Tăng thuế VAT và những tác động không mong muốn
- Tăng thuế giá trị gia tăng ảnh hưởng thế nào đối với người nghèo?
- Xem lại việc “tăng thuế cao” bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
Người nghèo sẽ khó khăn hơn
Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, trước ý kiến cho rằng, thuế VAT sẽ khiến người nghèo chịu gánh nặng hơn người giàu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, Bộ Tài chính đánh giá tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất VAT không nhiều. Tuy nhiên, phân tích từ phía người tiêu dùng, người nghèo, người thu nhập thấp lại không như ý kiến của Bộ Tài chính.
Nhiều người dân cho biết, từ trước đến giờ, không quan tâm nhiều đến thuế VAT, họ mua thức ăn, đổ xăng… không bao giờ lấy hóa đơn, còn giá cả thì cứ theo thị trường. Dĩ nhiên giá cả này đã được cộng 10% thuế, nếu bây giờ tăng thêm thì gia đình họ sẽ phải mua hàng đắt hơn.
Chị Nguyễn Thị Huấn, Đống Đa (Hà Nội) cho biết, rõ nhất sẽ là hóa đơn tiền điện, tiền nước. Gia đình chị có 4 người, trung bình mỗi tháng sử dụng khoảng 700 nghìn tiền điện, 150 nghìn tiền nước, nếu thuế tăng thêm 2% thì mỗi tháng gia đình chị phải trả thêm gần 20 nghìn cho hai khoản này. Nếu tổng cộng toàn bộ chi phí sinh hoạt ăn uống 4 người và chi phí học hành cho 2 con, mỗi tháng gia đình chị chi tiêu chừng 8 triệu đồng. Tiền thuế VAT hiện đang phải đóng là 800 nghìn đồng, nếu tăng thêm 2% thì số tiền phải đóng nộp tăng thêm 160 nghìn đồng. Số tiền này, hoặc là chị sẽ phải giảm bớt chi tiêu trong mức 8 triệu, hoặc là phải “cấu” vào khoản tiền tích trữ để bù vào.
“Nhìn số tiền mỗi tháng chỉ 160 nghìn đồng thực ra không lớn nhưng với những người thu nhập thấp, giật gấu vá vai như chúng tôi, mỗi đồng đều phải chắt bóp, tính toán sát sao thì đó là con số không nhỏ. Tính ra, mỗi năm cũng mất gần 2 triệu- số tiền này đủ để mua sữa cho cháu bé trong 2 tháng, hoặc coi như phát sinh thêm 1 tháng học phí của cháu lớn" - chị Huân tính toán.
Anh Việt làm ở một công ty xây dựng cho biết, công ty anh chỉ có 10 người, nhận tư vấn thiết kế những gói công trình nhỏ về giao thông, mỗi năm doanh số khoảng 3 tỷ đồng, nộp VAT mất 10% là khoảng 300 triệu đồng, trừ tất cả mọi chi phí chính thức và không chính thức, lương tháng trung bình 6 triệu đồng/người. Lương bớt, trong khi giá cả chi tiêu vì cộng thêm thuế mà tăng lên thì chắc chắn khó khăn sẽ chồng chất khó khăn”.
Còn chị Hoa, một người bán hàng tạp hóa ở Sơn Tây cũng lo lắng khi biết sắp tới hàng hóa sẽ tăng giá nếu thuế VAT tăng lên thêm 2%. “Khách hàng của tôi chủ yếu là anh em làng xóm xung quanh, làm nghề nông nên chi tiêu cũng không dư giả gì, thậm chí có tới gần một nửa khách hàng thường xuyên mua chịu các nhu yếu phẩm như mắm muối, dầu ăn, mì chính, bột giặt… Giờ tăng thuế đồng nghĩa với tăng giá thì khả năng chi trả của khách hàng càng ngày càng khó hơn- tức số lần mua chịu hàng tăng lên".
Người thu nhập thấp chịu nhiều tác động khi tăng thuế VAT. |
Thay vì tăng thuế, hãy quản lý chặt chi tiêu công
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong các sắc thuế, VAT thuộc loại thuế gián thu, một yếu tố cấu thành trong giá. Thuế VAT sẽ khiến giá hàng hóa tăng - kéo theo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong cạnh tranh và quyết định giá bán.
Đặc biệt, trong bối cảnh đang còn nhiều khó khăn về tổng cầu trong nền kinh tế, hàng hóa khó bán huống chi phải chịu áp lực tăng giá. Doanh nghiệp rơi vào các vòng luẩn quẩn: không bán được hàng hoặc không thu hồi được vốn dẫn đến không tái sản xuất được, không đổi mới được công nghệ hoặc không hạ được giá thành và không tăng được chất lượng sản phẩm, hàng hoá lại càng ứ đọng, không bán được...
“Tôi nghĩ là nên thận trọng và tính toán kỹ tác động. Những loại thuế tăng lên đều có ảnh hưởng đến sản xuất. Thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng. Trong bối cảnh tăng trưởng hạn chế, cầu còn trì trệ mà tăng như vậy có nên hay không?”- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phản biện. Thậm chí, ông Long còn cho rằng tăng thuế có thể có lợi trước mắt nhưng lâu dài thì có nhiều hệ lụy. Khi tăng thuế VAT và giảm thuế thu nhập thì người dân sẽ phải gánh thuế, có thể nói là đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên toàn dân.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, khi thuế VAT nâng lên vài % thì tạo nguồn thu khá lớn, dù chi phí thu thấp, nhưng tỷ trọng thu lớn. “Thuế VAT tăng làm cho cầu hàng hóa giảm đi, trong khi hàng thiết yếu không thể không mua. Một bên chúng ta đang nới lỏng tín dụng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cần xem lại. Chúng ta cần có 1 chính sách nhất quán”- TS Nghĩa phân tích.
Về lý do tăng thuế để tăng thu ngân sách, ông Nghĩa cho rằng, thâm hụt ngân sách là vấn đề khá thường xuyên, ít khi có ngân sách cân bằng. Lý do của việc thâm hụt không phải vì không tận thu mà vì chi tiêu quá lớn, nhất là chi thường xuyên. Càng ngày chi thường xuyên chiếm tỷ trọng càng lớn. Bởi vậy, thay vì thu thì sẽ phải giảm chi, chi hiệu quả hơn.
TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, phải xử lý những vấn đề còn tồn đọng như chống tham nhũng, chống lãng phí. Muốn cải thiện ngân sách Nhà nước đòi hỏi phải cải cách cả thu lẫn chi, nếu chỉ cải cách thu mà không cải cách chi không thể đạt hiệu quả.