Sự kiện Dừa uống nước Xiêm xanh và Bưởi da xanh của Bến Tre được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý:

Tín hiệu vui cho nhiều nhà vườn đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Năm, 15/03/2018, 08:52
Như Báo CAND đã thông tin ban đầu, 2 loại trái ngon đặc sản của xứ dừa Bến Tre là dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL). 

Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực không chỉ của nhà vườn mà là của cả chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bến Tre. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phấn khởi cho biết, vào ngày 15-3 tới đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tổ chức lễ công bố sự kiện có ý nghĩa này.

Nói đến Bến Tre, nhiều người nghĩ ngay đấy là xứ sở của dừa và nhiều loại cây ăn trái khác, trong đó có bưởi da xanh. Dừa và bưởi da xanh được xác định là cây chủ lực của tỉnh này. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy để phát triển sản phẩm này theo chuỗi giá trị. 

Theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Sở KH&CN, hiện Bến Tre có hơn 70.000 dừa, trong đó có hơn 8.000ha dừa uống nước xiêm xanh (dừa xiêm), với sản lượng cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn trái/năm. 

“Thời gian qua, dừa uống nước xiêm xanh của Bến Tre được tiêu thụ trong và ngoài nước; được khách hàng rất ưa chuộng bởi vị ngọt, thơm ngon, bổ dưỡng. Qua phân tích cho thấy, các chỉ tiêu trong nước dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi so sánh, các chỉ tiêu dinh dưỡng của trái ngon này cao hơn sản phẩm cùng loại các vùng khác”, ông Tân cho biết.

Nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long rất phấn khởi khi hay tin bưởi da xanh của Bến Tre được chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý.

Đối với bưởi da xanh, Bến Tre hiện có khoảng 7.000ha, chiếm gần 1/5 tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh. Tương tự như đối với trái dừa uống nước xiêm xanh, do xuất phát từ đặc thù địa lý, thổ nhưỡng và truyền thống canh tác của nông dân mà trái bưởi da xanh Bến Tre cũng có đặc điểm khá nổi trội so với bưởi da xanh được trồng nơi khác về đặc tính chất lượng, nhất là về độ ngọt, độ chua thấp và đặc biệt rất ít thậm chí không có hạt.

“Chính vì những ưu điểm này mà từ cách đây nhiều năm, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định việc xây dựng CDĐL cho hai loại trái ngon này là rất cấp thiết”, ông Tân cho biết thêm. 

Đối với dân trồng dừa và bưởi da xanh tại Bến Tre, ngay sau khi được biết 2 trái ngon kể trên được chứng nhận CDĐL, nhiều người rất phấn khởi. 

“Lâu nay Bến Tre được biết là nơi có nhiều dừa. Dừa lấy trái của Bến Tre vượt trội hơn nơi khác do trái dừa to hơn, cơm dày và chất béo nhiều hơn, tất nhiên dừa trái này chủ yếu dùng để chế biến thực phẩm, chiết xuất dầu. Còn dừa uống nước xiêm xanh, lâu nay ai cũng khen ngon nhưng cũng chỉ nói ngon chung chung chứ chưa được công nhận gì cả. Giờ khi được CDĐL thì không lẫn lộn dừa nơi khác được, quan trọng là khi bán được giá, dân trồng dừa đỡ vất vả hơn thôi. Nói thật, đi dọc theo QL60, QL57 ngang qua Bến Tre, thấy người đi xe biển số ngoài tỉnh tấp vào mua trái cây, mua dừa xiêm xanh có khi cả mấy buồng… là chúng tôi vui rồi”, nông dân Nguyễn Văn Hoàng (ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre cho biết thêm, thông qua các CDĐL này, Bến Tre càng được người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến.

“Điều đó là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục đưa ra các chính sách đồng bộ trong việc quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững, kết hợp phát triển du lịch và dịch vụ gắn với các đặc sản nông nghiệp của địa phương. Thông qua quá trình thực hiện 2 dự án này, người dân cũng như lãnh đạo địa phương ngày càng nhận thức sâu sắc về vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các đặc sản. Hiện việc bảo hộ CDĐL và tên gọi xuất xứ sản phẩm nông sản đang được Bến Tre xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng nông sản của tỉnh”, ông Vũ nói.

Theo lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, CDĐL là một tài sản quốc gia, được Nhà nước ủy quyền cho địa phương gắn với địa danh quản lý. 

Do vậy, Bến Tre rất quyết tâm khai thác hiệu quả để những tài sản này ngày càng nâng cao giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương đồng thời tạo ra hình mẫu để các địa phương khác có thể tham khảo, nhân rộng, giúp cho chất lượng và giá trị hàng nông sản phát triển một cách bền vững theo xu hướng hiện đại, tận dụng tối đa lợi thế về nông nghiệp của đất nước. 

“Sau khi được chứng nhận đăng ký CDĐL, Bến Tre sẽ tập trung đẩy mạnh thanh lọc, chọn và nhân giống để bảo tồn và nâng chất lượng của 2 trái ngon này. Cùng với đó là xây dựng vườn mẫu, vườn hữu cơ, liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua hệ thống các công cụ quản lý CDĐL nhằm nâng cao chuỗi giá trị; quản lý chặt chẽ nhãn hiệu, xây dựng mã vạch, để truy xuất nguồn gốc tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Tỉnh cũng sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền để người dân, người sản xuất, kinh doanh nhận thức được rằng CDĐL là tài sản chung của tỉnh, của quốc gia nên mỗi cá nhân, tổ chức phải tự ý thức trong giữ gìn và phát triển CDĐL”, ông Tân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách VCCI – Chi nhánh Cần Thơ cho biết, việc quả dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh của Bến Tre được CDĐL là một lợi ích lớn, giúp tăng giá trị của đặc sản này nhiều hơn.

“CDĐL chỉ ra tính đặc thù, đặc trưng riêng của sản phẩm, một cách nào đó khẳng định chất lượng và tính ổn định của sản phẩm đó. Do vậy, khi sản phẩm được chứng nhận CDĐL thì giúp người tiêu dùng tin cậy hơn, trái cây xuất khẩu thuận lợi hơn. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều loại rau củ quả ngon, được xem là đặc sản của ĐBSCL chưa được chứng nhận, điều này đòi hỏi chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vì lợi ích kinh tế chung. Với xu thế công nghệ và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, CDĐL đang được các hãng công nghệ áp dụng thông qua việc truy xuất nguồn gốc, cho nên, CDĐL sẽ là một yêu cầu tất yếu để nông sản của ta tiếp cận nhiều hơn với thị trường thế giới”, ông Lam nói. 

THÁI BÌNH
.
.
.