Trám lỗ hổng để gỡ thẻ vàng xuất khẩu thủy sản sang EU

Chủ Nhật, 08/11/2020, 10:39
Xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị sụt giảm rõ rệt kể từ khi EU áp thẻ vàng đối với khai thác hải sản (IUU) của Việt Nam.

Năm 2018, XK giảm 6%, năm 2019 giảm 15%, năm 2020, XK thủy sản sang EU lại tiếp tục gặp khó bởi bị tác động kép do dịch COVID-19, thẻ vàng IUU và Brexit, khiến 9 tháng đầu năm tiếp tục giảm 13% so cùng kỳ. 

Mặc dù Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, thủy sản là ngành được hưởng lợi nhất ưu đãi về thuế khi XK vào thị trường này và dự đoán nhu cầu tiêu thụ hải sản của EU sẽ tăng trong thời gian tới, nhưng vấn đề quan trọng nhất, nếu ngành thủy sản trong nước không “gỡ” được thẻ vàng IUU, coi như đã đánh mất cơ hội...

“XK thủy sản của Việt Nam sang EU liên tục giảm, và từ năm 2019 thị trường này đã rớt xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường XK thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, là đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. 

Vì vậy việc giữ vững thị trường EU là việc quan trọng mà Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) và cộng đồng DN thủy - hải sản Việt Nam nỗ lực trong những năm qua, đặc biệt từ sau khi EU cảnh báo thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP khẳng định. 

Năm 2020 XK thủy sản của Việt Nam vào EU giảm sâu trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, khi có Hiệp định EVFTA, ngay lập tức đã có tác động ngay đến một số mặt hàng như: Tôm, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ, nước mắm... Số liệu của VASEP, trong 9 tháng đầu năm XK các mặt hàng hải sản chính sang EU giảm, trừ một số mặt hàng: Nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 3%, cua ghẹ tăng 26%, cua ghẹ chế biến tăng 60%, cá ngừ đóng hộp tăng 12%, tôm biển đóng hộp tăng 25%, nước mắm tăng 25%... 

Điều này cho thấy, Hiệp định EVFTA đã có tác động tích cực đến các sản phẩm XK thủy sản sang thị trường EU. Nếu giải quyết được bài toán khắc phục thẻ vàng IUU, thì XK thủy sản sang EU sẽ trở lại mức 1,2-1,4 tỷ USD/năm và ngày càng tăng nữa.

Ngành thủy sản nỗ lực gỡ thẻ vàng để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Theo VASEP, ngay khi Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng IUU, với nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, khoảng cuối tháng 9/2017 VASEP đã khởi động chương trình “DN hải sản cam kết chống khai thác IUU” trong đó có sự tham gia của 62 nhà máy, Ủy ban hải sản VASEP, Ban điều hành IUU VASEP, và cộng đồng DN. 

Theo đó, trách nhiệm của DN phải “nói không với thủy sản khai thác IUU”, cam kết chỉ thu mua nguyên liệu từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Kiên quyết không mua nguyên liệu từ những tàu cá không có giấy phép, không có nhật ký, không có báo cáo theo quy định... 

Ông  Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau chia sẻ, ông đã trực tiếp làm việc với các DN, ngư dân... và cũng đã thấu hiểu được nỗi lo lắng của họ. Tuy nhiên, có một thực tế là giữa ngư dân và DN là bạn hàng mua bán với nhau, nhưng không mối quan hệ ràng buộc nhau. 

DN thì không có cơ chế, hỗ trợ gì cho ngư dân, ngư dân cũng không có trách nhiệm gì đối với DN. Chính vì điều đó cho nên DN cũng không biết tàu đánh cá nào là đánh bắt hợp pháp và không hợp pháp, nên rất khó trong việc chống khai thác IUU.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, thiết bị giám sát hành trình rất quan trọng để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc cũng như để kiểm tra lại nhật ký khai thác của ngư dân.                       

Thúy Hà
.
.
.