Giải bài toán thiếu hụt nhân lực du lịch khi mở cửa

Thứ Hai, 04/04/2022, 07:56

Được mở cửa hoàn toàn trong điều kiện bình thường mới, du lịch có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển. Nhưng, cùng với đó, ngành du lịch vẫn tiếp tục đối diện với không ít khó khăn, trong đó, nguồn nhân lực vẫn đang là bài toán nan giải.

Khó thu hút nhân lực chất lượng cao

Không chỉ có các doanh nghiệp hoàn toàn “án binh bất động” trong các đợt dịch COVID-19 căng thẳng, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động đến thời điểm hiện tại cũng vất vả xoay sở vì bài toán nhân lực.

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực du lịch khi mở cửa -0
Khó khăn về nhân lực là một trong những nút thắt của du lịch hiện nay. Ảnh có tính minh họa.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng Giám đốc Công ty TMDV Dân chủ Hà Nội, chủ đầu tư khách sạn De LaOpera Hà Nội cho hay, trước đại dịch, khách sạn có 168 lao động, nay còn 103 người. Thời gian qua, số lao động được đảm bảo giờ làm rất ít. Không có khách, thiếu việc làm, thu nhập giảm đi rất nhiều.

Để giữ lao động, khách sạn phải có chính sách, chế độ như: Điều chỉnh giảm ngày công nhưng vẫn đảm bảo mức lương tối thiểu, đảm bảo 100% nhân viên không bị chấm dứt hợp đồng, đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp nhân viên nghỉ việc, cập nhật tình hình kinh doanh cho nhân viên trong quý và điều chỉnh từng bước tăng ngày công theo tình hình kinh doanh.

Dù vậy, sau một thời gian dài buộc phải nghỉ việc hoặc làm việc cầm chừng, nhân lực du lịch đang có nhiều vấn đề. Ngoài các vị trí bị bỏ trống do người làm đã nghỉ, chuyển việc khác thì sự hao mòn về chất lượng lao động do kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, tác phong phục vụ không được mài giũa thường xuyên là lo lắng chung của nhiều đơn vị.

Trước làn sóng “đại tuyển dụng hậu COVID-19”, cạnh tranh tuyển dụng càng gia tăng, không chỉ giữa các khách sạn, doanh nghiệp du  lịch, mà còn với các ngành nghề khác, nhất là các nhân lực chất lượng cao. Có lao động đã được tuyển dụng nhưng đến ngày đi làm lại đề nghị xem xét lại vì có nơi khác mời làm việc với chế độ đãi ngộ cao hơn.

Cũng tại Hà Nội, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc khách sạn Silk Path cho hay, thời điểm đại dịch căng thẳng, giữ nhân lực và giữ vững tinh thần cho người lao động là cả một vấn đề. Với khách sạn phục vụ khách cách ly, để người lao động yên tâm làm việc đã rất khó vì bản thân lao động và người nhà của họ đều sợ nhiễm COVID-19. Đại dịch càng đòi hỏi lãnh đạo, trưởng các bộ phận năng động, sáng tạo, quan tâm sâu sát đến từng người lao động để có sự điều chỉnh kịp thời cả về chính sách, chế độ, sự hỗ trợ cần thiết… Nhân lực lao động là thách thức đặt ra cả trong và sau đại dịch, đòi hỏi phải liên tục được giải quyết kịp thời.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhận định: Nhân lực là điểm yếu của du lịch Việt Nam, kể cả trước đại dịch. Ngay trong lúc thịnh vượng nhất là năm 2019, nhân lực du lịch đã bộc lộ rất nhiều vấn đề. COVID-19 xuất hiện khiến nhân lực du lịch càng thê thảm hơn. Nhân sự trình độ cao vô cùng thiếu, không có nghĩa ta không tiến bộ trong đào tạo nhân lực, nhưng rất chậm và do tự vận hành, tự trưởng thành dần. 70-80% nhân sự du lịch làm việc trong ngành du lịch, kể cả nhân viên cao cấp, có bằng đại học nhưng chỉ 2-3% là học đại học về du lịch.

Giải pháp nào cho bài toán nhân lực?

Khẳng định nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi cần được giải quyết của ngành du lịch hiện nay, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo đề ra nhiều giải pháp.

Trong giai đoạn mở cửa phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam, để thu hút lao động trở lại và tuyển dụng lao động mới hiệu quả, doanh nghiệp du lịch cùng các tổ chức liên quan cần phải thực hiện một số giải pháp. Đó là xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp, trong đó có các dữ liệu về lao động đã làm việc tại doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể đối với các vị trí việc làm hiện tại, tương lai và các thông tin liên quan khác.

Liên kết các thông tin của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý liên quan và với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… để người lao động có thông tin. Chính phủ và các doanh nghiệp du lịch có thể thành lập các đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở đào tạo như các trường đại học, cao đẳng, các trường, các trung tâm đào tạo nghề du lịch để tuyển dụng lao động lâu dài hoặc tạm thời phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành, trong trường hợp thiếu các hướng dẫn viên du lịch quốc tế, giải pháp tình thế có thể là doanh nghiệp tuyển chọn ký hợp đồng với sinh viên các trường ngoại ngữ hoặc sinh viên du lịch có ngoại ngữ tốt và tiến hành đào tạo cấp tốc chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng hướng dẫn theo từng tour, tuyến cụ thể. Mặt khác, ngành du lịch cần tiếp tục chú trọng đào tạo mới và đào tạo lại, đảm bảo điều kiện sống, điều kiện làm việc và an toàn cho người lao động trong điều kiện bình thường mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng suất lao động trong du lịch.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo cho biết, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2030”.

Đề án đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực với quy mô số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi ngành du lịch phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; hướng tới đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch sau khi phục hồi và đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đề án sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch làm căn cứ để tổ chức quản lý, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch cho từng giai đoạn cụ thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành.

N.Hoa
.
.
.