Vàng thiết lập giá lịch sử, vượt 56 triệu đồng/lượng

Thứ Sáu, 24/07/2020, 16:23
Liên tục xô đổ các kỷ lục cũ, giá vàng đã chính thức vượt hơn 56 triệu đồng/lượng.Trong khi đà tăng của kim loại quý chưa dừng lại, các doanh nghiệp đã đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư bằng cách kéo dãn khoảng cách mua bán lên gần 2 triệu đồng/lượng.

Ngày 24/7, giá vàng trong nước lập đỉnh cao của mọi thời đại, ở mức hơn 56 triệu đồng/lượng vào lúc 10h30 sáng. Như vậy, kể từ đầu giờ sáng, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng. Tổng cộng 3 ngày liên tiếp, giá vàng tăng tới 5 triệu đồng/lượng. Trước đó giá vàng đã liên tục tăng từ nhiều ngay nay, mức tăng ngày càng mạnh. Những kỷ lục như “tăng sốc 2 triệu đồng sau 1 đêm”, hay “điên cuồng” đối với vàng đã trở nên bình thường. 

 Giá vàng tăng chóng mặt trong mấy ngày vừa qua.

Đáng chú ý, để “bảo hiểm rủi ro” cho chính mình, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nới rộng chênh lệch giá mua – bán, có thời điểm lên tới 1.900.000 đồng/lượng. Lúc cuối giờ chiều ngày 24-7, giá vàng có hạ nhiệt chút ít, mua vào - bán ra ở mức 53,80- 55,40 triệu đồng/lượng. So sánh với thị trường thế giới, giá vàng trong nước đang đắt hơn khoảng 2-2,5 triệu đồng/lượng.  

Giá vàng liên tục tăng cao kể từ đầu tháng 7 nhưng các doanh nghiệp vàng cho biết không có giao dịch đột biến.

Theo quan sát tại các cửa hàng vàng trên địa bàn Hà Nội, người dân chủ yếu mang vàng đi bán để chốt lời, trong khi mua vào rất ít. Đại diện DOJI cho biết, trong những phiên giá vàng tăng cao đột biến, giao dịch tại doanh nghiệp này không có quá nhiều biến động so với trước đó. 

“Xu thế chung của thị trường diễn biến vẫn bình thường theo cả hai chiều mua - bán. Giao dịch mua bán tại DOJI không có quá nhiều biến động so với những ngày trước đây. Tỷ lệ giao dịch mua – bán  cũng ngang bằng với mức trung bình của các ngày trước đó” – đại diện DOJI cho biết.

Gía vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng tăng.

Giá vàng trong nước tăng do đà tăng giá chưa có dấu hiệu dừng lại của giá vàng thế giới. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 8/2020 tăng 24,90 USD/oz tương đương 1,3% lên 1.890 USD/oz trên sàn New York. Trong phiên đã có lúc giá vàng giao dịch ở mức 1.897,70 USD/oz. Nguyên nhân được các nhà phân tích cho rằng do bối cảnh lãi suất thấp ở hầu khắp các nước trên thế giới, giới đầu tư càng đặt niềm tin lớn vào vàng, đẩy giá kim loại quý này tiếp tục tăng cao. 

Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng tại nhiều nước, bất chấp những tín hiệu tốt về việc thử nghiệm vaccine. 

Bên cạnh đó, nợ công nhiều nước tiếp tục lên cao kỷ lục. Chính phủ Anh vừa công bố nợ công tăng vọt lên gần 2.000 tỷ bảng (2.543 tỷ USD) vào cuối tháng 6/2020- đây là mức cao nhất kể từ 1961. Vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cùng chiều với các thị trường chứng khoán trong thời gian tới với cùng một lý do: tình trạng in tiền và các biện pháp kích thích kinh tế chưa có tiền lệ của nhiều nước trên thế giới. 

Citi Group dự kiến giá vàng sẽ sớm đánh bại mốc 1.920 USD/oz từng đạt được vào năm 2011 và sẽ còn lên cao nữa – mức cao nhất mọi thời đại trong 6 đến 9 tháng tới. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, có 30% cơ hội giá vàng sẽ lên 2.000 USD/oz trong 3 đến 5 tháng tới.

Nhận định về xu hướng tăng giá của vàng, chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh cho rằng dù hiện tại giá vàng tăng đã khá nhiều, song trong dài hạn - ít nhất là 2-3 năm tới - giá vàng vẫn sẽ tiếp tục lên.

“Chúng ta lưu ý là chu kỳ tăng của chứng khoán Mỹ đã kéo dài 12 năm, chu kỳ tăng của bất động sản cũng đã 6-7 năm, nhưng chu kỳ tăng giá của vàng thì mới bắt đầu vài năm và sẽ còn tiếp tục kéo dài. Hơn nữa, đỉnh của COVID-19 trên thế giới vẫn chưa được xác lập, chưa biết khi nào dịch bệnh mới giảm. Mà ngay cả khi COVID-19 được khống chế thì hậu quả của nó cũng phải kéo dài nhiều năm. Điều này khiến dòng tiền vẫn phòng thủ vào vàng. Theo tôi, 90% khả năng giá vàng sẽ lên 60-70 triệu/lượng, nhưng có thể chưa phải trong ngắn hạn mà trong vòng 1 năm tới, hoặc lâu hơn một chút”, ông Khánh dự báo.

Vàng tăng cao, nhiều người cũng tỏ ra sốt ruột vì chưa kịp mua vàng khi các kênh đầu tư khác đều không mang lại lợi nhuận đáng kể. Tuy nhiên, câu hỏi có nên mua vàng lúc này vẫn không thể có đáp án chuẩn xác cho từng người, nhất là trong thời điểm này, chi phí đầu tư vào kim loại quý đã tăng vọt, trong khi rủi ro đến từ giá cả, đặc biệt là khoảng cách mua bán quá rộng vẫn tiềm ẩn. 

Một số chuyên gia cho rằng không nên hỏi “mua lúc nào” mà là “mua bao nhiêu”, vì không có thời điểm nào là chuẩn để đưa ra lời khuyên mua vào hay bán ra. Tuy nhiên, trong bất kỳ thời điểm nào, trích một phần quỹ đầu tư cho vàng là lựa chọn khôn ngoan. Còn với những nhà đầu tư muốn “lướt sóng”, quan trọng là phải nắm được thông tin và dám “quyết đoán” để chốt lời khi cần thiết. 

TS. Cấn Văn Lực cảnh báo vàng biến động rất nhanh nên phải hết sức cẩn thận, nhất là đầu cơ lướt sóng. Vì rất dễ nếu hôm nay tăng cao nhưng mai lại có diễn biến khác, tích cực thì lại xuống ngay.

“Quan điểm của tôi là vàng đã lên đến mức cao tương đối, đà tăng của nó sẽ không mạnh như trước đây, trong khi đó lại rủi ro hơn vì biến động nhanh và mạnh. Nên nhà đầu tư phải hết sức thận trọng. Nguyên tắc số 1 là phải đa dạng hoá danh mục tài sản đầu tư của mình”, ông Lực khuyến nghị. Còn ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, ít nhất đến khi dịch COVID-19 được khống chế, nhưng sẽ lên theo hình răng cưa – tức là theo quỹ đạo: lên – điều chỉnh – lên.

Diễn biến giá vàng trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế

Đây là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh khi trao đổi với PV về giá vàng phi mã trong mấy ngày gần đây.

PV: Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến giá vàng tăng phi mã?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Trong những ngày gần đây, giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh. Chỉ riêng trong ngày 23/7/2020 giá vàng quốc tế đã tăng 39 USD/oz, tương đương mức tăng 2,1% trong ngày. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng cao là do số ca nhiễm COVID-19 không ngừng gia tăng ở nhiều nước, giới đầu tư kỳ vọng các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể áp dụng thêm các gói kích thích kinh tế, đặc biệt sau khi EU thông qua gói cứu trợ “lịch sử” trị giá 750 tỷ Euro. Đồng đô la Mỹ đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Ngoài ra, những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giá vàng tiếp tục đà tăng mạnh.

PV: Thưa ông, thị trường trong nước, giao dịch mua, bán vàng diễn ra thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Trên thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC trong nước tăng theo giá vàng quốc tế, phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Giao dịch mua, bán trên thị trường ở mức bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mà còn có hiện tượng một số người dân có xu hướng bán vàng ra khi giá vàng cao.

PV: Xu hướng trong thời gian tới giá vàng thế giới diễn biến thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Theo các chuyên gia, trong thời gian tới giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, giá vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng giá vàng trong thời gian này còn nhiều yếu tố rủi ro.

(B.K)

Bá Kiệt
.
.
.