Thị trường bánh trung thu 2018: Cẩn trọng trước những lời... “có cánh” (!)

Thứ Ba, 04/09/2018, 09:55
Bánh trung thu được làm thủ công bằng tay thì chất lượng thế nào, người tiêu dùng rất khó thẩm định được thực, hư. Còn việc quảng cáo bánh trung thu chữa được nhiều bệnh thì rõ ràng không thể tin được. 

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, bánh trung thu (BTT) năm nay chào bán ra thị trường sớm khoảng 2 tháng so với rằm tháng 8. 

So với mùa trung thu năm 2017, năm nay, một số thương hiệu lớn sản xuất sản lượng nhiều hơn khoảng 10%, giá sản phẩm cũng tăng nhẹ, giá nguyên liệu tăng, chi phí công nhân tăng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là BTT của các cơ sở nhỏ sản xuất thủ công, BTT “nhà làm”, BTT handmade cũng đã đón đầu mùa vụ sớm, nhưng chất lượng sản phẩm chưa thể kiểm soát được…

Dự báo thị trường năm nay tăng trưởng khoảng trên 10%, tập trung các thương hiệu lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng tươi ngon. 

Vì vậy, Bibica dự kiến đưa ra thị trường trên 600 tấn sản phẩm (tăng 10% sản lượng so với cùng kỳ năm trước), với trên 60 chủng loại gồm 3 dòng chính: BTT cao cấp, BTT dinh dưỡng và BTT truyền thống. Trong đó, dòng BTT cao cấp có bộ hộp sang trọng, sản phẩm được làm từ những nguyên liệu tốt cho sức khỏe như: Đông trùng hạ thảo, sâm Ngọc linh, tổ yến, hạt chia… 

Cơ quan chức năng kiểm tra một số điểm bán BTT 2018 ở các tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Bibica, nét đặc trưng của BTT 2018 là hướng đến sức khỏe của người tiêu dùng (NTD) nên Bibica cũng đã sử dụng nguyên vật liệu theo tiêu chí tươi ngon, tự nhiên, giảm ngọt, giảm béo.... Như bộ sản phẩm BTT rau củ Thưởng Nguyệt, thiết kế hộp gỗ, nhân bánh sử dụng các loại rau củ từ thiên nhiên như cà chua bi, dâu tằm, cà rốt, hồng dẻo từ Đà Lạt, vỏ bưởi Diễn, dưa lưới Nhật Bản... 

Đặc biệt, có riêng dòng BTT dinh dưỡng dành cho người ăn kiêng và bệnh tiểu đường. Về giá bán, năm nay BTT của Bibica tăng khoảng 3% (do một số nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng), với giá dao động từ 38.000 - 155.000 đồng/cái (dòng bánh phổ thông) và các dòng bánh sang trọng, cao cấp, giá từ 250.000 – 2,2 triệu đồng/hộp. 

Với thương hiệu BTT Kinh Đô, năm nay Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam đưa ra thị trường 11 loại bánh đặc biệt và 64 loại thường, giá bán cũng rất đa dạng, chỉ từ 40.000 đồng/bánh để phù hợp với các phân khúc khách hàng khác nhau. 

Đặc biệt, với hộp BTT có tên gọi “Trăng Vàng Kim Cương Trường Khang” đựng trong hộp sơn mài, có giá lên đến 3,5 triệu đồng/hộp (gồm 6 bánh và một trà). Được biết, sở dĩ hộp sản phẩm BTT này có giá cao do có các vị: cua bát bửu, bào ngư thượng hạng, hải sâm thượng hạng, trà xanh hạnh nhân, hạt sen tứ quý, tôm bách hoa.

Trong khi một số thương hiệu lớn chỉ mới bắt đầu thực hiện việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm... thì các cơ sở nhỏ, sản xuất thủ công cũng đã nhanh nhạy hơn trong việc sản xuất để đón đầu mùa vụ. 

Đặc biệt, BTT “nhà làm”, BTT handmade đã phát triển nhanh chóng và rất hút khách, các loại BTT này được làm từ các cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ, rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội.

Theo ghi nhận của chúng tôi, BTT “nhà làm”, BTT handmade của mùa trung thu năm nay được các chủ sản xuất quảng bá khá đa dạng, đặc biệt là... độc, lạ. Như BTT ngàn lớp (kiểu Nhật); BTT hình các loại thú (thỏ, heo, nhím...). 

Các loại BTT này rất đa dạng màu sắc và được người bán cho biết, màu sắc tự nhiên từ các loại bột rau củ như: BTT có vỏ màu tím là sử dụng bột khoai lang (có nhân khoai môn), vỏ BTT màu đen nguyên liệu được lấy từ than tre (nhân bánh mè đen), màu xanh ngọc là từ nguyên liệu lá dứa (nhân lá dứa), màu vàng là nghệ (nhân đậu xanh, sầu riêng), màu hồng là củ dền (nhân hạt sen)... và các loại BTT đều không sử dụng hương liệu, chất bảo quản, đường hóa học, chất chống mốc, chất tạo màu... nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho NTD. 

Tùy kích cỡ 100-300gr và 1-3 trứng, giá BTT dao động  từ 35.000 – 120.000 đồng/bánh. 

Chị Kim Thanh, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh, là khách hàng ruột của sản phẩm BTT “nhà làm” cũng cho rằng: “Sở dĩ chị thích mua BTT nhà làm là vì ngoài những yếu tố nói trên thì khách hàng còn được đặt theo nhu cầu, sở thích. Khách đặt hàng yêu cầu nguyên liệu, trọng lượng, thành phần... thế nào thì các chủ sản xuất đều thực hiện theo ý của khách hàng, kể cả những kiểu dáng độc, lạ. Vì vậy, các sản phẩm BTT này rất phù hợp cho người sử dụng và làm quà biếu tặng. Đặc biệt, về giá cả, thường thì BTT “nhà làm” có giá rẻ hơn 1/3 đến một nửa so với BTT thương hiệu, mà bánh “nhà làm” luôn được tươi mới vì chỉ sau khi đặt 1-2 ngày là có hàng ngay”. 

Có lẽ, với rất nhiều yếu tố an toàn, thuận tiện như vậy, nên BTT sản xuất thủ công hiện đang rất hút khách hàng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đã có không ít chủ sản xuất kinh doanh BTT “nhà làm”, BTT handmade, với mục đích bán được nhiều hàng đã không ngần ngại quảng cáo quá sự thật, thậm chí quảng cáo BTT còn có tác dụng chữa được nhiều loại bệnh (?). 

Lướt qua một số trang facebook “BTT nhà làm”, chúng tôi thấy có nhiều thông tin BTT có tác dụng “phòng” và “chữa trị” một số bệnh như: BTT nhân khoai môn và vỏ bột khoai lang tím “phòng và hỗ trợ các bệnh về mắt, bệnh ung thư, tim phổi, chống lão hóa và xơ cứng động mạch. Khoai lang tím còn có thể ngăn ngừa sự tổn thương tế bào, chống lại các gốc tự do trong cơ thể, rất giàu protein và các axit amin tốt cho tiêu hóa; các vitamin A, B, C…”. 

Hay: “BTT lá dứa có công dụng: chữa chuột rút, giảm lo âu và căng thẳng, nhuận tràng, chữa đau nhức cơ, trị táo bón, chữa bệnh tiểu đường, chống tăng đường huyết. Do biết được hương vị của người Việt và công dụng tuyệt vời của lá dứa nên BTT “nhà làm”  luôn sử dụng nhân lá dứa và được khách hàng khen ngợi”...

Mặc dù quảng cáo như vậy nhưng thật ra BTT được làm thủ công bằng tay thì chất lượng thế nào, NTD rất khó thẩm định được thực, hư. Còn việc quảng cáo BTT chữa được nhiều bệnh thì rõ ràng không thể tin được. 

Trong khi đó, việc quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh BTT trên mạng Internet trong thời gian qua gần như chưa kiểm soát được hiệu quả, vì phần lớn việc sản xuất kinh doanh BTT trên mạng không có điểm tập kết, số hàng nhỏ lẻ. 

“BTT nhà làm thì để nhà ăn, chứ không được đem bán. Muốn bán, phải đảm bảo các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, phải truy xuất được nguồn gốc BTT để chịu trách nhiệm với NTD; thậm chí nơi bán phải đóng thuế,…”. PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm.

Thúy Hà
.
.
.