Xuất khẩu và đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng
- Xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 680 triệu USD trong tháng 4
- Xuất khẩu bắt đầu phục hồi
- Xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng trưởng khả quan nhờ EVFTA
PGS. TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, xét về mặt tổng cầu, tăng trưởng trong quý I có động lực từ xuất khẩu (XK), với vai trò dẫn dắt từ khu vực FDI. Ngoài ra, điều trực tiếp nhìn rõ tác động tới tăng trưởng trong quý I là đầu tư công. Đầu tư công vẫn đang tiếp tục đà tăng trưởng của cuối năm 2020 và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đặt ra cả năm 2021 là 6,5% thì đã đặt ra thách thức rất lớn cho các quý còn lại của năm 2021. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng 2 con số đạt được ở những giai đoạn GDP tăng trưởng cao. Điều này cho thấy, sức tăng của thị trường nội địa chưa rõ nét, tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn cầm chừng do lo ngại tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.
Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn tiếp tục đến từ khu vực FDI. |
Cùng với đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 9,45%, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 2 con số trong các năm 2018 và 2019. Trong khi đó, tại báo cáo mới nhất cập nhật tình hình kinh tế khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được dự báo đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2021.
Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, trong quý II GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý IV cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm).
Nhìn nhận về động lực tăng trưởng, PGS. TS Phạm Thế Anh cho rằng, động lực tăng trưởng trong quý tiếp theo vẫn là XK, đầu tư công, còn các lĩnh vực khác chưa thể phục hồi ngay được với tình hình hiện nay mà sẽ được cải thiện dần dần.
Cùng với việc tiêm vaccine và sự hồi phục của nền kinh tế, tôi kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam trong quý II, quý III tới đây sẽ cao hơn quý I và trung bình cả năm mức tăng trưởng có thể đạt xấp xỉ 6%”, PGS. TS Phạm Thế Anh nhìn nhận.
Trên thực tế, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I-2021 vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 trên 24%.
Trong khi đó, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, xu hướng quý II-2021 so với quý I-2021, có 37,5% số doanh nghiệp (DN) dự kiến tăng đơn hàng XK mới; 15% số DN dự kiến giảm và 47,5% số DN dự kiến ổn định, cho thấy đơn hàng XK ở mức ổn định và tăng chiếm ưu thế.
Xu hướng này đến từ sự dần hồi phục của kinh tế thế giới, nhu cầu và giá một số mặt hàng tăng khá, cũng như việc tận dụng các thị trường của DN Việt Nam thông qua các FTA Việt Nam đã ký kết.
Để hoá giải những thách thức, đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần phải thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng nhằm khống chế dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế. Hỗ trợ DN, qua đó đẩy mạnh hoạt động XK. Quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực thi chính sách tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước…
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, cần hỗ trợ cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm như tìm kiếm thị trường XK, hỗ trợ thuế, phí XK và kích cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021… để giảm bớt gánh nặng cho DN.