Ngành dịch vụ và làn sóng thương mại được kỳ vọng tạo đà cho kinh tế phục hồi

Thứ Hai, 08/05/2023, 08:22

Kinh tế vĩ mô nước ta tháng 4 và 4 tháng đầu năm cơ bản được giữ ổn định. Theo đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (DN), đầu tư công… đã có chuyển biến bước đầu, có thể là tín hiệu tích cực tạo đà cho sự phục hồi trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy số ca nhiễm COVID-19 trong nước có xu hướng tăng trở lại trong tháng 4 nhưng hoạt động tiêu dùng thực phẩm thiết yếu của người dân vẫn ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, mua gom, tích trữ thực phẩm. Nguồn cung mặt hàng xăng dầu đầy đủ, giá trong nước có xu hướng tăng/giảm đan xen do chịu tác động của giá thế giới.

Ngành dịch vụ và làn sóng thương mại được kỳ vọng tạo đà cho kinh tế phục hồi -0
Gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4/2023.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bước đầu có tín hiệu tốt. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%. Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%. Nếu so với so với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,5%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ôtô) tăng 4,1%.

Khách quốc tế đến nước ta 4 tháng ước đạt gần 3,7 triệu lượt khách, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước. Số DN đăng ký thành lập mới 4 tháng đạt gần 50 nghìn DN, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 39% dự toán; trong đó, thu nội địa đạt 39,5% dự toán; thặng dư thương mại (xuất siêu) ước đạt 6,35 tỷ USD (cùng kỳ là 2,35 tỷ USD).

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, ước đến ngày 30/4/2023, cả nước đã giải ngân được 110.633,6 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%), tuy nhiên về số tuyệt đối tăng gần 15.000 tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm 2022.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,84% so với cùng kỳ, giảm dần so với quý I (4,18%) và 2 tháng đầu năm (4,6%); chỉ số lạm phát cơ bản 4 tháng đã chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhà đầu tư FDI vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài trong mắt các lãnh đạo DN châu Âu, với hơn 3% các nhà lãnh đạo cho rằng Việt Nam là một trong ba trọng điểm đầu tư của họ trên toàn thế giới. Nhìn chung, 36% số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, trong top 3 hoặc trong top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu.

Đồng thời, những người tham gia khảo sát kỳ vọng, du lịch là một trong ba lĩnh vực hàng đầu sẵn sàng cho tăng trưởng trong quý II/2023, với 38% người được hỏi cho rằng đây là ngành có tiềm năng tăng trưởng cao. Điều này có thể do sự bùng nổ khách du lịch và các cải cách thị thực du lịch sắp tới. Ngoài ra, 21% người trả lời khảo sát xác định F&B và năng lượng tái tạo là những lĩnh vực mà họ mong đợi sẽ tăng trưởng trong kỳ.

Cùng với đó, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cũng cho biết, theo khảo sát thực trạng DN Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022, 60% DN tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Lưu Hiệp
.
.
.