Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp
Dự buổi tọa đàm có ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân; đại diện Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an; Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ; Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh và đại diện nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn đã tài trợ cho buổi tọa đàm này.
* Hàng giả, hàng nhái đã thật sự trở thành một “ngành công nghiệp” đen tối
Theo Đại tá Trần Kim Thẩm, trong những năm qua, công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước ta đã thu được nhiều thành quả rõ rệt và đáng mừng. Kinh tế ngày càng phát triển, hàng hóa ngày càng phong phú dồi dào, sản xuất, lưu thông hàng hóa mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống của nhân dân và sự phát triển chung của cả nước.
Sự cải tiến thông thoáng hơn trong quản lý kinh tế, phát triển xã hội đồng thời cũng giúp chúng ta nhận ra nhiều thách thức, phát hiện ra nhiều kẽ hở khiến nền kinh tế đang bị các thành phần bất lương lợi dụng. Trong số đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, có thể nói, đã trở thành một thực trạng nhức nhối, lây lan nhanh, ngày càng tinh vi, tàn phá kinh tế xã hội, phá hoại cạnh tranh công bằng và gây ảnh hưởng rất xấu đến quyền lợi của các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh chân chính. Nó cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, quyền lợi của nhân dân - người tiêu dùng.
Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó tổng biên tập Báo CAND. |
“Lâu nay hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất thì diễn ra trong bóng tối nên những nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa thể triệt để để loại trừ hoàn toàn. Các giải pháp, chính sách của Nhà nước vẫn chỉ mới cắt ngọn vấn nạn, chưa đủ cách thức và sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ. Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một đánh giá nào thống kê đầy đủ về những thiệt hại do vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây ra, nhưng chắc chắn, thiệt hại của chúng gây ra cho nền kinh tế là cực lớn”, Đại tá Trần Kim Thẩm nhận định.
Không dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ, hàng giả, hàng nhái đã thật sự trở thành một “ngành công nghiệp” đen tối đục ruỗng nền kinh tế đất nước, tàn phá sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, phá hoại thành quả của nhà sản xuất kinh doanh chân chính, gây hoang mang xã hội, làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa chân chính trong mục tiêu phát triển trong nước và vươn ra thế giới.
Nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái lớn thậm chí đã tồn tại, hoành hành trong một thời gian dài. Có thể kể, đó là quy trình sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong 2 năm trước, là vụ án sản xuất kinh doanh thuốc trị ung thư giả của Công ty dược VN Pharma vừa bị đưa ra xét xử.
Gần hơn nữa là vụ tráo mác nhà sản xuất, lợi dụng thương hiệu nhằm nâng giá lên hàng chục lần của thương hiệu Khải Silk, với thừa nhận đã kéo dài gần 30 năm. Và mới nhất, lô hàng 11 tỷ đồng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chăm sóc, làm đẹp liên quan đến một hoa hậu quý bà vừa bị khám phá…
Đây chỉ là một số vụ điển hình, là phần nổi của tảng băng đen, phần chìm chưa được khám phá chắc hẳn còn lớn hơn gấp bội. Vì thế, theo Đại tá Trần Kim Thẩm, một quy trình, giải pháp hữu hiệu để chống triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái là yêu cầu cấp bách đang được đặt ra, cần sự chung sức và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội. Và buổi tọa đàm với sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện các cơ quan ban ngành, nhằm tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề đang đặt ra.
Đại diện Cục sở hữu trí tuệ - bà Nguyễn Thị Huyền Trang. |
* Tất cả các sản phẩm đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái!
Đại diện Cục sở hữu trí tuệ - bà Nguyễn Thị Huyền Trang (chuyên viên) Sở hữu trí tuệ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế - xã hội; trở thành công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Để sở hữu trí tuệ có thể thực hiện được vai trò này, cho đến nay chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta cũng có hệ thống các cơ quan rộng khắp trên cả nước để giúp các chủ thể quyền có thể bảo vệ quyền của họ chống lại các hành vi xâm phạm.
Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái phát triển ngày càng tinh vi, có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các “mẹt” hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và phong phú về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho “khổ chủ”, nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh... giả, kém chất lượng khiến bệnh tật thi nhau “nẩy nở”, phát triển trong cơ thể những “thượng đế” nhẹ dạ và ham rẻ.
Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Những thủ đoạn làm hàng giả thường thay đổi liên tục, ngày càng tinh vi hơn; thậm chí đến mức tem chống giả cũng bị làm giả.
* Nguyên nhân: "Tại anh tại ả" hay tại ai?
Theo Cục sở hữu trí tuệ, lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn mới đối với Việt Nam nên nhận thức chung chưa cao. Nguồn nhân lực quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu và “yếu”. Hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn hạn chế. Chế tài chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Doanh nghiệp chưa chủ động trong đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền, chưa phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý xâm phạm, tâm lý e ngại khi sợ người tiêu dùng biết sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm giả,.. Tất cả khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa.
Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là chỉ của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan thực thi.
Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Trước thực trạng này, Việt Nam cần phải thiết lập một cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Theo đó, nhà sản xuất cần bỏ kinh phí để thông báo đến người tiêu dùng nhằm phân biệt hàng thật của mình với hàng giả và có chính sách khen thưởng kịp thời cho những người tiêu dùng phát hiện ra hàng nhái, hàng giả. Hơn nữa, cũng nên có một hành lang pháp lý do Hội bảo vệ người tiêu dùng lập ra để bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, cơ quan có liên quan với lực lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm. Mức độ xử phạt cũng cần được xem xét lại sao cho có đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội mà trước hết là hoàn thiện các quy định của pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân. Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.
Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7, Phòng cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng hiện nay có sự thay đổi so với trước đây.Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7, Phòng cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh |
Ngày càng nhiều người tiêu dùng có tâm lý sính hàng ngoại, hàng xách tay; một số khác lại có tâm lý thích hàng rẻ, đẹp. Lợi dụng điều này, các đối tượng tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả lợi dụng thời điểm khan hiếm các loại hàng này đưa hàng giả ra bán trên thị trường. Mặt khác, sự phát triển ồ ạt của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhiều cơ sở không theo kịp thị trường, chậm đổi mới cải tiến công nghệ dẫn đến làm ăn thua lỗ, thậm chí phá sản.
Để cứu vãn tình thế, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân đã thực hiện hoạt động làm ăn phi pháp; trong đó có sản xuất, buôn bán hàng giả. Ngoài ra, lợi dụng chính sách mở cửa, đối tượng tội phạm còn nhập ồ ạt hàng giả sản xuất ở nước ngoài vào nước ta. Sau đó tự mình hoặc liên doanh với công ty nước ngoài dùng dán nhãn mác công ty nổi tiếng của nước ngoài và đem đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.
* Những chiêu trò, thủ đoạn của tội phạm làm hàng giả, hàng nhái
Đối với những mặt hàng giả được sản xuất từ Trung Quốc hầu hết được tập kết từ các tỉnh phía Bắc, giáp biên giới rồi vận chuyển dần vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Tùy từng loại hàng mà bọn chúng vận chuyển trên từng loại phương tiện cho phù hợp: đường hàng không, chuyển phát nhanh, tàu hỏa hoặc các chuyến xe tải Bắc - Nam… Thậm chí có phương thức chuyển hàng bằng cách gọi điện thoại đặt mua hàng từ Trung Quốc và được giao tại TP. Hồ Chí Minh mới thu tiền công vận chuyển.
Nổi bật trong thời gian qua là tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng với phương thức hoạt động hết sức tinh vi. Về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm SHTT là dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng: Tội phạm thường tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi, mỗi nơi một khâu, sau đó chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh rồi đưa đến nơi tiêu thụ.
Nên khi bị phát hiện ở một khâu, một công đoạn nào đó thì các đối tượng có thể nhanh chóng tẩu tán tang vật ở những khâu khác nhằm tiêu hủy chứng cứ. Mặt khác việc thu giữ tang vật của cơ quan chức năng cũng khó bảo đảm về trị giá số lượng hàng giả để xử lý về hình sự và cũng khó để tìm ra đối tượng cầm đầu đường dây...
Chiêu thứ kế tiếp là các đối tượng sản xuất hàng giả lợi dụng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hợp pháp được phép sản xuất các mặt hàng cùng loại để sản xuất hàng giả. Các đối tượng thường sản xuất theo đơn đặt hàng với số lượng không lớn, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến.
Điều này gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc phát hiện và xử lý vì chỉ có thông qua kiểm tra, giám định của cơ quan chuyên môn thì mới có thể kết luận được, mà việc này thì chỉ khi nào có cơ sở để nghi vấn là hàng giả thì mới có thể tiến hành. Một thủ đoạn phổ biến hiện nay là các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, là dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng là nhập lậu các sản phẩm từ Trung Quốc không nhãn mác về Việt Nam, sau đó tổ chức đóng gói, dán nhãn giả sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, Úc và các nước Châu Âu, thậm chí giả các nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Các mặt hàng sản xuất hiện nay chủ yếu là các mặt hàng được ưu chuộng, thứ nhất là các loại tăng cường sinh lý, loại thứ 2 là các loại làm đẹp cho phụ nữ. Khi sản xuất hàng giả các đối tượng có trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc để đóng gói, dán tem sản phẩm, sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng. Việc sản xuất hàng giả tiến hành theo lối thủ công với các thao tác nhanh gọn, đơn giản, dễ làm, không cần đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao.
Tổ chức cũng hết sức đơn giản, thường chỉ gồm những người trong gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết đảm bảo khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ. Các địa điểm sản xuất hàng giả thường được tiến hành bí mật, lén lút ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, khu vực phức tạp nhiều thành phần dân cư như trong các hẻm sâu, nhiều ngõ ngách. Về cách thức tiêu thụ, các đối tượng lập công ty có chức năng sản xuất thực phẩm chức năng, sau đó thuê người gia công thuốc giả bán thành phẩm, như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác.
Khi thị trường có nhu cầu mạnh về thuốc này thì đối tượng lập tức dán cái nhãn mác giả và tung ra thị trường. Tất cả các sản phẩm của đối tượng bán ra đều không được kiểm định, công bố chất lượng của bất kỳ cơ quan chức năng nào. Khi tung sản phẩm ra ngoài thị trường các đối tượng buôn bán hàng giả thường trà trộn các loại hàng giả với hàng thật để bán hàng giả. Đối tượng này đa số là những người có kinh doanh các mặt hàng cùng loại và biết rõ các loại hàng giả, có kinh nghiệm phân biệt giữa hàng giả với hàng thật.
Do đó, khi bán hàng giả các đối tượng thường giới thiệu như hàng thật hoặc dùng các thủ đoạn khác nhằm làm cho khách hàng tin đó là hàng thật. Trong 10 tháng đầu năm 2017, Lực lượng CSKT Công an TP thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả, vi phạm SHCN. Đã kết thúc điều tra trinh sát 94 vụ, 106 đối tượng ; Đã khởi tố 7 vụ, 13 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả và Xử lý hành chính 86 vụ, 92 đối tượng buôn bán hàng giả, phạt hành chính 2.767.050.000 đồng.
* Nguyên nhân gia tăng tội phạm hàng giả, hàng nhái dưới "con mắt" Công an
Cũng theo trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, thực trạng hàng nhái, hàng giả lộng hành một trong những nguyên nhân chính là công tác quản lý kinh tế, quản lý thị trường sản xuất, kinh doanh còn thiếu sót, sơ hở, lỏng lẻo và yếu kém. Hiện nay công tác quản lý kinh tế, quản lý thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn bộc lộ những hạn chế thiếu sót nhất định, không theo kịp những biến đổi của nền kinh tế cũng như sự gia tăng ồ ạt của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Chính sự đa dạng, phong phú về hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thị trường tiêu thụ, từ đó tạo ra nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý thị trường, những kẽ hở để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả lợi dụng hoạt động. Việc thực hiện công tác quản lý cụ thể còn chưa tốt, ý thức của người tham gia quản lý chưa cao, trình độ quản lý còn yếu, kinh phí hạn hẹp, dẫn tới buông lỏng quản lý, kiểm tra, kiểm soát mang tính hình thức, không thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm của các đối tượng. Trong công tác chống hàng giả của lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giám định, thẩm định hàng giả.
Ngoài ra còn có nhiều trường hợp những doanh nghiệp bị xâm hại quyền lợi, bị làm giả thương hiệu đã không thực sự chủ động phối hợp các cơ quan chức năng để đấu tranh hiệu quả. Hàng hóa đăng ký sản xuất doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng đưa ra mà không có tiêu chuẩn nào để so sánh dẫn đến việc hàng hóa kém chất lượng, không tác dụng như quảng cáo.
Có những loại hàng giả như thuốc tân dược chưa có visa lưu hành tại Việt Nam nên khi cần giám định không có mẫu thu thập hợp pháp để so sánh theo yêu cầu của cơ quan giám định Đặc biệt, các văn bản hiện hành chưa quy định rõ ràng về khái niệm hàng giả, có những điểm trùng với hàng xâm phạm sở hữu công nghiệp.
* Phải chăng luật pháp quá nhẹ?
Một số Điều quy định của Bộ luật hình sự chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn như quy định: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng trong chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm”.
Nhưng đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là “số lượng lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng”, từ đó gây khó khăn trong quá trình xử lý của lực lượng chức năng. Hay theo khoản 8, điều 3 theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì xác định hàng giả gồm cả hàng kém chất lượng và hàng vi phạm sở hữu công nghiệp. Ngoài ra cơ chế pháp luật chưa đảm bảo khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào cuộc đấu tranh phòng chống hàng giả.
Thủ tục khiếu nại, tố cáo sản xuất, buôn bán hàng giả của người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh khi phát hiện những hành vi xâm phạm còn khá phức tạp, nhiều phiền hà, tốn kém thời gian và tiền bạc... Về những hạn chế từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật: Các lực lượng có chức năng chính trong phòng, chống hàng giả hiện nay là Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, Thanh tra chuyên ngành.
Trong đó lực lượng Cảnh sát kinh tế là lực lượng chủ công, trực tiếp trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả nhất định nhưng các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu sự phối hợp trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.
Mặc dù hiện nay đã có các văn bản quy định mối quan hệ giữa các lực lượng trong hoạt động phòng ngừa các tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, đó là quyết định số 3207/QĐ-UBND ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tuy nhiên việc thực thi vẫn chưa tạo thành một cơ chế thống nhất, do đó hiệu quả phối hợp chưa cao.
Việc xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả còn thiếu kiên quyết, triệt để, đa số là xử lý hành chính phạt tiền, số vụ khởi tố hình sự còn ít, vì vậy tính chất răn đe, giáo dục chưa cao. Ngoài ra, trong quá trình điều tra muốn khởi tố vụ án về hàng giả phải có kết quả giám định của cơ quan chức năng mà thời gian tạm giữ có hạn đến khi có kết quả giám định, viện kiểm sát phê chuẩn thì việc bắt tạm giam là khó khăn vì phần lớn đối tượng là dân nhập cư, chỗ ở không ổn định.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi kiến nghị tại buổi tọa đàm. |
* Các "khổ chủ" lên tiếng?
Được thành lập từ năm 2000, Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng võng xếp. Thời gian qua, mặt hàng của Công ty đã nhiều lần bị các đối tượng làm giả.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi kiến nghị sau khi doanh nghiệp lên tiếng kêu cứu giải quyết vụ việc liên quan đến xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp thì mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương hơn nhằm giảm thời gian thụ lý, giải quyết vụ, sớm trả lại môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.
Quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, xử phạt mạnh tay các hành vi vi phạm để lấy đó làm răn đe đối với các tổ chức, cá nhân đã đang và sẽ có ý định sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, truy cùng để xử lý những người tiếp tay cho hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm của doanh nghiệp đã được chứng nhận quyền sở hữu.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Tý, giám đốc điều hành Công ty thời trang nón Sơn cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng nhái là một thực trạng đáng buồn của hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà có các mặt hàng bị làm giả.
Theo đuổi vấn đề này ròng rã mười mấy năm nay, ông Sơn cho biết Chính phủ chưa cho các cơ quan chức năng một cái quyền tối ưu để xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Đơn cử như khi một hồ sơ vi phạm chuyển về cho Chi cục trưởng thị trường thì phải tốn rất nhiều thời gian và qua nhiều khâu mới có thể xử lý được. Còn một thực trạng khác còn kinh khủng hơn hàng giả, hàng nhái đó chính là hàng xâm phạm quyền.
Ông Tý kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nhanh, dứt điểm các vụ án vi phạm, nhất là phải xử lý thật nghiêm để không còn xảy ra tình trạng tái vi phạm làm hàng giả, hàng nhái như vừa qua.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, giám đốc điều hành Công ty thời trang nón Sơn |
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch CLB kết nối doanh nhân Saigon - ASEAN, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính....
Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các “mặt” hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho “khổ chủ”, nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh... giả, kém chất lượng khiến bệnh tật thi nhau “nảy nở”, phát triển trong cơ chế những “thượng đế” nhẹ dạ, kém hiểu biết và ham rẻ. Theo ông Luận, chưa có đề tài nào nghiên cứu chuyên sâu về “tần suất sử dụng và mức độ tác động của hàng giả, hàng kém chất lượng đến đời sống xã hội” nên khó có thể đưa ra kết luận chính xác rằng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng “đáp ứng” bao nhiêu phần trăm nhu cầu trong cuộc sống của mỗi người dân.
Do đó, trong thời đại vàng thau lẫn lộn như hiện nay thì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chừa bất cứ một ai. Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.
Thị trường băng đĩa CD, VCD, DVD ở thị trường trong nước là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này. Theo đại diện hiệp hội DN Asean, xảy ra thực trạng trên là do sự bất cập trong cơ chế quản lý. Lý giải về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay, ông Luận cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ.
Dù có tới năm cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ gồm cơ quan Quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành Khoa học - Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cảnh sát kinh tế, UBND các cấp cùng cơ quan hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu. Lực lượng quản lý, kiểm tra này tuy đông nhưng không mạnh. Do hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo nên dù chịu sự kiểm tra của năm cơ quan nêu trên nhưng nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập trên thị trường.
Hoạt động kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập trên thị trường bị xem nhẹ, chỉ sau khi có thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới bắt tay vào làm. Chính vì vậy, hiệu quả không cao và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn có cơ hội đến tay người tiêu dùng. Khâu giám định, tưởng như chỉ là một thủ tục song lại làm "tắc" không ít vụ xử lý hàng giả, hàng nhái.
Phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào.
Theo quy định của pháp luật, để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy.
Theo quy định của pháp luật thì chính đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyện chịu nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch CLB kết nối doanh nhân Saigon - ASEAN |
Mặt khác, muốn giám định hàng giả, hàng nhái, lực lượng quản lý phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Tuy nhiên, rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, lại không thể giám định được vì hàng hóa có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hóa không có ai xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam.
* (Nghịch lý) DN cũng e ngại công khai khi hàng hóa của mình bị làm giả!?
Không ít doanh nghiệp lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả thì từ chối.
Về thực trạng hàng nhái, hàng giả tràn lan hiện nay, ông Luận còn cho rằng do luật chưa “kín”, chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Hiện nay, việc phải đội mũ bảo hiểm là bắt buộc đối với người ngồi trên mô tô, xe máy khi lưu thông trên đường, quy định này nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng khi gặp tai nạn.
Tuy nhiên, nhiều người không hiểu, hoặc cố tình không hiểu tác dụng thực sự của chiếc mũ bảo hiểm nên sử dụng nó chỉ để đối phó với quy định của pháp luật và qua đó tạo điều kiện cho mũ bảo hiểm “rởm” có cơ hội phát triển, phản lại tác dụng, ý nghĩa tích cực của việc đội mũ bảo hiểm.
Chiếc mũ bảo hiểm quan trọng là vậy, việc quy định đội mũ bảo hiểm là cần thiết như thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong việc tìm phương pháp để xử lý những đối tượng sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Có thể thấy rằng luật của chúng ta còn khá nhiều kẽ hở để những đối tượng cơ hội, làm ăn chụp giật lách luật thậm chí là “xé rào” để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ví dụ như sản xuất mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng thì bảo là sản xuất mũ... thời trang cho người đi bộ, đi xe đạp. Luật pháp còn mâu thuẫn, chồng chéo, chế tài chưa đủ mạnh nên nhiều công ty, doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm để tìm kiếm lợi nhuận trái luật, nếu bị phát hiện thì họ sẵn sàng nộp phạt.
Chẳng hạn như sau khi xử lý xong vụ phân bón giả, kém chất lượng ở Đồng Tháp hồi năm 2008 Ông Võ Hoàng Ly, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Đồng Tháp, bức xúc: “Mức phạt hành chính cao nhất của ngành nông nghiệp trong lĩnh vực phân bón kém chất lượng chỉ 12 triệu đồng. Con số này chỉ bằng đầu móng tay so với những thiệt hại mà người nông dân phải gánh chịu, số tiền phạt cũng chỉ là hạt cát so với lợi nhuận mang về cho nhà sản xuất và nhà kinh doanh.
Do đó phạt không đủ sức răn đe mà còn gây khó khăn trong việc lập lại trật tự trên lĩnh vực này". Theo ông Luận, hàng giả, hàng nhái còn do có sự “tiếp tay ” của người tiêu dùng, bởi ngoài một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ.
Với cách nghĩ như vậy, nhiều người đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần trên thị trường.
* Dân ngại kiện cáo hay vì tâm lý AQ?
Mặt khác, hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan còn do người tiêu dùng ngại động chạm đến việc kiện cáo. Thói quen sử dụng tình cảm, niềm tin trong giao dịch nên phần nhiều người dân Việt Nam đều tiến hành giao mua bán hàng hóa theo kiểu thấy ưng là mặc cả, mặc cả xong là mua, mua xong là... xong. Với phương thức giao dịch kiểu “tiền trao - cháo múc” trên, người tiêu dùng hầu như không có bất kỳ giấy tờ, hóa đơn nào để chứng minh quá trình giao dịch. Nếu có đi chăng nữa thì họ cũng chỉ coi tờ hóa đơn là tờ giấy liệt kê hàng hóa, giá cả và thường bỏ đi trước khi sử dụng hàng hóa.
Thói quen này nên khi “có chuyện gì” họ cũng chỉ biết “rút kinh nghiệm” vì không có cơ sở để “bắt đền” hay kiện tụng. Mặt khác, xuất phát từ gốc của nền văn minh nông nghiệp và văn hóa trọng tính truyền thống nên người Việt Nam có quan niệm “Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”. Bởi vậy mà ngay cả những người “cầm cân nảy mực” ở nhiều nơi vẫn có tư tưởng thiên về khuyến khích các đương sự “tự dàn xếp”. Và cuối cùng họ tự giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình bằng cách “tự thỏa thuận, hòa giải”.
Nguyên nhân quan trọng nữa là do vẫn mang nặng tâm lý tiểu nông chỉ thấy lợi ích trước mắt, không thấy lợi ích lâu dài. Chỉ thấy lợi ích cá nhân, không thấy lợi ích tập thể, cộng đồng nên người tiêu dùng rất dễ bị “bịt miệng” bằng vật chất, bằng vũ lực của những kẻ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Chính điều này gây khó khăn rất lớn trong quá trình xử lý hành vi vi phạm của những đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời phần đông người dân hiểu và nắm luật rất hạn chế nên có muốn kiện họ cũng không biết nên bắt đầu từ đâu, thủ tục thế nào, cộng thêm quan niệm sai lầm "vô phúc đáo tụng đình" nên nếu có mua dính phải hàng “lởm” nhiều người chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt” bụng bảo dạ “lần sau chừa cái mặt nó ra” chứ rỗi hơi mà đi “kiện củ khoai” vừa mất thời gian, tiền bạc, không khéo lại... vác họa vào thân.
Cuối cùng, tâm lý đi khiếu nại đồng nghĩa với mất công, mất buổi, mất chi phí đi lại, công việc tồn đọng... Do đó, đối với những mặt hàng có giá trị không lớn thì dù có thắng kiện đi chăng nữa có khi vẫn... lỗ. Những người thực sự có tâm huyết, muốn “chiến đấu” đến cùng với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì bị cản trở rất nhiều bởi sự khó khăn về nguồn tài chính để thuê các dịch vụ pháp lý, thuê luật sư, theo đuổi vụ kiện...
Để xử lý hàng nhái, hàng giả, ông Luận cho biết, kinh nghiệm từ các nước cho thấy vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng.
Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật.
Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại lên Cục Sở hữu Trí tuệ. Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Do đó, cần phải thiết lập một cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Nhà sản xuất cần bỏ kinh phí để thông báo đến người tiêu dùng nhằm phân biệt hàng thật của mình với hàng giả và có chính sách khen thưởng kịp thời cho những người tiêu dùng phát hiện ra hàng nhái, hàng giả.
* Cần sớm hoàn thiện các quy định về thực thi quyền Sở hữu Trí tuệ
Hơn nữa, cũng nên có một hành lang pháp lý do Hội bảo vệ người tiêu dùng lập ra để bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng. Ngoài ra, ông Luận đề nghị phải sớm hoàn thiện các quy định về thực thi quyền Sở hữu Trí tuệ.
Các điều quy định trong Luật phải được hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng một cách thống nhất. Đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan có liên quan với bộ phận quản lý thị trường đồng thời tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ cho bộ phận này cũng như tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc giám định, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm.
Mức độ xử phạt cũng cần được xem xét lại sao cho có đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội mà trước hết là cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân. Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.
Tham gia tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty VinaCHG, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng giả là một vấn nạn được xã hội quan tâm.
Đây là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp bức xúc. Thời gian qua, Công ty cũng có sự tương tác và khuyến khích nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau khi phát hiện hàng giả nên trình báo các cơ quan chức có thẩm quyền để trình báo.
Nhưng việc xử lý hiện nay chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ. Còn ở góc độ người tiêu dùng khi mua phải hàng giả cũng rất khó khăn và sợ khiếu kiện, khiếu nại khi đưa thông tin lên truyền thông.
Theo ông Hồng, việc nâng cao ý thức trong việc chống hàng giả giữa cơ quan quản lý Nhà nước, truyền thông và người tiêu dùng liên kết với nhau là rất cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó là không ngừng đưa ra những giải pháp ngăn chặn tình trạng này ngay từ đầu.
Không chỉ bán hàng ở cửa hàng mà còn bán hàng giả trên mạng xã hội cũng phức tạp không kém. Vì vậy, ông Hồng kiến nghị nên đi sâu, tìm hiểu hàng giả bán những nơi nào để có những định hướng và xử lý chặt chẽ hơn.
Nói về khó khăn thực tế các DN thành viên gặp phải trong phòng chống hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch CLB kết nối doanh nhân Saigon - ASEAN, cho biết, đối với ngành sản xuất VLXD và công nghiệp, quy định đòi hỏi sản phẩm phải có đủ tất cả các điều kiện hợp chuẩn, hợp quy mới được đưa ra lưu thông gây mất nhiều thời gian của nhà sản xuất.
Lợi dụng việc bổ sung hồ sơ hợp chuẩn, hợp quy sau, DN nhái theo sản phẩm đảm bảo chất lượng để đưa vào công trình. Ông Luận cho rằng, việc cấp phép kinh doanh được thực hiện rất nhanh, nhưng năng lực của người đó, DN đó thế nào thì không được thẩm định đã dẫn đến hệ lụy là hàng kém chất lượng tràn lan.
Ngay cả cà phê Trung Nguyên cũng đã bị làm giả để xuất khẩu tiểu ngạch sang một số nước trong khu vực. Theo ông Luận, để chống hàng giả, hàng nhái, Ban chỉ đạo 389 cần có thêm thành viên các Hiệp hội DN tham gia. Vụ việc VN Pharma hay Khai Silk vi phạm rất nhiều năm mới được phát hiện vừa xảy ra cần phải xem xét lại công tác quản lý.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Chuyên viên, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, giải thích thêm một số thắc mắc của các doanh nghiệp. Theo đó, nguyên nhân các doanh nghiệp bị làm giả hoặc bị mất thương hiệu là các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu hàng hóa, sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm và sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, từ đó xem nhẹ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với thương hiệu của mình, không chỉ tại thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước.
Một tâm lý phổ biến là để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp thường chờ khi sản phẩm có chỗ đứng tại thị trường nước ngoài nào đó rồi mới nghĩ đến việc đăng ký thương hiệu. Các doanh nghiệp này không nhận thức được rằng nếu muốn kinh doanh thành công và lâu dài, thì trước tiên phải đăng ký thương hiệu ở những thị trường mà có ý định muốn quảng bá sản phẩm.
Qua ý kiến của các doanh nghiệp, với vai trò cá nhân, tôi cho rằng cơ quan chúng tôi đang dốc toàn lực để cải thiện vấn đề này. Hiện nay Bộ Công thương đang thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia. Đây là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Hay đơn giản hơn, chương trình này sẽ góp phần giải quyết những tồn đọng, khúc mắc kể trên.
Có một điều các doanh nghiệp cần luôn nhớ là đừng bao giờ quên vấn đề xác lập quyền sở hữu. Có những thương hiệu lâu đời nhưng bỏ qua khoản đăng ký sở hữu công nghiệp, xác định thị trường của mình nên sau đó đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Nếu có vấn đề gì khúc mắc, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ để được tư vấn kỹ hơn.
Luật sư Đỗ Hải Bình (văn phòng luật sư Quốc Anh, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) |
* Các luật sư nói gì?
Theo Luật sư Đỗ Hải Bình (văn phòng luật sư Quốc Anh, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh): Quy định về hàng giả đồng thời các chế tài việc sản xuất hàng giả hiện nay bao gồm xử phạt hành chính, phạt tiền, xử lý hình sự đã được quy định đầy đủ. Về mức xử phạt hành chính, mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe bởi thực tế nhiều đối tượng bị phạt tù còn chưa sợ.
Điển hình là nhiều vụ việc bị toà đưa ra xét xử gần đây, hầu hết các đối tượng đã có tiền án, tiền sự liên quan đến hành vi này nhưng sau khi ra tù vẫn tiếp tục hành nghề bởi sự siêu lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả đem lại.
Ngoài xử lý hình sự Bộ luật hình sự 2015 còn chế tài cả pháp nhân, mức phạt tiền lên tới 18 tỷ đồng, tước giấy phép doanh nghiệp, mức hình phạt tù về tội danh này cũng tăng nặng hơn so với năm 2009.
Nhưng thực tế, việc tước giấy phép không ngăn chặn được hành vi sản xuất hàng giả bởi những người ý đồ làm ăn gian dối vì họ có thể thành lập công ty mới... Giải pháp cần nhất là cần sự chung tay của nhiều ban ngành, cơ quan chức năng nhất là sự chung tay của người dân, luôn nói “không” với hàng giả.
Luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh |
Luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh: Hàng gian, hàng giả, hàng nhái đang gia tăng và gây nhức nhối toàn xã hội, đã để lại hệ lụy trong đời sống, giảm niềm tin đối với NTD, gây thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, trà trốn gây thất thu ngân sách, triệt đường phát triển cho DN trong nước, gây mất điểm trong mắt nhà đầu tư nhất là những nhãn hàng lớn. Vậy đòi hỏi cần phải chống hàng giả, hàng nhái mới bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ DN chân chính, tạo điểm đến đầu tư an toàn với người nước ngoài.
Vậy nguyên nhân do luật pháp Việt Nam còn nhiều sơ hở, bất cập trong quản lý, chế tài chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó công tác quản lý chưa cao, chồng chéo các cơ quan chức năng, tạo điều kiện để hàng gian, hàng giả phát triển. Trong khi trên thực tế, việc phân biệt hàng gian, hàng giả rất khó vì các đối tượng làm hàng giả giống y chang hàng thật.
Trong khi đó NTD chưa có nhiều thông tin để phân biệt, NTD vẫn còn rất e ngại kiện cáo khi mua phải hàng gian, hàng giả vì chưa nắm rõ luật pháp. Trong thời gian qua, công tác đấu tranh chống hàng gian, hàng giả của chúng ta quyết liệt, cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng nạn hàng gian, hàng giả vẫn còn.
Nguyên nhân: Do nguồn lực của cơ quan chức năng còn hạn chế; NTD sính ngoại, chuộng hàng giá rẻ; Nhiều văn bản ban hành nhưng hiệu lực thực thi còn thấp, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Các văn bản pháp luật chưa chú trọng phòng ngừa... nên cuộc chống hàng giả, hàng nhái còn quá khó khăn.
* Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái cần làm gì?
Thực trạng này khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Vì vậy, để ngăn chặn hàng gian, hàng giả thì cần có sự phối hợp của toàn xã hội. Trong đó là phối hợp của NTD, của DN, của cơ quan chức năng và đặc biệt cần tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ để nói không với hàng gian , hàng giả.
Trong đó, đối với NTD khi mua sả phẩm phải yêu cầu người bán cung cấp thông tin nguồn gốc hàng hóa, các thông tin liên quan đến sản phẩm và đặc biệt là phải có hóa đơn chứng từ. Phải kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. Nếu phát hiện mua nhầm phải hàng gian, hàng giả thì cần thông tin đầy đủ đến cho cơ quan Nhà nước.
Về phía DN thì cần chú trọng quảng bá sản phẩm, hướng dẫn cho NTD đề phòng các thủ đoạn làm giả và kênh phân phối hàng giả, chủ yếu là ở những vùng sâu, vùng xa. DN cần làm đến nơi đến chốn khi phát hiện sản phẩm của DN mình bị làm giả, nhái. Đối với cơ quan Nhà nước thì cần hoàn thiện hành lang pháp lý các văn bản pháp luật.
Ông Phạm Xuân Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần điện tử kinh tế Việt Nam -Vina groups |
Ông Phạm Xuân Huy, tổng giám đốc Công ty cổ phần điện tử kinh tế Việt Nam -Vina groups phát biểu tại buổi tọa đàm nhấn mạnh, hàng hóa đi theo một chuỗi từ nhà sản xuất đến nhà tiêu dùng vì thế muốn ngăn chặn nạn hàng giả thì cần phải quan tâm đến những vấn đề như bảo hộ thương hiệu, khâu phân phối sản phẩm.
Trong đó phân phối qua kênh online, trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn. Theo ông Huy tùy vào chức năng ở khâu nào mà có những xử lý kịp thời ở khâu đó. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải quan tâm hơn tới khâu quản lý luật quảng cáo trên online.
Hiện nay hầu như việc quản lý này đang bị bỏ lỏng. Ở khâu bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có những chính sách khuyến khích người tiêu dùng đưa hàng giả ra ánh sáng và xử lý mạnh và quyết liệt việc vi phạm.
Để công tác xử lý hàng giả đạt hiệu quả cao, cần phải có sự liên kết giữa những lĩnh vực chuyên môn, chuyên sâu, phải đồng bộ hệ thống. Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng nên phối hợp với khâu vận chuyển logistic cho đến khâu thanh toán, có như vậy mới phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm, làm giả.
Ông Trương Văn Ba, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định sẽ tập hợp ý kiến góp ý của đại diện DN và cơ quan chức năng để báo cáo, tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Theo ông Ba, DN và cơ quan có trách nhiệm cần xác định mặt trận chống hàng giả phải thường xuyên, liên tục khi hàng giả có mặt trong mọi chủng loại, lĩnh vực; sản xuất hàng giả diễn ra ở nhiều nơi, thậm chí liên quan đến quốc tế do một số người dân, DN còn ra nước ngoài đặt hàng giả để đưa vào trong nước tiêu thụ.
Từ 2014- 10/2017, cả nước đã xử lý hơn 44,5 ngàn vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng nhái hàng giả. Trong đó có những vụ việc nổi cộm như công ty TNHH TS Việt Nam sản xuất mỹ phẩm giả với giá trị hơn 10 tỷ đồng; công ty Khai Silk bán lụa Trung Quốc trong thời gian dài là những vụ việc điển hình trong sản xuất và kinh doanh hàng giả.
Ông Ba cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn hàng giả hiện nay. Chống buôn lậu và hàng giả là nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành nhưng công tác chống buôn lậu, hàng giả của lực lượng chức năng còn xao nhãng tạo cơ hội cho một bộ phận người dân, DN sản xuất hàng giả đưa ra thị trường.
Vấn đề quy chuẩn, hợp quy, hợp chuẩn chưa được quan tâm đúng mức do nhiệm vụ quản lý chồng chéo giữa các lực lượng, không ai chịu trách nhiệm. Do đó thời gian tới Văn phòng Ban chỉ đạo sẽ tham mưu cho BCĐ 389 Quốc gia làm rõ vấn đề này.
Về nguyên nhân dẫn tới hàng giả tràn lan hiện nay, theo ông Ba, việc buôn bán hàng giả thu lợi nhuận rất lớn, DN người dân vẫn bất chấp pháp luật để sản xuất, kinh doanh hàng giả thu lợi bất chính. Do ham rẻ, người dân ít chịu không quan tâm đến thương hiệu, chất lượng trong khi cơ quan Nhà nước chưa làm cho người dân hiểu được.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của DN cũng cần phải được đặt ra, bởi khi lực lượng có trách nhiệm phát hiện hàng giả, đề nghị DN hợp tác nhưng nhiều DN đã không mặn mà hợp tác để truy tìm, bảo vệ chính mình.
Ông Ba cho biết, BCĐ 389 Quốc gia đã có số điện thoại nóng, bất kể lúc nào phát hiện hàng giả, người dân, DN hãy thông tin để phối hợp xử lý. Việc phối hợp giữa các lực lượng có chức năng còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, chặt chẽ nên thời gian tới sẽ tham mưu cho BCĐ 389 Quốc gia để hoàn thiện kẽ hở này.
Ông Ba khẳng định, chưa bao giờ công tác chống hàng giả được quan tâm như hiện nay, ngoài BCĐ TW và cấp tỉnh, các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã có BCĐ đến cấp quận. Chống hàng giả không có vùng cấm, văn phòng BCĐ sẽ tham mưu cho Chính phủ xác định trách nhiệm chính trị đối với Quốc gia của người đứng đầu địa phương, bộ ngành trong ngăn chặn buôn bán, sản xuất hàng giả.
Ông Ba mong muốn, thông qua công tác tuyên truyền, các cơ quan truyền thông cần tập trung vào các chuyên đề chống sản xuất, buôn bán hàng giả, các DN cần thông qua tuyên truyền để hướng người tiêu dùng nhận biết hàng hóa do DN mình sản xuất, phân phối. Để chặn hàng giả trong thời điểm cuối năm này, Văn phòng BCĐ sẽ tham mưu cho BCĐ 389 Quốc gia thành lập các đoàn kiểm tra để đi kiểm tra công tác chống hàng giả ở các bộ ngành, địa phương để đảm bảo sản xuất, đảm bảo lợi ích của DN và người tiêu dùng. nhưng để chống hàng giả, ông Ba cho rằng cả xã hội cùng chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn.
Qua hơn 2 giờ làm việc, cuộc tọa đàm đã thu được 11 ý kiến của các cá nhân, đại diện nhiều cơ quan ban ngành của trung ương và địa phương. Qua đó, đã làm nổi bật nội dung chính của cuộc tọa đàm muốn hướng tới. Nêu được thực trạng, các doanh nghiệp cũng đã nói lên được những gian nan, khó khăn trong công việc kinh doanh; và kể cả các cơ quan ban ngành cũng gặp không ít khó khăn trong công tác đấu tranh, xử lý hàng giả, hàng nhái và bảo vệ doanh nghiệp.
Đại tá Trần Kim Thẩm đánh giá, với mong muốn sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội để đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, để cùng nhau nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó để tham mưu với Chính phủ, với cơ quan quản lý có biện pháp, giải pháp đấu tranh hiệu quả.