Người lao động mất việc, giãn việc sẽ còn tiếp diễn

Thứ Năm, 31/08/2023, 07:52

Tình trạng lao động mất việc, ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng đã diễn ra gần 1 năm nay. Nhưng đến thời điểm hiện tại tình trạng này vẫn chưa khả quan.

Qua khảo sát thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) dự báo thị trường lao động đến cuối năm tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức. Tình trạng người lao động bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn được dự báo còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.

Chưa có nhiều tín hiệu tích cực     

Một trong những doanh nghiệp đã phải sa thải số lượng lớn lao động do thiếu đơn hàng từ đầu năm đến nay là Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Đây là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất tại TP Hồ Chí Minh. Cách đây chưa lâu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phải báo cáo Chính phủ về việc doanh nghiệp này chấm dứt hợp đồng với hơn 8.000 lao động qua 2 đợt. Lý do cắt giảm lao động là do doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng. Ngày 24/8, doanh nghiệp này tiếp tục dự kiến sẽ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với 1.221 người trong thời gian tới. Như vậy, đây là lần thứ 3 công ty này thông báo cắt giảm lao động.

Người lao động mất việc, giãn việc sẽ còn tiếp diễn -0
Lao động dệt may đang đối mặt nhiều áp lực về việc làm, thu nhập do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Ảnh minh họa

 Tình trạng lao động mất việc, ảnh hưởng đến việc làm do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng từng được dự báo kéo dài đến hết quý II/2023, có thể sẽ được cải thiện trong quý III/2023. Nhưng đến nay, tình trạng này lại được dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2023, khi chưa có nhiều tín hiệu tích cực.

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐVN, tại khu vực phía Nam, một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày đang bị giảm đơn hàng nên phải có phương án bố trí lại lao động hoặc cắt giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm lao động dẫn đến khó khăn cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng về việc làm. Tổng LĐLĐVN cho biết, giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và An Giang (chiếm khoảng 70% của cả nước).

“Gần đây nhất trong tháng 6/2023, Ban Nữ công, Tổng LĐLĐVN đã đi khảo sát về thực trạng đời sống, việc làm của lao động nữ di cư trong các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và An Giang cũng đã ghi nhận tình trạng một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhẹ thì người lao động không được làm thêm giờ, nặng hơn là người lao động phải nghỉ giãn việc, thậm chí có doanh nghiệp phải cắt giảm hàng nghìn lao động. Tuy nhiên đây là tình trạng chung áp dụng đối với tất cả các lao động chứ không riêng chỉ với lao động nữ trên 35 tuổi”, bà Đồ Hồng Vân, Trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐVN cho biết.

Ngày 25/8 vừa qua, Tổng LĐLĐVN chính thức ra Quyết định 7885 về việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động với mức từ 1 – 3 triệu đồng (hỗ trợ 1 lần duy nhất) do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Từ nay đến cuối năm, thị trường lao động tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng. Sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga - Ukraina; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. 

Đẩy mạnh triển khai cầu nối việc làm

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội cũng đã ghi nhận tình trạng doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, giảm quy mô sử dụng lao động. Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, không phải thị trường lao động chỉ toàn là một gam màu xám. Bởi nhu cầu tuyển dụng tại Hà Nội vẫn tốt do bên cạnh nhóm doanh nghiệp giảm quy mô sử dụng lao động, thì vẫn có không ít đơn vị mới thành lập và nhiều công ty không bị ảnh hưởng.

Người lao động mất việc, giãn việc sẽ còn tiếp diễn -0
Những ngành thâm dụng lao động như dệt may sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

“Hiện chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường lao động đến người lao động tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, thông qua đó, nhằm thu hút nguồn lao động, nhất là nhóm thiếu việc làm, mất việc tham gia phiên giao dịch việc làm hàng ngày, phiên online, lưu động tìm kiếm được công việc phù hợp, có thu nhập. Đồng thời, cũng nhanh chóng hỗ trợ cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng được lao động đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh vẫn có nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, để không bị mất việc, người lao động nên chủ động nâng cao tay nghề; cập nhật kiến thức liên quan đến vị trí việc làm của mình theo cùng sự chuyển động của thị trường lao động. Trong trường hợp bất khả kháng xảy ra, khi người lao động có kiến thức và kỹ năng thì muốn chuyển dịch việc làm cũng dễ dàng hơn”, ông Thành khuyến cáo người lao động.

Theo ông Thành, một trong những giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để giúp người lao động sớm trở lại thị trường là kết nối việc làm. Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đang đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp cả hai. Theo đó, một số tỉnh phía Bắc liên kết tạo thành những phiên giao dịch trực tuyến. Tại các phiên giao dịch này ghi nhận một số tỉnh có nhu cầu tuyển dụng cao như Bắc Giang, Bắc Ninh…

Đơn cử như tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 13 tỉnh thành phía Bắc được tổ chức ngày 10/8 đã có 188 doanh nghiệp tham gia với hơn 42,5 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng lao động. Bốn địa phương có số lượng chỉ tiêu tuyển dụng cao nhất là Bắc Giang với số lượng tới 17.234 chỉ tiêu, Phú Thọ với 5.885 chỉ tiêu, Ninh Bình với 3.701 chỉ tiêu và Bắc Ninh với 1.656 chỉ tiêu. Đến ngày 14/8, một phiên giao dịch việc làm khác kết nối 14 tỉnh thành lại tiếp tục được tổ chức cũng đã thu hút 191 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với tổng chỉ tiêu tuyển dụng đạt con số 34.177 người.

“Chúng tôi cũng đang tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận huyện. Trên cơ sở đó, các quận huyện cũng khảo sát, nắm bắt được cụ thể số lao động trên địa bàn để từ đó có những tư vấn, định hướng, hỗ trợ việc làm cụ thể. Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tích cực thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng để có những dự báo sát với thị trường, qua đó định hướng cho người lao động tìm kiếm ngành nghề phù hợp. Về lâu dài, chúng ta cần xác định rõ nguyên nhân thị trường lao động bị ảnh hưởng từ đâu. Sau đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Chỉ khi doanh nghiệp có sức khỏe tốt thì mới lo được cho người lao động”, ông Vũ Quang Thành cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.