Doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu

Thứ Năm, 13/04/2023, 05:29

Ngày 12/4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc Chi nhánh Quảng Tây tổ chức “Hội nghị hợp tác Thương mại và Xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hai bên tìm hiểu và cập nhật tình hình thị trường, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc.

Đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản XK chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Trong đó, nhiều mặt hàng được kỳ vọng có giá trị XK cao.

Như sầu riêng, mặc dù mới được XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc từ tháng 9/2022, nhưng được kỳ vọng trở thành loại trái cây có giá trị XK vượt 1 tỷ USD, khi giá trị XK tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước đây; Với mặt hàng tổ yến, tháng 11/2022 Bộ NN&PTNT đã ký nghị định thư XK chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc và yến sào Việt Nam hiện đang được đánh giá cao về chất lượng tại thị trường Trung Quốc.

itpc (2).jpg -0
Logistics – Xuất nhập khẩu, lĩnh vực doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm hiểu để hợp tác, đầu tư.

Hàng năm Trung Quốc NK trên 2.000 tấn yến sào (chiếm 82% thị phần thế giới), thì Việt Nam XK 120 tấn đứng thứ 4 về sản lượng trong 4 nước được XK chính ngạch yến sào vào Trung Quốc, sau Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn. Vì vậy, muốn giữ chân tại thị trường này, nhà sản xuất cũng như các DN XK của Việt Nam cần khẳng định chất lượng, hiểu và tuân thủ các quy định NK của quốc gia này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chi phí logistic và hạ tầng phục vụ XK vẫn còn là điểm trừ của XK hàng hóa Việt Nam, trong đó có thị trường Trung Quốc và đây là bài toán cạnh tranh lớn của nông sản Việt khi thâm nhập vào thị trường tỷ dân này.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm ITPC cho rằng, tính đến tháng 3/2023 số lượng dự án FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 23,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư xếp thứ 18 trong tổng số 119 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại TP Hồ Chí Minh. Tính lũy kế đến tháng 3/2023, Trung Quốc đã có 473 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Thành phố với tổng vốn đạt trên 267 triệu USD.

Bà Wu Juan - Phó Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc Chi nhánh Quảng Tây cũng cho biết, trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong năm 2022 là 234,9 tỷ USD. Đồng thời, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường NK lớn nhất và là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam trong khu vực.

Đặc biệt, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam là 29,3 tỷ USD, chiếm 70% tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và ASEAN. Trong suốt 24 năm liên tục, Việt Nam duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Hội nghị được tổ chức cũng nhằm xây dựng nền tảng kết nối, thúc đẩy hợp tác giao thương giữa ngành vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, chuỗi cung ứng XNK và các DN thương mại trái cây của Quảng Tây và Việt Nam, từ đó thúc đẩy các DN Quảng Tây tiếp cận, khám phá thị trường Việt Nam và ASEAN. Bên cạnh đó, Hội nghị đi đến ký kết các thỏa thuận hợp tác XNK chuỗi lạnh giữa Quảng Tây và Việt Nam để cùng thúc đẩy nâng cấp XNK chuỗi lạnh xuyên biên giới và thúc đẩy phát triển thương mại.

Sự kiện có sự tham dự của khoảng 120 đại biểu, trong đó có 31 DN Trung Quốc và khoảng 50 DN Việt Nam với các lĩnh vực đối ứng bao gồm Logistics – XNK, kinh doanh vật liệu xây dựng, gốm sứ, môi trường, điện tử, thực phẩm, khoáng sản.

T.Hà
.
.
.