Xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công thanh toán dự án BT
- Các dự án BT: Tạm ngừng hay nên ngừng vĩnh viễn?
- Xác minh, làm rõ sai phạm, tiêu cực dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực từ 1-1-2018, tuy nhiên cho đến thời điểm này, vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn nên đã có một “khoảng trống pháp lý” trong vấn đề này.
Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT; Quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Như vậy, kể từ ngày 1-1-2018, không áp dụng quy định cũ, nên ngày 28-3-2018, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công; theo đó: “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao có hiệu lực thi hành”. Vì thế, dư luận cho rằng Bộ Tài chính đang “tuýt còi” dự án BT.
Đính chính thông tin này, ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, việc đề nghị dừng thanh toán các dự án thực hiện theo hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) mà Bộ thông báo cách đây không lâu không phải là “tuýt còi” dự án. “Không phải Bộ Tài chính tuýp còi mà Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng pháp luật”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính bổ sung thêm: Văn bản của Bộ Tài chính gửi UBND TP Hà Nội cách đây ít lâu là về việc dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT chứ không phải là dừng dự án. Theo ông Thịnh, Bộ Tài chính chỉ quản lý khâu thanh toán, còn liên quan tới các vấn đề khác của dự án như ký hợp đồng, thực hiện dự án… sẽ do các bên liên quan.
Một dự án BT. |
Đi vào cụ thể hơn, đại diện Cục Quản lý công sản cho biết, dự thảo Nghị định quy định về vấn đề này đã được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể, đánh giá việc thực hiện dựa trên việc rà soát các dự án thực hiện theo hình thức BT trong thời gian qua.
Trên cơ sở đó, các bộ liên quan sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách, đặc biệt là khâu lựa chọn nhà đầu tư và khâu giao đất, cho thuê đất. Trong đó, phải phân định rõ trường hợp thực hiện thông qua đấu thầu hoặc đấu giá, bảo đảm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật có liên quan, phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và Kiểm toán Nhà nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, bảo đảm nguyên tắc đấu thầu hoặc đấu giá công khai, minh bạch; sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho các dự án áp dụng hình thức hợp đồng BT theo quy định của Luật Đất đai, trong đó việc xác định giá trị đất phải thông qua Hội đồng thẩm định.
Tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình theo hình thức BT, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến xác định giá đất nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước và việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện.
Làm rõ vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tại Nghị quyết số 119/2018/NQ-CP ngày 9-9-2018 về phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2018 của Chính phủ: “Trong thời gian Nghị định này chưa được ban hành và chưa có hiệu lực thi hành, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý khoảng trống pháp lý theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai, đặc biệt là các dự án BT đã ký kết Hợp đồng”.
Ngay sau kết luận được nêu tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2018 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý khoảng trống pháp lý kể từ ngày 1-1-2018 (Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành) với nguyên tắc đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 cũng như thanh toán cho các dự án BT đang triển khai theo đúng quy định của pháp luật về thanh toán dự án BT từng thời kỳ.
Xuất hiện nhiều khoảng trống pháp lý Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Tổng Kiểm toán Nhà nước – Hồ Đức Phớc ký ngày 10-5-2018, sau khi kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay đã có một đoạn viết rằng, “Thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách”. Cũng tại báo cáo này, sau khi kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT trong năm 2017, KTNN cho thấy, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu (Hà Nội 5/5 dự án, Đà Nẵng 3/4 dự án, Bắc Ninh 2/2 dự án, Thái Bình 3/3 dự án…) làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực… H.A. |