Giải pháp nào để phát triển bán online hàng Việt ở Mỹ?

Thứ Tư, 06/09/2023, 07:15

Xu hướng mua sắm trực tuyến là một trong những cơ hội cho hàng hóa Việt Nam bán online trên thị trường Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp (DN) Việt cần nâng cao chất lượng hàng hóa, tiếp cận công nghệ bán hàng mới để đưa hàng Việt vào thị trường Mỹ qua con đường online trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường

Vụ Thị trường châu Âu_châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 6 năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Mỹ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 57,6 tỷ USD. Xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Mỹ đạt 52,8 tỷ USD. Việt Nam duy trì xuất siêu sang Mỹ và đạt 47,9 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, phần lớn các DN Việt Nam vẫn XK sang Mỹ theo các kênh mua bán truyền thống và hiện nay kênh thương mại này đã có xu hướng giảm sút, đặc biệt là thời gian đại dịch và sau đại dịch COVID-19.

Theo dữ liệu từ Statista, Mỹ là động lực chính thúc đẩy sự trỗi dậy của TMĐT toàn cầu, với tổng doanh số TMĐT năm 2022 đạt mức 1,03 nghìn tỷ USD. Hơn nữa, hoạt động mua sắm trực tuyến theo đánh giá là xu thế của mua sắm trong tương lai của Mỹ vì nó thuận tiện và dễ dàng hơn, cũng như trở thành một thói quen trong cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, cơ hội bán hàng trực tuyến vào thị trường này trong thời gian tới còn nhiều dư địa để phát triển và DN Việt Nam cần phải nắm bắt xu hướng này để phát triển XK, tạo ra kênh XK hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh hơn qua các nền tảng trực tuyến, ngoài các kênh truyền thống đến với khách hàng Mỹ.

Giải pháp nào để phát triển bán online hàng Việt ở Mỹ? -0
Doanh nghiệp cần phải xây dựng gian hàng thương mại điện tử uy tín để tạo niềm tin cho người mua hàng.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, trong khối các nước ASEAN, Việt Nam chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch XK của khối (xếp trên nước thứ 2 là Thái Lan với kim ngạch XK là khoảng 20 tỷ USD). Từ nay đến cuối năm, tình hình có thể có một số thuận lợi. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi về tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng. Chính phủ và các DN Mỹ tiếp tục quan tâm, và cam kết mạnh mẽ hợp tác kinh doanh với Việt Nam, trong đó các chuỗi bán lẻ lớn đã bắt đầu nối lại đơn hàng với Việt Nam. Trong những tháng qua, Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng XK sang Mỹ. Những yếu tố trên cho thấy, về dài hạn, Việt Nam tiếp tục là đối tác tin cậy của Mỹ trong thực hiện chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Xây dựng thương hiệu trên sàn thương mại điện tử

Để tiếp cận được thị trường Mỹ, ông Trần Đình Toản, Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB cho rằng, nhiều DN Việt đã tận dụng và khai thác được cơ hội từ TMĐT xuyên biên giới, tuy nhiên số lượng này chưa nhiều, để tiếp cận được thì DN cần có sản phẩm tốt, giá thành cạnh tranh, mảng sản phẩm đặc thù. DN cần phải lưu ý những tính năng của sàn TMĐT. Các hoạt động giao thương, hội chợ ảo đã và đang diễn ra trên các sàn TMĐT. Người mua, người bán mời khách hàng tham quan nhà xưởng.

Theo ông Toản, cạnh tranh trên môi trường ảo rất khốc liệt, người mua chỉ có vài giây để quyết định dừng chân xem, mua hàng. Do vậy, các DN cần phải xây dựng gian hàng uy tín, hoạt động 24/24h, để người mua hàng có sự lựa chọn và đưa ra quyết định mua hàng. DN phải chuẩn hoá, xây dựng các điểm trạm, số hóa các điểm trạm với nhau như bán hàng đa kênh, gọi điện, email… Bên cạnh đó, DN Việt cần đặc biệt lưu ý về xu hướng tiêu dùng xanh của thị trường châu Âu, châu Mỹ hiện nay.

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, trong vòng 4 năm qua, Amazon đã đồng hành với DN Việt, đặc biệt là DN nhỏ và vừa tiếp cận thị trường Âu-Mỹ. Theo đó, tại Amazon hiện có hàng ngàn DN Việt đang bán hàng trên Amazon, XK hàng hoá xuyên biên giới qua nền tảng TMĐT. Năm 2022, có hơn 10 triệu sản phẩm của Việt Nam đã bán cho khách hàng Âu-Mỹ, giá trị XK của các DN bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, TMĐT xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng TMĐT bán lẻ đạt 20%/năm, vì vậy đây được đánh giá là một ngành mới có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ. Hiện tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đã cao gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của TMĐT nói chung. Nếu các doanh nghiệp được tham gia vào đào tạo kỹ năng, thông tin và hỗ trợ vào TMĐT xuyên biên giới thì ước tính năm 2026, kim ngạch XK qua TMĐT xuyên biên giới sẽ đạt 11,1 tỷ USD và lên 12,5 tỷ USD vào năm 2027.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì DN Việt cũng đối mặt với nhiều khó khăn như các quy định khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hoá của nước nhập khẩu. Rào cản về ngôn ngữ, logis_tics, nguồn nhân lực. Bởi, trên sàn TMĐT, DN XK trực tiếp tới tay người tiêu dùng nên chi phí logistics là vấn đề lớn đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa, trong khi đơn hàng thường nhỏ lẻ.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, thời gian tới, tiếp tục tăng cường ứng dụng TMĐT, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương theo hình thức trực tuyến để khắc phục trở ngại xa cách về mặt địa lý của thị trường; đẩy mạnh việc đưa hàng hóa Việt Nam vào các hệ thống phân phối tại Mỹ.

Lưu Hiệp
.
.
.