Tín dụng tiêu dùng phát triển sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế

Thứ Tư, 02/12/2015, 14:50
Sẽ có một lượng vốn rất tốt thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và qua đó thúc đẩy sản xuất, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nếu tài chính tiêu dùng phát triển, đó là nhận định của TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

PV: Xin ông có thể cho biết đôi điều về hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay, ở các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng chiếm tới hơn 60% tổng tín dụng phát hành. Trong khi đó, ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng so với tín dụng đầu tư mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, do đây là thị trường mới. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng sẽ nhanh chóng mở ra hướng kinh doanh mới cho các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam. Nếu tín dụng tiêu dùng phát triển, nó sẽ tạo ra được một lượng vốn rất tốt thúc đẩy cầu tiêu dùng và qua đó thúc đẩy sản xuất, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

TS Nguyễn Đức Kiên.

PV: Ông có giải pháp gì để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Để phát triển tín dụng tiêu dùng, trước hết, phải nâng cao nhận thức của người dân về dịch vụ tài chính này. Bởi hạn chế trong hiểu biết về tín dụng tiêu dùng xuất phát từ cả hai phía. Với người dân, họ vẫn giữ tư duy sản xuất nông nghiệp, thu được bao nhiêu “ăn” bấy nhiêu chứ không có được sản xuất công nghiệp căn cơ. Khi không có sản xuất công nghiệp, họ không có khả năng dự báo nguồn thu trong tương lai, nên khả năng vay là rất khó. Còn về phía các TCTD, họ vẫn cho vay tiêu dùng nhưng phải đảm bảo tính an toàn, do đặc thù rủi ro cao hơn của loại dịch vụ này.

Về giải pháp, theo tôi, trước hết, các cơ quan lập pháp và quản lý nhà nước, cần rà soát lại các văn bản chi phối hoạt động của các mối quan hệ tín dụng tiêu dùng hiện nay, nếu cần thiết sẽ phải sửa đổi. Cần kết hợp giữa TCTD với các nhà cung ứng, nhà sản xuất để tạo thành một chuỗi liên kết bởi nếu không sẽ gặp rủi ro trong việc thu hồi nợ và trả nợ. Khi đã vào chuỗi rồi, khách hàng đồng ý mua mặt hàng này thì TCTD sẽ tài trợ cho khách hàng để họ mua được sản phẩm của nhà sản xuất, cung ứng với giá cả phù hợp. Lúc đó, khách hàng sẽ ký hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng và sẽ lấy sản phẩm về, tiền vay sẽ không phải qua tay khách hàng mà gửi thẳng đến nhà cung ứng, nên các TCTD không sợ thất thoát vì dùng tiền sai mục đích.   

Ở đây, cán bộ tín dụng phải gắn mình với người vay tiêu dùng thì mới cảm nhận được, mới rà soát được khoản cho vay cũng như tư vấn để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Về phía người tiêu dùng, cần xác định rõ việc vay mua sản phẩm hàng hoá đó có thực sự cần thiết với đời sống của mình hay không và phải trả lời được câu hỏi là nếu không có sản phẩm đấy thì mình có phát triển tốt không? Bởi vì phát triển tốt thì có khả năng trả nợ, phát triển bình thường thì khả năng trả nợ yếu.

P.V: Xin cảm ơn TS Nguyễn Đức Kiên.

PV
.
.
.