Vải thiều xuất khẩu qua đầu mối hệ thống bán lẻ
Ngày 14-6, tại TP Hồ chí Minh, Liên Hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức chương trình “Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại TP Hồ Chí Minh”.
Dịp này, Saigon Co.op cũng đón nhận và trồng cây vải thiều lâu năm tại siêu thị do hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương trao tặng. Chính thức khởi động cam kết bao tiêu trái vải thiều tươi được khai thác trực tiếp tại Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương).
Đây là sự kiện tiếp nối hoạt động của Saigon Co.op khi tham gia Diễn đàn Kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang năm 2018 do UBND tỉnh này tổ chức trước đó vào ngày 8-6-2018.
Vải thiều đưa vào hệ thống siêu thị |
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Vải thiều là đặc sản đặc trưng của tỉnh Bắc Giang. Diện tích trồng vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang hiện lớn nhất cả nước, với hơn 28.000 ha, trong đó riêng huyện Lục Ngạn có 15.000 ha trồng vải thiều. Sản lượng hàng năm đạt từ 150.000 -180.000 tấn.
Để trái vải ngày càng được người tiêu dùng (NTD) trong và ngoài nước ưa chuộng, trong những năm gần đây, Bắc Giang đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và trồng vải thiều theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap.. Trong số 28.000 ha trồng vải thiều cả tỉnh, thì trong đó có 13.500 ha được trồng theo tiêu chuẩn an toàn ViệtGap và trên 200ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap được Mỹ cấp mã vùng trồng.
Ngoài vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, thì Thanh Hà – Hải Dương cũng là địa phương nức tiếng với trái vải thiều, ông Ngô Đức Vính – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà thông tin: Từ năm 2007, sau khi vải Thanh Hà được Cục SHTT cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, lãnh đạo huyện cũng đã chỉ đạo, khuyến cáo các hộ nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất để bảo vệ chỉ dẫn địa lý.
Tuy nhiên, đến năm 2012, với yêu cầu cao hơn của NTD và đặc biệt là phục vụ xuất khẩu, thì toàn bộ diện tích trồng vải thiều Thanh Hà chuyển sang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGap và GlobalGap.
Đến nay, huyện Thanh Hà có 350ha đã được đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, Úc và các thị trường khó tính khác. Trong đó, có 100 ha xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ và Úc. Mới đây, đoàn xe xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đi Mỹ cũng đã thực hiện tại Lễ hội vải thiều của tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 10/6 vừa qua.
“Sản lượng vải thiều của tỉnh năm 2018 ước tính 55.000 tấn, thì riêng huyện Thanh Hà tính đến thời điểm hiện nay ước khoảng 40.000 tấn. Tất cả vải thiều đều có dán tem truy xuất nguồn gốc”, ông Vính cho biết.
Ngoài cam kết sản lượng tiêu thụ, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op cũng sẽ là đầu mối để đưa trái vải tươi và các sản phẩm nông sản khác ra thị trường khu vực. Nhà phân phối Saigon Co.op còn đăng ký tham gia nhiều chương trình khác của tỉnh, cũng như đăng ký những hình thức thu mua khác liên quan đến sàn giao dịch, sàn đấu giá như các mô hình nông nghiệp trên thế giới để người nông dân và thị trường nông sản trong nước không còn trăn trở với cụm từ “giải cứu”.