Tháo gỡ thủ tục vay vốn, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”

Thứ Hai, 11/03/2019, 09:07
Trở thành vấn nạn bức xúc, gây mất trật tự an toàn xã hội, tín dụng đen đang là vấn đề được các bộ, ngành, cơ quan chức năng ráo riết tìm giải pháp đẩy lùi.

Hiện nay, tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và đời sống của người dân.

Tín dụng đen bùng phát vì thủ tục ngân hàng “hành” dân?

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: “Từ thực tế khảo sát 7 tỉnh, thành phố, có hai nhóm đối tượng một là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá. Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống”.

Theo báo cáo tại Hội nghị, lý do không tiếp cận được vốn ngân hàng là do các đối tượng là công nhân các khu công nghiệp, người lao động nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú không ổn định, thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ. 

Việc triển khai các sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách vẫn còn nhiều hạn chế do phần lớn người dân còn ngại tiếp xúc với ngân hàng, chưa quen sử dụng các sản phẩm cho vay linh hoạt; hầu hết các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống vẫn yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo hoặc cần thời gian để xác nhận bảo lãnh của tổ chức nơi người lao động làm việc, học tập. 

Mặt khác, người dân vẫn cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp nên đã tìm đến các đối tượng cho vay nhanh chóng, thủ tục đơn giản…

Người dân vẫn cho rằng thủ tục vay vốn ngân hàng phức tạp nên đã tìm đến các đối tượng cho vay nhanh chóng, thủ tục đơn giản. Ảnh minh họa

Điều đáng nói là hệ thống ngân hàng đang càng ngày càng phình to; nhiều tổ chức tín dụng tiếp tục được NHNN tiếp tục cấp phép mở chi nhánh, phòng giao dịch. Tuy nhiên, dòng vốn vẫn đang “nước vào chỗ trũng” và vẫn ngoài tầm với đối với nhiều người dân nghèo có nhu cầu vay vốn thật sự. 

Số liệu thống kê, ở 2 địa bàn có tình trạng tín dụng đen bùng phát phức tạp là phía Nam và Tây Nguyên, có đến 78 ngân hàng, công ty tài chính và hàng nghìn quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đầu tư tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng đối với người dân, doanh nghiệp.

Rõ ràng, với số lượng tổ chức tín dụng và công ty tài chính như thế, có thể nói là việc “phủ sóng” đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa tương đối kín. Thế nhưng vì sao người dân vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, dẫn đến tình trạng tín dụng đen bùng phát? 

Lý giải một phần về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tín dụng đen liên quan đến vấn đề thủ tục, thời gian cho vay chứ người đi vay không để ý nhiều đến lãi suất. “Vì thế, cần cải cách thủ tục vay vốn”, ông Yên đề xuất.

Cần có thị trường vay vốn

Một trong những giải pháp để góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen, theo các chuyên gia quan trọng phải đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam hiện có thị trường cho vay tiêu dùng vô cùng nhỏ bé. Chính điều này đã khiến tín dụng đen có mảnh đất màu mỡ để nở rộ. “Đã đến lúc cần một thị trường vay vốn thực sự”, ông Nghĩa nói. 

Theo vị chuyên gia này, để giải quyết vấn nạn tín dụng đen, phải phát triển tín dụng tiêu dùng, thông qua các công ty tài chính và một số các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng các công ty tài chính ít, hơn nữa, lãi suất cho vay còn cao, còn hạn chế trong công tác quản lý khách hàng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng đến chất lượng các khoản vay khác tại ngân hàng thương mại. 

Một điểm đáng chú ý là công tác quản lý Nhà nước đối với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính chưa chặt chẽ, dẫn đến các công ty này biến tướng thành hoạt động cho vay nặng lãi...

Ngân hàng Nhà nước cần giám sát các công ty tài chính.

“Phải có khung pháp lý rõ ràng, hoàn thiện, có sự giám sát của cơ quan quản lý. Hiện nay, NHNN cấp phép hoạt động cho các công ty tài chính nhưng không hề giám sát và cũng chưa có chế tài xử lý. 

Vì vậy, một số công ty tài chính đã có biểu hiện đi chệch hướng, hành xử không khác gì kiểu tín dụng đen. Vì vậy, theo tôi, các công ty tài chính phải được coi như một tổ chức tài chính vi mô, hoạt động theo luật, được giám sát, có chế tài để hoạt động. 

Việc giám sát sẽ là của các NHNN chi nhánh tỉnh, TP. Khi được giám sát, các công ty tài chính sẽ có trách nhiệm báo cáo tài chính, quá trình hoạt động, chỉ số an toàn vốn tối thiểu, quy chế phòng ngừa rủi ro… có bộ máy để hoạt động minh bạch, rõ ràng. 

Điều này không những định hướng các công ty tài chính hoạt động đúng hướng, mà còn tạo niềm tin cho chính những người đi vay, giúp “dọn dẹp môi trường” tài chính đang bị nhiều đối tượng lợi dụng biến tướng” - TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Cùng quan điểm, LS Bùi Quang Tín cũng cho rằng hiện nay, NHNN đang chưa có cơ chế giám sát các công ty tài chính, bởi vậy cần có sự vào cuộc của thanh tra giám sát đối với công ty tài chính, sớm xử lý những tiêu cực phát sinh, tránh dư luận nghi ngại công ty được đội mũ hợp pháp nhưng có những hoạt động chưa hợp pháp.

Về các giải pháp góp phần đẩy lùi tín dụng đen, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết: Ngân hàng đã triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. Hiện tại, dư nợ cho vay tiêu dùng khu vực Tây Nguyên của Agribank đạt gần 15.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% dư nợ cho vay.

Còn ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngân hàng đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…
Nhóm PV
.
.
.