ban hành quyết định tịch thu 79 tấn đường để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Hải quan Đồng Tháp, từ đầu tháng 10 đến nay, Cục Hải quan Đồng Tháp đã phát hiện, tạm giữ gần 5 tấn đường lậu. Mới đây, Cục phát hiện tiếp 800kg đường kết tinh đóng trong 16 bao PP bên ngoài có dòng chữ PURE REFINED SUGER để rải rác trên bờ sông Sở Thượng (Đồng Tháp). Qua xác minh thì số hàng hóa nêu trên do hai người đàn ông điều khiển xuồng máy đi từ phía Campuchia vượt sông biên giới Sở Thượng sang bờ Việt Nam cất giấu. Khi phát hiện Tổ công tác từ xa, hai người bỏ lại hàng và nhanh chóng điều khiển phương tiện về phía Campuchia trốn thoát. Trước đó, trong ngày 2 và 3/10/2022, lực lượng QLTT Long An đã kiểm tra, ngăn chặn 2 vụ nhập lậu đường cát. Tang vật thu giữ gồm 200 bao đường cát, tương đương 10.000kg. Trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 160 triệu đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, trong khi tình trạng vận chuyển trái phép hàng hoá qua đường tiểu ngạch trên tuyến biên giới phía Bắc được hạn chế thì tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá diễn ra phức tạp trên tuyến biên giới Tây Nam, trong đó nổi lên mặt hàng đường cát. Hoạt động buôn lậu đường cát diễn ra chủ yếu qua khu vực biên giới Quảng Trị, Long An. Do nhu cầu tăng cao nên mặt hàng đường cát luôn được lực lượng QLTT đưa vào “tầm ngắm”.

Tại Hội nghị sơ kết công tác quý III/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia mới đây, Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) nhấn mạnh, đối với mặt hàng đường, từ khi Bộ Công Thương ban hành thông tư về áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với đường Thái Lan, có hiện tượng “hô biến” đường Thái Lan gắn xuất xứ, thay bao bì sản phẩm của các nước lân cận, sau đó nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam. Hoạt động này diễn ra phức tạp, với số lượng lớn, tuy nhiên các đối tượng xuất trình bộ tờ khai hải quan, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ hợp lệ, do vậy quá trình xử lý về gian lận xuất xứ gặp nhiều khó khăn. Mới đây nhất, tháng 9/2022, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành thông tư về áp dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng đường của hầu hết các nước có nguy cơ gian lận xuất xứ.

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do cơ chế chính sách, thủ đoạn của các đối tượng cũng thường xuyên thay đổi. Lợi dụng đường mòn, lối mở, các đối tượng đưa hàng hoá thẩm lậu vào Việt Nam. Sau khi vận chuyển trót lọt vào nội địa, các đối tượng tiếp tục hợp thức hoá bằng hóa đơn, biến hàng hoá nhập lậu thành hàng hoá trong nước sản xuất. Tinh vi hơn, các đối tượng còn đưa bao bì từ trong nước ra nước ngoài đóng gói, sau đó đưa hàng thẩm lậu biên giới, gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.

Nhiều giải pháp ngăn chặn

Đại tá Vũ Như Hà cho biết, dự báo khi kiểm soát chặt chẽ mặt hàng đường theo đường chính ngạch, mặt hàng này có nguy cơ thẩm lậu qua đường tiểu ngạch. Do vậy, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng đường thẩm lậu vào Việt Nam.

Để ngăn chặn đường lậu, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các lĩnh vực quản lý; đặc biệt là công tác chống buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường cát nhập lậu nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Riêng ngành Hải quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đấu tranh, trong đó đề xuất việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng mía đường. Thời gian tới, cơ quan hải quan địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra kiểm tra đối với mặt hàng đường mía, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện các hành vi quay vòng tờ khai nhập khẩu. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện các quyết định của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chỉ đạo công chức Hải quan kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất theo các bước kiểm tra (nêu tại mục 4 của thông báo ban hành kèm Quyết định số 1514/QĐ-BCT của Bộ Công Thương).

Lưu Hiệp
.
.
.