Bộ NN&PTNT lên tiếng trước thông tin hàng chục nghìn tấn gà thải “tuồn” vào Việt Nam

Thứ Ba, 23/05/2023, 05:43

Trước thông tin gà thải loại được nhập ồ ạt vào trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã lên tiếng chính thức.

Theo cơ quan này, gà loại thải là những loại gà sau khi khai thác, doanh nghiệp mua về với giá rẻ. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn đạt chất lượng và các quy định về kiểm dịch. Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới nên việc đàm phán không phân biệt đối xử bất cứ sản phẩm nào khi đáp ứng tiêu chuẩn.

Chưa phát hiện sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu nào vượt dư lượng chất cấm cần cảnh báo

Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 7 bộ liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm, cứu nông hộ cũng như doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm trước nguy cơ phá sản hàng loạt, thua lỗ kéo dài. Trong bản kiến nghị này, VIPA cho biết, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

ga thai loai.jpg -0
Hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoat động do thua lỗ kéo dài. Ảnh minh hoạ

Đây là nguyên nhân gia tăng nguy cơ dịch bệnh với ngành gia cầm trong nước. Ngoài ra, có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn khiến cho sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn.

VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine để bảo vệ sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Thú y, Bộ (NN&PTNT) cho biết, thông thường một sản phẩm thịt hoặc phụ phẩm nhập khẩu có mặt trên thị trường Việt Nam phải tuân thủ nhiều bước đánh giá và trải qua quy trình đàm phán tối thiểu từ 4 - 5 năm.

Bà Thuỷ cho biết, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên việc đàm phán không phân biệt đối xử bất cứ một sản phẩm nào đáp ứng tiêu chuẩn khi được nhập khẩu vào Việt Nam. Những sản phẩm gia cầm ở Việt Nam như gà đẻ trứng sau thời gian khai thác vẫn được đưa vào làm thực phẩm cho người Việt Nam dùng nên khi đàm phán thì không thể nói gà loại thải này của các nước không sử dụng tại Việt Nam.

Đối với các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, hay thịt gia cầm nhập khẩu, bà Thủy khẳng định Cục Thú y đã thẩm định kỹ các hồ sơ về dịch bệnh cũng như là cả quá trình giám sát về an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Vì vậy, nói là sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam là chưa phù hợp. Tuy nhiên, sắp tới, Cục sẽ rà soát lại các tiêu chuẩn sản phẩm tại một số nước mà Việt Nam đang nhập khẩu lớn như Hàn Quốc, Brazil... 

Không thể cấm nhưng có thể kiểm soát

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, hiện nay, ngành chăn nuôi có rất nhiều vấn đề, không riêng gì kiểm soát dịch bệnh. "Tôi đã đọc một số khuyến nghị của hiệp hội chăn nuôi, của doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nói tại sao chúng ta không dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu hoặc không cho nhập trong bối cảnh dư thừa. Câu chuyện không đơn giản là cho nhập hay không cho nhập.

Chúng ta đã gia nhập thị trường quốc tế. Để ký được nghị định thư xuất khẩu chính ngạch bao nhiêu mặt hàng vào một quốc gia nào đó, chúng ta cũng phải nhập lại bấy nhiêu mặt hàng, dưới sự kiểm soát chặt về các vấn đề an toàn thực phẩm. Chúng ta không thể cấm nhưng có thể kiểm soát được. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà còn tới cả ngành chăn nuôi nước ta", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.  

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thông tin, từ năm 2020 đến nay, ngành chăn nuôi gặp khó do thị trường tiêu thụ không ổn định, hiệu quả đầu tư không cao, sinh kế người chăn nuôi bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, dịch bệnh đe dọa, nguồn lực sản xuất, đặc biệt là đất đai ngày càng thu hẹp. Nguyên nhân là do tổ chức sản xuất thiếu gắn kết giữa sản xuất với thị trường; hoạt động giết mổ, bảo quản, chế biến, chế biến sâu còn yếu, chưa tích hợp các giá trị trong từng sản phẩm.

Đặc biệt, việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do với các nước, khu vực và vùng lãnh thổ (trong đó có hai hiệp định thế hệ mới như CPTTP và EVFTA), nhiều quốc gia có thế mạnh chăn nuôi như Mỹ, Brazil, Úc,... tăng xuất khẩu vào Việt Nam. Dù tỷ lệ nhập năm 2022 và đầu 2023 không quá lớn nhưng hiệu ứng "giọt nước tràn ly" càng làm cho giá bán sản phẩm lợn và gia cầm trong nước giảm mạnh.

Ngoài ra, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn chưa thực hiện đồng bộ và thống nhất, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn xảy ra, gây biến động cung và khó khăn cho xuất khẩu; giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi ở nước ta khá cao so với khu vực và thế giới. Đáng nói, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi tại trại giảm sâu và kéo dài thì hầu như giá bán thịt lợn tại siêu thị và các chợ ở TP giảm ít, hoặc không giảm.

Điều này không có lợi cho cả hoạt động thúc đẩy sản xuất và cả kích thích tiêu dùng thực phẩm, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn sau dịch COVID-19. Thiếu sự hợp tác, chia sẻ thông tin và điều tiết lợi nhuận một cách hài hòa giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng thực phẩm là nguyên nhân của vấn đề.

Chi Linh
.
.
.