Cẩn trọng với thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết

Thứ Tư, 31/01/2024, 08:25

Giáp Tết, liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra, trong đó có những vụ ngộ độc tập thể, gây lo ngại với người tiêu dùng. Trên thị trường, thực phẩm “bẩn” không nhãn mác, không rõ nguồn gốc trà trộn, người tiêu dùng khó lòng kiểm soát. Thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ra các vụ ngộ độc. Đặc biệt, giáp Tết này, nhu cầu sử dụng rượu, bia tăng cao do nhiều nơi tổ chức liên hoan, tất niên dẫn tới gia tăng các ca ngộ độc rượu có chứa methanol (cồn công nghiệp).

Bánh mứt kẹo không nhãn mác bày bán ngay đường đi

Sáng 30/1, có mặt tại phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, nơi đây đang bày bán rất nhiều hàng hoá Tết. Tại một sạp hàng nằm ngay ngoài đường bày bán các loại mứt, ô mai, kẹo để trong từng khay nhựa. Theo chủ hàng thì đây là “buffet - ô mai” và “buffe - kẹo dẻo trái cây”, đồng giá 25.000 đồng/lạng. Tuy nhiên, các loại mứt, ô mai và kẹo dẻo phơi ngay ngoài đường đi, không che đậy. Đặc biệt, hàng hoá ở đây không có nhãn mác, nên không rõ xuất xứ. Người bán hàng cho biết, mứt, ô mai và kẹo dẻo do nhà làm, nên cứ yên tâm về chất lượng.

Đến phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều sạp hàng bày các loại mứt Tết, bánh, kẹo bán theo cân không có nhãn mác. Các loại mứt, ô mai với nhiều màu sắc sặc sỡ nhưng không có nơi sản xuất, chỉ bày bán theo cân. Tại phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm có những sạp hàng bày bán mứt Tết theo cân cũng không ghi nhãn mác. Còn ở chợ Đồng Xuân, ngoài bán buôn, nhiều sạp hàng bán lẻ các loại bánh mứt kẹo. Có loại mứt hoa quả được đóng trong các túi nilon lớn, không hề có bất cứ nhãn mác não. Theo chủ một quầy hàng, giá các loại mứt và kẹo dẻo năm nay không tăng so với năm ngoái, trung bình 60.000 70.000đồng/kg, mứt hoa quả từ 180.000 đến 200.000/kg, tuỳ loại sẽ có mức giá khác nhau. Đáng nói, những loại mứt hoa quả “3 không” được đựng trong những bịch nilon trong suốt, miệng túi mở để khách dễ quan sát.

Cẩn trọng với thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết -0
Đoàn liên ngành của Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại quầy bán thực  phẩm tươi sống.

Ngoài các mặt hàng bánh mứt kẹo, các thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh cũng được tiêu thụ mạnh trong dịp cận Tết. Nhiều loại thực phẩm chỉ có nhãn mác nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt được bày bán như măng đóng hộp, bim bim cay, nước tương…

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhu cầu tiêu thụ thực phẩm vào dịp Tết tăng rất cao, tập trung vào 3 nhóm chính: Rượu, bia; hoa quả; sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá. Nếu không kiểm soát tốt thị trường, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm “bẩn” rất dễ trà trộn và đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, thức ăn đường phố, thực phẩm chế biến sẵn, nếu không tuân thủ quy tắc an toàn thực phẩm, rất dễ xảy ra nấm mốc, nhiễm vi khuẩn, vi sinh vật, dẫn tới ngộ độc.

Tăng cường kiểm tra, khuyến cáo tới người dân

Vừa qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, gây lo lắng cho người tiêu dùng, trong đó nhiều vụ do thức ăn đường phố. Mới đây nhất là vụ 49 người ở Sóc Trăng sau khi ăn bánh mì Thu Hà trên đường Hai Bà Trưng, phường 1, TP Sóc Trăng xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt, hạ huyết áp, chóng mặt, co giật phải nhập viện cấp cứu, điều trị. Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Sóc Trăng phát hiện 1 sản phẩm chà bông thịt heo chưa xuất trình được hồ sơ tự công bố sản phẩm và vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân.

Đây không phải là vụ ngộ độc hàng loạt sau khi ăn bánh mì, trước đó, vụ ngộ độc hàng loạt cũng xảy ra sau khi người tiêu dùng ăn bánh mì Phượng ở TP Hội An (Quảng Nam). Hiện nay, quản lý kinh doanh thức ăn đường phố còn nhiều bỏ ngỏ khi nhiều nơi không đáp ứng đủ 10 tiêu chí quy định của thức ăn đường phố. Nhiều vụ việc ngộ độc do thực phẩm nhiễm vi khuẩn nguy hiểm như Bacillus cereus sinh độc tố và Salmonella spp.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, ngành Ytế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó hơn 12.000 cơ sở bị xử phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội đầu xuân, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024. Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương triển khai 2 đợt kiểm tra liên ngành, các địa phương chủ động kế hoạch hậu kiểm thường xuyên, liên tục nhằm phát hiện vi phạm.

Hà Nội là địa bàn có số cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống lớn của cả nước. Sau 1 tháng ra quân tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm Tết, Thủ đô đã thanh, kiểm tra được 5.411 cơ sở, qua đó, phát hiện và xử phạt 675 cơ sở với tổng số tiền hơn 3,27 tỷ đồng. Đồng thời, buộc tiêu huỷ nhiều thực phẩm đông lạnh, các loại bánh kẹo, ngũ cố, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ… không đảm bảo an toàn và chuyển cơ quan điều tra 1 vụ, 4 đối tượng với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. Hà Nội đã thành lập 617 đoàn kiểm tra, trong đó, tuyến thành phố có 14 đoàn, 78 đoàn tuyến quận, huyện và 579 đoàn tuyến xã, phường, thị trấn. Tuy thành lập, nhưng nhiều địa bàn vẫn kiểm tra không xuể, 1 cơ sở có khi phải vài năm mới quay vòng lại kiểm tra.

Theo Bộ Y tế, vào dịp Tết thường xảy ra các vụ ngộ độc rượu, hoặc sau khi uống rượu lái xe, gây tai nạn giao thông. Các vụ ngộ độc rượu chứa methanol thường rất nặng và nguy kịch, thậm chí tử vong, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP tăng cường tuyên truyền cho người dân về tác hại của uống rượu, bia trong dịp Tết và lễ hội đầu xuân, đồng thời kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia nhằm siết chặt các hành vi vi phạm.

Theo khuyến cáo của chuyên gia về an toàn thực phẩm, miền Bắc trong thời điểm Tết thời tiết ẩm thấp, mưa phùn rất dễ xảy ra nấm mốc đối với những hạt có dầu (hạt điều, hướng dương,) dễ sinh ra độc tố vi nấm, có hại cho sức khoẻ. Phía Nam đặc thù trong dịp Tết thời tiết rất nóng, sản phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật dễ ôi thiu, mốc hỏng. Người tiêu dùng không được tiếc mà sử dụng thực phẩm, hạt… ôi thiu, mốc hỏng. Đặc biệt, nên từ bỏ thói quen tích trữ rất nhiều thực phẩm trong dịp Tết để tránh việc bảo quản không đúng cách, thực phẩm lưu cữu lâu ngày không an toàn vào sử dụng. Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm cần tiến hành thường xuyên, nhất là cấp phường, xã để xử lý nghiêm vi phạm, cảnh báo tới người tiêu dùng, tạo thói quen kinh doanh có chữ tâm.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các chợ tạm xung quanh chợ đầu mối

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hàng trăm chợ tạm, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để dẹp nhưng không thành. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm là rất cao, nhưng với sự tiện lợi cho người mua thì chợ tạm vẫn tồn tại, nhất là xung quanh các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn.

Có mặt tại khu vực đường vào chợ đầu mối Bình Điền lúc 9h một ngày cuối năm, chúng tôi thấy hai bên đường đã bị những người bán hàng lấn chiếm cả lề và lòng đường. Tại đây, có đủ các mặt hàng như cá, thịt, tôm, rau, củ, quả… nước thải đổ lênh láng ra đường và cả rác thải, tạo sự nhếch nhác ô nhiễm môi trường.

Anh Nguyễn T. P., nhà ở đường số 5, khu dân cư Bình Điền cho biết: “Chợ tạm này tồn tại đã lâu, hoạt động suốt ngày đêm, nhưng đông nhất là từ 3 - 6h. Nhiều hôm kẹt xe vào buổi sáng, còn buổi tối, rất nhiều xe ôtô vận chuyển hàng hóa từ khắp nơi đổ về chợ đầu mối Bình Điền, nhưng đường này người dân bày biện hàng hóa nên có nguy cơ cao xảy ra tai nan giao thông. Còn môi trường thì ô nhiễm, ảnh hưởng đến cư dân ở đây, người dân đã phản ánh nhiều lần nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương chưa dẹp?”.

Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền cho biết, việc mua bán tự phát trái phép hàng hóa nông sản thực phẩm trên đường Nguyên Văn Linh, Quản Trọng Linh và trong các khu vực dân cư xung quanh (trước cổng Trung tâm Thương mại Bình Điền) vẫn tồn tại. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của thương nhân kinh doanh trong chợ, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của thương nhân. Ngoài ra nguyên nhân khác dẫn đến việc chưa thể giải tỏa dứt điểm chợ tự phát này còn do chợ hoạt động chồng lấn trên cả địa bàn phường 7 (quận 8) và xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), mặc dù đã có sự phối hợp liên tịch của cả hai quận huyện và công ty chợ Bình Điền nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.

“Để giải quyết tồn tại nêu trên, Công ty chợ Bình Điền đề xuất lãnh đạo các cấp xem xét, chỉ đạo thực hiện giải tỏa dứt điểm chợ tự phát trước cổng Trung tâm Thương mại Bình Điền, nhằm đảm bảo chợ Bình Điền hoạt động công bằng, ổn định và phát triển”, ông Phan Thành Tân đề xuất. Khoảng gần 23h, chúng tôi đến khu vực chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), xe ôtô chở hàng hóa tấp nập ra vào chợ. Còn chợ tạm bên ngoài chợ đầu mối như đường số 3, số 12, đường Nguyễn Thị Sóc… khung cảnh mua bán lộn xộn, nhếch nhác với rác và nước thải. Hàng hóa được đưa từ trên các xe ôtô xuống chất thành từng đống ở lề đường, còn một số xe ba gác và xe máy thì đang xếp hàng lên để chở đi nhiều nơi, một số người thì bày bán hàng hóa trên các kệ nhựa, trên xe máy.

Theo Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, bên ngoài chợ, các điểm kinh doanh tự phát buôn bán thịt heo sống dọc theo tuyến đường số 3 và số 12... mặt bằng buôn bán được thuê của các hộ dân thuộc khu dân cư chợ đầu mối; nguồn thịt heo chủ yếu lấy từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc, một số điểm kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, không phải thực hiện nghĩa vụ thuế; việc sơ chế (pha lóc) và bày bán chủ yếu để trên sàn nhà hay ngay trên lề đường, sử dụng nước giếng ngầm chưa qua xử lý nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc thải nước sau khi sơ chế thịt, các loại phụ phẩm trực tiếp ra các cống rãnh khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các điểm kinh doanh rau, củ, quả dọc theo tuyến quốc lộ 22, đường Nguyễn Thị Sóc, đường số 4... hàng hóa buôn bán không có nguồn gốc rõ ràng, không có sổ ghi chép xuất xứ hàng hóa; người dân trưng bày hàng hóa lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, tình trạng mua bán bát nháo hình thành một con lươn chất đầy hàng hóa giữa các tuyến đường; xe xuống hàng, mua hàng, lưu đậu vào giờ cao điểm.

Về chất lượng hàng hóa, chị này cho biết: “Là mối quen từ lâu nên chất lượng hàng đã tin tưởng người bán và họ cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng với cơ quan chức năng chứ mình làm sao biết được cụ thể như thế nào và cũng không thể có thời gian kiểm tra hết được”.

Khoảng hơn 12h đêm, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP Thủ Đức), các phương tiện xe tải, xe container, xe máy, xe ba gác cũng ra vào rất đông. Còn phía trước chợ là quốc lộ 1 và bên hông, phía sau là chợ tạm, người dân bày bán hàng hóa dọc theo lề đường. Khu vực gần chân cầu vượt ngã tư Bình Phước có một dãy nhà lụp xụp, xe ôtô tải đang xuống hàng hóa, xe ba gác và xe máy chở hàng, một số xe chạy ngược chiều làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Ông Lê Văn Mỵ, Chủ tịch Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, xung quanh khu vực bên ngoài chợ đầu mối xuất hiện ngày càng nhiều các điểm kinh doanh tự phát, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây ra nhiều bức xúc cho những thương nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Ông Mỵ kiến nghị cơ quan chức năng cần kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ, xử lý mạnh tay theo quy định về an toàn thực phẩm đối với việc kinh doanh thực phẩm, để giải quyết dứt điểm việc buôn bán tự phát với việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, điều kiện kinh doanh không an toàn, không tuân thủ các điều kiện về quy định pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm xung quanh chợ đầu mối; hàng hóa trưng bày lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, tình trạng mua bán bát nháo, không đảm bảo an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường...

Nguyễn Cảnh

Trần Hằng
.
.
.