Hành lang rộng mở cho hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ

Thứ Ba, 12/09/2023, 07:46

Sau gần 30 năm bình thường hóa quan hệ thương mại, Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam. Song hành cùng quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng là lĩnh vực hợp tác thành công giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trở thành trọng tâm, nền tảng và động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trong gần 30 năm qua, kim ngạch trao đổi thương mại 2 chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022). Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Hành lang rộng mở cho hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ -0
Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu.

Một đặc điểm rất quan trọng cần nhắc đến trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đó là tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử…

Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… Việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Hoa Kỳ tạo ưu thế quan trọng là giúp làm "sạch hóa" chuỗi cung ứng khi có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận. Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm như hiện nay, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới.

Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, các mặt hàng XK của Việt Nam là sản phẩm phù hợp thị trường và thị hiếu tiêu dùng của Hoa Kỳ, chủ lực gồm máy móc, thiết bị điện tử, dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại 2 nước đang có rất nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể là cơ chế đối thoại chính sách thông qua Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) do Bộ Công Thương đồng chủ trì cùng với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang được triển khai hiệu quả, giúp xử lý nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế kinh tế, thương mại song phương.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi với Hoa Kỳ đề nghị khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Việt Nam. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy và nguy cơ phụ thuộc, các doanh nghiệp (DN) Hoa Kỳ định hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Từ đó giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các Tập đoàn Hoa Kỳ. Đến nay, đã xuất hiện xu hướng rõ nét việc các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi. Điều này đặt ra đòi hỏi chúng ta cần có chính sách tổng thể để từng bước giúp các DN Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới

Theo bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc công ty Microsoft Việt Nam, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN Hoa Kỳ đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Trong đó, công nghệ sẽ trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng với lực lượng dân số trẻ, năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao, và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ.

Ông Michael Beda, Giám đốc điều hành của Công ty Eden Global Capital cho rằng, cơ hội to lớn đang mở ra trên khắp Đông Nam Á và Việt Nam sẵn sàng là cửa ngõ. Các ngành như sản xuất, nông nghiệp, F&B và bán lẻ không chỉ sống sót sau đại dịch mà còn phát triển mạnh. Thập kỷ tiếp theo sẽ là những năm xác định sự tăng trưởng thịnh vượng ở Việt Nam, được thúc đẩy bởi nguồn vốn FDI từ Hoa Kỳ và các nước trên thế giới.

Trên thực tế, những năm gần đây, các tập đoàn và công ty lớn của Hoa Kỳ đã hiện diện sôi động tại Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn II, nhà máy kiểm định chíp tại TP Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD… Cùng với đó, nhìn vào khoản đầu tư của Hoa Kỳ gia tăng tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn là minh chứng cho thấy Hoa Kỳ coi trọng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Được biết, Công ty Amkor Technology của Mỹ sẽ sớm khai trương một nhà máy lớn, hiện đại để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn ở Bắc Ninh. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 1,6 tỷ USD. Onsemi cũng đầu tư sản xuất chip được sử dụng trong ôtô tại Đồng Nai. Synopsys có trụ sở tại California đang triển khai một trung tâm ươm tạo và thiết kế chất bán dẫn phối hợp với Khu công nghệ cao Sài Gòn. Marvell có trụ sở tại California công bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế chất bán dẫn đẳng cấp thế giới tại TP Hồ Chí Minh. Microsoft và Truthing Social sẽ công bố thỏa thuận phát triển giải pháp dựa trên AI mang tính sáng tạo phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi. NVIDIA đang hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai AI trong các ngành đám mây, ôtô và chăm sóc sức khỏe. Meta Platforms và Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam sẽ công bố Thử thách Đổi mới Việt Nam, một chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong các DN vừa và nhỏ.

Ông Tạ Hoàng Linh cho biết, dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng, vì họ muốn đa dạng chuỗi cung ứng, coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của DN Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Các DN khi XK sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản XK, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các "tiêu chuẩn sản xuất xanh", chuỗi cung ứng "sạch và bền vững".  

Đặt trọng tâm hợp tác vào đổi mới sáng tạo và đầu tư

Tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo diễn ra ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trọng tâm hợp tác hai nước thời gian tới, coi phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá. Chủ đề hội nghị được hai bên thống nhất là đầu tư và đổi mới sáng tạo, cũng là hai lĩnh vực mà Hoa Kỳ và Việt Nam đặc biệt quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển lên một tầm cao mới. Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Việc thành lập và xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, trực thuộc Bộ KH&ĐT thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam; đồng thời hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Lưu Hiệp
.
.
.