Xuất khẩu nông sản, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”

Thứ Bảy, 08/02/2020, 11:16
Trước tình hình bệnh dịch viêm phổi do virus Corona đang diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng nông sản.

Hiện, một số loại trái cây đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng không xuất qua được thị trường này, bị ùn ứ tại cửa khẩu buộc phải quay đầu về hoặc bị vứt bỏ do bị hư hỏng.

Để giải quyết tình trạng này, trước mắt thị trường nội địa buộc phải “giải cứu” số nông sản này để giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, về lâu dài, đây cũng chính là bài học buộc các cơ quan chức năng, các DN phải đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, khai thác nhiều thị trường xuất khẩu mới, để không quá phụ thuộc vào một thị trường, tránh những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào...

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết thanh long và dưa hấu là 2 mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, 2 mặt hàng này hiện đã vào mùa thu hoạch rộ, nên đang trong tình trạng hết sức khó khăn.

Theo khảo sát sơ bộ của Bộ NN&PTNT, đối với mặt hàng thanh long từ nay đến cuối tháng 2 âm lịch, tại tỉnh Long An có 2 đợt thu hoạch với khoảng75.600 tấn.

Đến đầu tháng 3, tại tỉnh Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận 100.000 tấn... Trong khi đó, các cửa khẩu quốc tế cũng đã quay lại làm việc từ 3-2, hàng hóa vẫn thông quan được nhưng các chợ đầu mối chưa mở cửa hoạt động trở lại nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa.

Bên cạnh đó, nhiều đơn đặt hàng của đối tác Trung Quốc trước đó cũng đã bị hủy, khiến nông dân lao đao. Trong khi thanh long Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm đến 90%.

Trước tình trạng hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu, để hàng hóa tránh bị hư hỏng, nhiều xe chở hàng buộc phải quay đầu để “bán đổ bán tháo” vớt vát được đồng nào hay đồng đó.

Tại thị trường Hà Nội, dưa hấu không qua được cửa khẩu đã được nhiều nhóm người chung tay giúp đỡ, mua lại và bán ra thị trường với giá 8.000 đồng/kg. Rất nhiều người dân nhiệt tình ủng hộ.

Ghi nhận tại thị trường TP HCM, trong những ngày từ đầu tháng 2 đến nay, giá thanh long và dưa hấu rớt mạnh và bán tràn lan tại các lề đường, xe đẩy...

Nếu những ngày trước Tết, thanh long có giá 60 - 70.000 đồng/kg, thanh long ở Long An được các thương lái Trung Quốc đặt hàng giá không dưới 35.000 đồng/kg thì ngay sau Tết, giá đã rớt thê thảm.

Ngày 3 và 4-2, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thanh long về chợ chủ yếu ở Bình Thuận, Long An giá 18.000 đồng/kg, dưa hấu dài đỏ 6.000 đồng/kg, dưa hấu sọc 9.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, dưa hấu dài miền Tây, giá 9.000 đồng/kg, thanh long Bình Thuận 15.000 đồng/kg.

Tại các chợ truyền thống như: chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), giá thanh long 20.000 - 25.000 đồng/kg, dưa hấu dài đỏ 10.000 -12.000 đồng/kg. Chợ Phước Long (quận 7), chợ Phú Xuân (Nhà Bè), thanh long 15.000 - 17.000 đồng/kg, dưa hấu Long An 8.000 đồng/kg.

Anh Thu đẩy xe dưa hấu bán tại chợ Phước Long cho biết, anh bán giá thấp hơn thị trường là do anh lấy trực tiếp tại nhà vườn, không qua thương lái. Giá tại vườn 2.000 đồng/kg, trừ chi phí vận chuyển, anh lãi khoảng 2.000 đồng/kg.

Tại một số siêu thị, giá thanh long, dưa hấu cũng đã giảm mạnh kể từ ngày 5-2 như: Tại Co.op mart, Co.op Xtra. Co.op Food, thanh long ruột trắng và ruột đỏ giá 25.000 đồng/kg, giảm còn 4.800 đồng - 9.900 đồng/kg, dưa hấu ruột đỏ giá 12.500 đồng/kg giảm còn 9.500 đồng/kg.

Hai mặt hàng này được Saigon Co.op thu mua tại các nhà vườn, HTX khu vực miền Tây Nam Bộ; Tại siêu thị BigC dưa hấu ruột đỏ giá 4.900 đồng/kg, thanh long ruột đỏ miền Tây giá 10.900 đồng/kg.

Dự kiến, BigC sẽ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu tại một số địa phương: Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Long  An, Tiền Giang... để hỗ trợ nông dân tiêu thụ hai loại nông sản bị ùn ứ này.

Thanh long vào mùa nhưng bị ùn ứ do không xuất khẩu được.

Không chỉ hai mặt hàng thanh long và dưa hấu, mà một số loại trái cây khác đang vào vụ thu hoạch cũng trong tình trạng điêu đứng vì không thể xuất qua được thị trường Trung Quốc.

Hàng không xuất được, thương lái ép giá, khiến nông dân lỗ nặng, phải lựa chọn một là phá bỏ, hai là bán đổ, bán tháo cho thương lái với giá bèo. Nhiều nông sản giá bán tại vườn (ruộng), chỉ 1.000 – 2.000 đồng/kg nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì giá lên đến vài chục ngàn đồng/kg, trong số này có  thanh long, khóm, xoài, chôm chôm...

Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 8,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ đạt xấp xỉ 1,2 tỷ USD (tăng 8,4% so cùng kỳ), thủy sản 1,23 tỷ USD, cao su 1,55 tỷ USD, rau quả 2,4 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, dịch bệnh tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc như: xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; giao lưu, trao đổi giữa DN hai nước và tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

 Vì vậy, với thực trạng trên, để tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc tiếp tục duy trì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các cơ quan chức năng, DN cần nghiên cứu để tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng nông, thủy sản.Thực tế, mặt hàng thanh long cuả Việt Nam đã xuất khẩu hơn 10 nước trên thế giới, trong đó có Châu Âu, Mỹ...

Nhưng do các thị trường này quá khắt khe, khó tính nên sản lượng đáp ứng yêu cầu còn quá ít, chỉ khoảng 10%, trong khi đó, chỉ một thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 90% còn lại.

Như vậy, đã đến lúc, hàng nông sản của Việt Nam cần phải thay đổi về tiêu chuẩn, chất lượng, để tiếp cận được các thị trường “khó tính” nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra. Điển hình, như trái thanh long, có thể mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan... vì đây là những thị trường rất ưa chuộng loại trái cây này.

Hiện, Bộ Công thương đang tích cực làm việc, để đưa các loại nông sản còn ùn ứ tiêu thụ thị trường nội địa thông qua tại các hệ thống phân phối hiện đại, chợ đầu mối...

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) theo dõi sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các DN, Hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch.

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới, góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới.

Thúy Hà
.
.
.