Vay ngang hàng (P2P): Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thứ Ba, 25/12/2018, 08:44
Đây là cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về mô hình hoạt động cho vay ngang hàng - Peer to Peer - P2P Lending đang sôi động trên thị trường thời gian gần đây.


Tiện lợi nhưng rủi ro cao

Cho vay ngang hàng là hình thức người vay tiền và người có tiền kết nối thông qua ứng dụng trực tuyến trên di động hoặc máy tính. Đây là hình thức ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mô hình khá giống Uber, Grab trong kết nối người có nhu cầu đi xe và lái xe. Các công ty P2P cung cấp gói vay từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như: Vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ôtô đang thế chấp ngân hàng; vay mua ôtô, nhà trả góp...

Cần có biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ nói chung và hoạt động P2P Lending nói riêng.

Ví dụ nếu muốn vay 15 triệu đồng, khách hàng có thể vay theo giấy đăng ký xe máy với số tiền cho vay bằng 50% giá trị xe Lead, được nhận tiền ngay. Sau thời hạn 30 ngày, số tiền phải trả cả gốc và lãi là 17.250.000 đồng (lãi suất 15%/tháng). Hoặc nếu chọn hình thức vay theo sổ hộ khẩu hoặc hoá đơn điện nước, số tiền vay là 10 triệu trong 30 ngày, đến hạn, tổng số tiền phải trả là 11.500.000 đồng (lãi suất 15%/tháng).

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (Fintech) mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho những khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng và giúp giảm bớt việc vay tín dụng đen.

Ưu điểm của hình thức cho vay ngang hàng là thay vì phải đến ngân hàng trải qua quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe, người tham gia vay P2P được đơn giản hoá thủ tục, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng...

Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây ra mất ổn định kinh tế xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua. Tại Việt Nam, mặc dù hình thức cho vay này đã phát triển khá sôi động trong vài năm trở lại đây nhưng chưa có hành lang pháp lý.

Cảnh báo tín dụng đen núp bóng

Trước thực trạng này, ngày 24-12, NHNN đã có ý kiến chính thức. Cụ thể, NHNN đánh giá hoạt động của mô hình này vẫn còn tồn tại việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.

Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending.

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo P2P có thể bị biến tướng để huy động tài chính đa cấp.

Ngoài ra, hoạt động P2P Lending còn tiềm ẩn rủi ro như: Thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật; hệ thống lưu trữ thông tin của Công ty P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa; một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp; hoặc nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được qui định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

“Ngoài ra, Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, được bổ sung, sửa đổi năm 2017 qui định: “1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được NHNN cấp giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. 2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.

Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật”, NHNN cảnh báo. Cơ quan này cũng phân tích thêm: theo quy định của pháp luật, các hoạt động kinh doanh huy động tiền gửi hoặc cấp tín dụng phải tuân thủ các quy định của Luật NHNN và Luật Các Tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên đối với quan hệ cho vay trực tiếp không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân (không được thực hiện bởi các TCTD) thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P Lending có thể coi là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật NHNN và Luật Các Tổ chức tín dụng.

Trước những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia các nền tảng P2P Lending như đề cập ở trên, NHNN khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kĩ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng P2P Lending, NHNN cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, NHNN tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kênh bán hàng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng để nâng cao kiến thức và hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng”, NHNN khẳng định.

Sẽ có hình thức pháp lý để quản lý P2P

 NHNN đã và đang phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để có đề xuất xây dựng biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ nói chung và hoạt động P2P Lending nói riêng, phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng đổi mới, sáng tạo của thành tựu công nghệ, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia, đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của người dân, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. (B.K.)

Hà An
.
.
.