Ngân hàng lên tiếng về các khoản vay của Tập đoàn FLC

Thứ Năm, 31/03/2022, 07:12

Biến cố xảy ra tại Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã làm dấy lên nghi ngại về các khoản vay tại một số ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết các khoản vay này đều có tài sản bảo đảm và có phương án xử lý khi rủi ro xảy ra.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021, chiếm 71% tổng nguồn vốn. Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng.

Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với tổng dư nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Đứng sau Sacombank, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam - BIDV cũng cho FLC vay hơn 1.747 tỷ đồng; Ngân hàng phương Đông - OCB  cho FLC vay 1.392 tỷ; Ngân hàng Quốc dân - NCB cho Tập đoàn này vay 634 tỷ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank cho FLC vay 169 tỷ.

Ngân hàng lên tiếng về các khoản vay của Tập đoàn FLC -0
Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021.

Trước sự cố của FLC, Sacombank đã phát đi thông tin liên quan đến các khoản vay của Tập đoàn FLC khẳng định, các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn. "Trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch COVID - 19. Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo. Tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank. Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank", thông tin cho biết.

Lên tiếng về các khoản vay của FLC, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám OCB cho biết, từ trước đến nay, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu. Mặc dù lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp bị bắt là thông tin xấu, song hoạt động của FLC hiện khá ổn, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

"Hiện chúng tôi sẽ theo dõi sát sao để đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Tuy vậy, đến thời khắc này, chúng tôi tương đối yên tâm về khoản cho vay với FLC, do tài sản đảm bảo lớn và doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định. Nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ", ông Tùng khẳng định.

Được biết, chủ trương của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua là hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên, siết các khoản vay liên quan đến các lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp. Thực hiện chủ trương này, một số nhà băng mới đây cũng đang tạm dừng giải ngân với các khoản vay bất động sản, đồng thời tập trung hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, ngày 25/3, Ngân hàng Sacombank đã có văn bản gửi tới các chi nhánh chỉ đạo việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022, yêu cầu không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa bất động sản để ở. Nhà băng này cũng không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Thời gian thực hiện tới ngày 30/6.

Một ngân hàng khác cũng thông báo về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản. Theo đó, khối ngân hàng bán lẻ nhà băng này yêu cầu các đơn vị kinh doanh tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022. Các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để rời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 1/4/2022…

B.K.
.
.
.