Thị trường bất động sản năm 2018 có nhiều tiềm năng phát triển

Thứ Hai, 11/12/2017, 08:03
Đó là nhận định của các nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản khi nhận định về thị trường này năm 2018.


Thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy năm 2017 là lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Tính đến ngày 20-11-2017, tồn kho giảm còn hơn 25.700 tỷ đồng, so sánh với con số 102.800 tỷ đồng trong quý I-2013, tồn kho đã giảm gần 80%.

So với tháng 12-2016 thì đã giảm 5.300 tỷ đồng, tức hơn 17%. Cũng trong tháng 11 vừa qua, TP.HCM có 1.600 giao dịch, tăng 3,2%; Hà Nội có 1.400 giao dịch.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trong 11 tháng của năm 2017, có 4.500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới, tăng 60% về số doanh nghiệp và số vốn, tăng 18,6% về lao động); 155.300 doanh nghiệp xây dựng thành lập mới (tăng 9% về số vốn và 28% về vốn).

Quy mô vốn cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp trước đây lên đến 68 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2017. Mức độ minh bạch thông tin đang cải thiện với số doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng từ 11 doanh nghiệp lên đến gần 60 doanh nghiệp hiện nay.

“Hết tháng 9-2017, doanh nghiệp bất động niêm yết có doanh thu tăng 40%, lợi nhuận tăng 6%. Thị trường, giá cả tăng từ 5-10% ở các phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ khép kín, căn hộ để bán, mặt bằng bán lẻ...”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thống kê, tín dụng tăng trưởng đến hết tháng 11-2017 là 15,3%, dự kiến đến hết ngày 31-12 là 21%, nguồn này không sử dụng trong năm 2017 mà sẽ chuyển qua 2018 để thực hiện. Nguồn lực này cộng với tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm 2018 sẽ tăng trưởng rất mạnh; vì vậy năm 2018 sẽ là năm bản lề để bất động sản tăng trưởng vượt bậc.

“Những yếu tố quan ngoại về vấn đề quốc tế, nhưng điều đó cũng chứng tỏ Việt Nam là một điểm đến ổn định và an toàn, nên chúng tôi lạc quan về sự tăng trưởng thị trường bất động sản 2018. Nhất là tại TP.HCM vừa có cơ chế đặc thù. Trong đó, sẽ không tiến hành thí điểm về đánh thuế tài sản tại TP.HCM”, ông Châu nói.

Thực tế thời gian qua cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, nếu như từ 2009 - 2015 chỉ có 126 trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thì từ sau khi có Luật Nhà ở 2014 đến nay đã có 1.000 trường hợp được cấp sổ đỏ và số lượng người nước ngoài đang tìm mua bất động sản đang tăng lên.

Chính những thay đổi này đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đã có doanh nghiệp bất động sản tiến quân ra nước ngoài tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư.

Mới đây, Tập đoàn FLC đã tổ chức 3 hội thảo tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore về cơ hội đầu tư vào bất động sản và bất động sản du lịch Việt Nam và thu được kết quả rất khả quan.

Tại Hội thảo "Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017 - 2018: Toàn cảnh & Dự báo" được tổ chức mới đây tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia cùng đại diện một số doanh nghiệp bất động sản, đã đưa ra con số khá ấn tượng, đó là năm 2017, ở phân khúc biệt thự, liền kề, tại thị trường Hà Nội, ghi nhận sự quan tâm nhiều nhất từ các nhà đầu tư Singapore (21%), tiếp theo lần lượt là Mỹ (15%), Đức (12%), Úc (8%), Hàn Quốc (7%). Trong khi tại thị trường TP.HCM, sự quan tâm nhiều nhất đến từ các nhà đầu tư Mỹ (37%), tiếp theo lần lượt là Singapore (18%), Úc (7%), Anh (6%), Canada (5%).

Ông Neil MacGregor - Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang có những điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Điểm đầu tiên đó là tăng trưởng GDP của Việt Nam  rất tích cực so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.

Những nhân tố khác có thể thấy như mức độ giải ngân vốn đầu tư  nước ngoài. Tính đến số vốn thực hiện đến ngày 20-11 đã hơn 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức độ chi tiêu cũng chứng tỏ nền kinh tế trong nước phát triển khá ổn định.

Là người trong cuộc, đánh giá về thị trường bất động sản trong năm 2018, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group nhận định thời gian tới, nguồn cung bất động sản sẽ có sự đảm bảo, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Đặc biệt là số lượng dự án xếp hàng thi công và chờ cấp phép đang rất nhiều, do đó việc cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo ông Hưng, năm 2018, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ, đây sẽ là tiền đề cho việc các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển bất động sản, do tính thanh khoản cao, lợi nhuận lớn nên đây cũng là tiền đề cho chu kỳ 10 năm phát triển của bất động sản trong tương lai.

Ông Hưng cho rằng trong 2 đến 3 năm tới, thị trường bất động sản sẽ toàn cầu hóa thực sự, người Việt Nam sẽ dễ dàng đi mua nhà ở nước ngoài và ngược lại - người nước ngoài cũng sẽ mua nhà nhiều hơn tại nước ta.

“Việc xuất khẩu bất động sản sẽ diễn ra ngay tại chỗ, doanh nghiệp sẽ thu được ngoại tệ từ chính các khách hàng cá nhân nước ngoài chứ không phải qua hình thức đầu tư FDI nữa”, ông Phạm Thanh Hưng nói.

Nhận định thị trường năm 2018, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng, thị trường bất động sản tăng trưởng ngoài yếu tố kinh tế, phần quan trọng là nhờ các cơ chế chính sách.

Hiện Luật Đất đai đang được nghiên cứu để sửa đổi với những cơ chế rất mới, như cho phép các doanh nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hình thành các khu công nghệ cao. Luật Đầu tư cũng đang được nghiên cứu sửa để giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở.

Vì vậy ông Khởi nhận định trong giai đoạn tới, trên cơ sở nghiên cứu của các chuyên gia đi trước, cùng với cơ sở thực tiễn thị trường cho thấy, bất động sản 2018 sẽ phát triển mạnh, không có chuyện bong bóng bởi hiện nay Chính phủ đã có công cụ quản lý và giám sát mạnh.

Không những thế dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào bất động sản đang ngày càng tăng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang quan tâm đến và họ cần cơ chế cởi mở, thông thoáng để đầu tư.

Tân Lương
.
.
.