Giá lợn hơi về mức 70.000đ/kg từ ngày 1-4

Thứ Hai, 30/03/2020, 18:44
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ, ngành chăn nuôi là phải giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa bảo đảm đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là trách nhiệm về mặt kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân.


Ngày 30-3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). 

Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho rằng, thời gian qua, mặc dù C.P và một số doanh nghiệp chăn nuôi đã điều chỉnh hạ giá bán lợn hơi, tuy nhiên trên thực tế, người tiêu dùng lại chưa được hưởng lợi do giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng hiện vẫn ở mức rất cao. 

"Với giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đ/kg, nếu giết mổ, bán tới tay người tiêu dùng thì mức giá thịt lợn chỉ khoảng xoay quanh 100 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên trên thực tế, hiện giá thịt lợn bình quân trên thị trường bán tới tay người tiêu dùng hiện vẫn quá cao, tới 140 nghìn đồng/kg", ông Tuấn cho biết. 

Nhiều doanh nghiệp cam kết đưa giá thịt lợn xuống mức 70.000 đồng/kg từ 1-4.

Thực trạng này theo lý giải của ông Tuấn là do khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỉ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lí, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp… 

Tại hội nghị, sau Công ty C.P cam kết đồng hành đưa giá lợn xuống mức 70.000 đồng/kg, đại diện các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn như Công ty CJ Vina; Dabaco; Japfa Comfeed; Emivest… cũng đã cam kết sẽ điều chỉnh đồng loạt giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đ/kg kể từ ngày 1-4 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Công ty cần tiếp tục phát huy tinh thần đẩy mạnh tái đàn, đóng vai trò đầu tàu trong việc điều chỉnh giá thịt lợn xuống mức hợp lý theo đề nghị của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần phấn đấu tăng đàn đạt mục tiêu 25% trong năm 2020 nhằm góp phần cải thiện nguồn cung thịt lợn trong nước… 

Đồng thời, đẩy mạnh việc cung ứng nguồn giống phục vụ tái đàn cho hệ thống các trang trại, cơ sở chăn nuôi trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù cơ cấu tiêu dùng thịt sẽ ngày càng đa dạng, tuy nhiên thịt lợn sẽ vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65-70% nhu cầu tiêu thụ thịt tại nước ta. "Việc đưa giá lợn xuống mức hợp lý, không chỉ nhằm đảm bảo kìm chế tăng giá tiêu dùng chung của cả nước, hài hòa giữa lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng, mà căn bản hơn, điều này nhằm giữ được thị trường thịt lợn một cách bền vững...", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phân tích, nguyên nhân của việc tăng giá thịt lợn là do nguồn cung thấp hơn cầu khi đàn lợn bị giảm vì dịch bệnh; do tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch. "Bên cạnh đó, có hiện tượng "găm hàng", hạn chế bán để chờ giá lên", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ cấu trong giá thịt lợn còn bất hợp lý (chi phí trung gian lớn 40-45%). Việc giá thịt lợn cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân khi dịch bệnh. Trong lúc phải nghỉ việc, ít việc, thu nhập thấp do dịch bệnh lại phải chi tiêu cao sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân. Mặt khác, giá thịt lợn ở mức cao sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

"Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa đảm bảo đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là trách nhiệm về mặt kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân. Bên cạnh đó là tập trung tăng nguồn cung thịt lợn, phù hợp với nhu cầu của thị trường ở trong nước, khu vực và thế giới", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phối hợp các địa phương, doanh nghiệp có giải pháp hạ giá thành chăn nuôi; tăng cường kiểm soát về giá trên thị trường, kiểm soát chi phí khâu trung gian. Trong thời gian tới, xây dựng kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch tăng đàn, tái đàn lợn nhưng bảo đảm cân bằng cung cầu.

"Xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao; xử lý nghiêm tình trạng xuất nhập khẩu thịt lợn trái phép", Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ. Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng các chuỗi chăn nuôi, sản xuất, cung ứng, vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát các dịch bệnh trên lợn, trong đó có dịch tả lợn châu Phi; bảo đảm cung ứng thịt trong bối cảnh COVID-19, không để tâm lý hoang mang, ổn định thị trường.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có trao đổi, mong muốn những doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn phải hứa với Chính phủ, với người dân về giảm giá thịt lợn. Đây là nhiệm vụ chính trị, thể hiện trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với xã hội, với đất nước, với người dân. Tinh thần này đã nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị. 

Chi Linh
.
.
.