Tín dụng tiêu dùng: Vay sao để an toàn?

Thứ Năm, 21/05/2020, 07:57
Được ví là “con gà đẻ trứng vàng”, tín dụng tiêu dùng được các công ty tài chính triệt để khai thác. Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại nhiều kênh hơn cho khách hàng lựa chọn, các công ty tài chính cũng đang có nhiều điều tiếng xung quanh vấn đề lãi suất, quá trình đòi nợ…


Vì thế đây là vấn đề đặc biệt được quan tâm tại buổi Giao lưu trực tuyến: Làm gì để thúc đẩy cho vay cá nhân hậu COVID-19, do Kênh Thông tin Kinh tế- Tài chính Việt Nam (CaféF) tổ chức sáng 20/5.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nền kinh tế trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế, bên cạnh những hỗ trợ từ Chính phủ, theo các chuyên gia, cần phải có nguồn vốn đủ cho các doanh nghiệp, người dân tái sản xuất. Khuyến khích tiêu dùng nội địa là một trong “5 mũi giáp công” để nền kinh tế “bật” lên. Số liệu thống kê cho thấy tiêu dùng cá nhân của Việt Nam rất lớn, tương đương 80% GDP.

Tín dụng tiêu dùng được ví là “gà đẻ trứng vàng”.

Tại hội nghị của Thủ tướng với các doanh nghiệp mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng đã cam kết ngành Ngân hàng sẽ cấp đủ vốn và cố gắng giảm sâu hơn nữa lãi suất. Tuy nhiên, ông Hưng cũng khẳng định có thể hạ lãi suất xuống thấp hơn song sẽ không hạ chuẩn cho vay.

Bởi vậy việc doanh nghiệp, cá nhân có phương án kinh doanh và trả nợ khả thi thì tiếp cận nguồn vốn chính thức và lãi suất hợp lý là không khó. Song với các đối tượng khách hàng, nhất là các khách hàng cá nhân dính nợ xấu, bị hạ điểm tín dụng thì không thể tiếp cận được các nguồn vốn chính thức và lúc này lại làm dấy lên nỗi lo tín dụng đen bùng phát.

Vậy làm sao để doanh nghiệp, người dân, các hộ sản xuất tránh được bẫy tín dụng đen, làm sao để tiếp cận được nguồn vốn chính thức với lãi suất hợp lý, an toàn, hiệu quả, những chính sách nào được khuyến nghị để thúc đẩy cho vay cá nhân giai đoạn hậu COVID-19… là câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện nay. Cho vay tài chính được xem là một giải pháp.

Tuy nhiên, xung quanh hoạt động của các công ty tài chính còn nhiều vấn đề “lùm xùm”, trong đó có câu chuyện lãi suất. Vậy cho vay với lãi suất bao nhiêu thì hợp lý và vượt quá bao nhiêu bị xử lý? Hiện nay có nhiều đối tượng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài vào Việt Nam cho vay tín dụng đen (mới đây có trường hợp nhóm người Trung Quốc bị bắt vì cho vay đến 1.000%).

Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết nếu người nước ngoài kinh doanh qua mạng, ở bên ngoài Việt Nam thì khó quản lý được. Chúng ta chỉ quản lý được ở phía tại Việt Nam. Nếu họ hiện diện ở Việt Nam, về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật dân sự, hành chính hay hình sự của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam cũng bị xử lý như đối với người Việt Nam.

Nếu bị khởi kiện ra toà thì sẽ không được thừa nhận phần lãi suất vượt quá 20%/năm. Nếu bị xử phạt về tội Cho vay lãi nặng thì ngoài chịu hình phạt chính, sẽ bị tịch thu toàn bộ số tiền gốc và lãi cho vay phạm pháp.

Riêng về quy định về bảo vệ người cho vay và người đi vay Luật sư Trương Thanh Đức nhận định các cơ chế chính sách, luật liên quan đến việc thu hồi nợ chưa rõ ràng. Vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo nên không có sức ép để người vay trả nợ. Do đó, cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, ví dụ như quản lý tiền lương, tiền ra vào tài khoản mới có hi vọng.

Còn với người dân đi vay vốn, theo ông Đức, không có cơ quan cụ thể, chuyên trách bảo vệ trực tiếp, mà chỉ có các cơ quan liên quan đến việc quản lý hoạt động, đồng thời tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước hay là cơ quan Công an, với vai trò bảo vệ trật tự, trị an xã hội; các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử các tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Có một vấn đề nữa mà nhiều người quan tâm đó là hiện nay, nhiều ngân hàng, công ty tài chính yêu cầu người vay vốn mua bảo hiểm tín dụng. Vậy điều này có đúng quy định? Phân tích cụ thể, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết pháp luật không quy định cụ thể về việc phải hay không phải mua bảo hiểm tín dụng mà là theo thoả thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay vốn.

“Việc mua bảo hiểm tín dụng là cần thiết đối với các sản phẩm tín dụng có mức độ rủi ro cao để bảo đảm sự an toàn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên việc này cũng làm tăng đáng kể chi phí vay vốn của khách hàng”, ông Đức cho biết.

Hà An
.
.
.