Lý do nhiều hàng Việt yếu thế khi “đọ sức” với hàng ngoại

Thứ Hai, 11/12/2023, 18:25

Tại diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 11/12, bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đã ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu (XK) của thế giới, đưa Việt Nam vào trong nhóm 23 nước có kim ngạch XK lớn nhất thế giới. 

Bà Lê Thị Việt Nga cho biết, hai khó khăn lớn đối với hàng Việt Nam hiện nay là những thách thức trên thị trường XK và khả năng cạnh tranh trên chính “sân nhà”. Với thị trường XK, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường trên thế giới giảm sút đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, nhất là đối với các ngành hàng dệt may, da – giày, điện tử…

Theo bà Lê Thị Việt Nga, chỉ 10% sản lượng các mặt hàng trên cung ứng cho thị trường nội địa, còn 90% sản lượng là để XK. Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng XK cùng chủng loại của Việt Nam. 

Tại thị trường trong nước, hàng Việt cũng đang phải cạnh tranh gay gắt bởi nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) chính thức có hiệu lực. Chưa kể, tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Hàng Việt gặp khó khi chinh phục thị trường -0
Hàng Việt Nam có thế mạnh đang tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đã ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch XK của thế giới, đưa Việt Nam vào trong nhóm 23 nước có kim ngạch XK lớn nhất thế giới. Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã công bố 281 DN XK uy tín với các mặt hàng: Dệt may, cà phê, cao su, chè các loại  thủy sản, gạo, hạt điều, hạt tiêu, rau củ quả, sữa, thủ công mỹ nghệ sản phẩm từ gỗ, sản phẩm cơ khí, sản phẩm vật liệu xây dựng...

Tại thị trường trong nước, sau hơn 14 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đang tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối, từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.

Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số DN trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%),...Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như: Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương…) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.

Hàng Việt gặp khó khi chinh phục thị trường -0
 Doanh nghiệp Việt ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ý kiến chuyên gia, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước, dẫn tới những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với xu hướng tiêu dùng hàng Việt Nam hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho rằng, các DN Việt trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình kinh doanh để sản phẩm được tiếp cận nhiều nhất tới người tiêu dùng. Chỉ trong năm 2023, đã có 519 DN đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Cả nước hiện nay có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.881 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, Bộ Công Thương dự kiến triển khai 4 nhóm giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO); hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.

Lưu Hiệp
.
.
.