Máy đo nồng độ oxy trôi nổi có thể cho kết quả không chính xác

Thứ Tư, 25/08/2021, 08:42

Thời gian qua, do dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều địa phương, người tiêu dùng có xu hướng tìm mua các thiết bị y tế tự sử dụng tại nhà. Hình thức mua chủ yếu là trực tuyến, thông qua các sàn thương mại điện tử, website… trong đó, máy tạo, đo nồng độ oxy tại nhà đang được nhiều người tiêu dùng “săn lùng” mua. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, thiết bị bán trôi nổi có thể cho kết quả không chính xác, ảnh hưởng tới tính mạng người sử dụng.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lào Cai cho biết, ngày 21/8 tiếp nhận thông tin do Tổ Thương mại điện tử của Cục QLTT tỉnh Lào Cai cung cấp, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Lào Cai phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra tại khu vực đường Trần Viết Xuân, TP Lào Cai phát hiện lô hàng gồm 5 máy tạo oxy nhãn hiệu SANTAFELL do nước ngoài sản xuất.

Chủ lô hàng là ông Lê Mạnh Tuân, sinh năm 1989, trú tại tổ 27, phường Lào Cai, TP Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, ông Lê Mạnh Tuân không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến tính hợp pháp của hàng hóa. Được biết, ông Tuân rao bán trên mạng xã hội máy này với giá trên dưới 5 triệu đồng/ máy.

may do.jpg -0

 Lực lượng chức năng phát hiện 52 chiếc máy tạo oxy loại 1-7 lít/phút, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 22/8, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Hưng Yên) phối hợp với Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra xe ôtô tải biển kiểm soát 51D-133.16 do ông Nguyễn Văn Quỳnh có địa chỉ thường trú tại: Xã Thái Bình, Huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 52 chiếc máy tạo oxy loại 1-7 lít/phút, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, chiều 19/8, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) kiểm tra xe tải đang chuẩn bị giao hàng tại địa chỉ số 428/30 quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có khoảng 350.000 sản phẩm vật tư y tế không có hóa đơn, chứng từ.

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) đã khuyến cáo người dân không nên mua và tự ý sử dụng các thiết bị y tế này. Các thiết bị này phải được phép nhập khẩu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nhu cầu người dân vẫn rất cao. Do đó, hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh các thiết bị này vẫn diễn ra. Liên quan đến vấn đề này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS- Bộ Công Thương) cũng vừa có Công văn số 874/TMĐT-QL yêu cầu các sàn TMĐT rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ oxy trong máu SpO2 vi phạm quy định thương mại để có căn cứ xử lý.

Theo cơ quan này, các thiết bị trên hiện được bán qua hình thức trực tuyến với giá rất rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng đến vài triệu một chiếc. Sản phẩm được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí được quảng cáo là có thể phát hiện virus. Các loại máy này thường nhái với các thương hiệu uy tín như: Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter. Thiết kế máy nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

“Theo phản ánh, hầu hết các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này rất nguy hiểm khi tin theo những chỉ số báo trên máy không chính xác…”- Cục TMĐT&KTS thông tin.

Cùng với việc yêu cầu các sàn TMĐT gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, Cục TMĐT&KTS khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trôi nổi trên mạng. Nếu người dân phát hiện các gian hàng vi phạm thì có thể phản ánh về Cục TMĐT&KTS để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Bộ Y tế khuyến cáo, người tiêu dùng không tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà, đặc biệt, những máy tạo oxy được rao bán trên mạng xã hội không được quản lý, không có giấy phép được lưu hành. Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở, bình tạo oxy mà không sử dụng đến còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung, khiến các cơ sở y tế, bệnh viện không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.

Lưu Hiệp
.
.
.