Tăng cường ngăn chặn buôn khẩu trang qua biên giới

Chủ Nhật, 08/03/2020, 11:00
Ngày 5-3, tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 tổ chức “Hội nghị sơ kết kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến biên giới phía Tây Nam”.

Tại Hội nghị, Đại diện Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, lợi dụng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 các đối tượng đã thu gom khẩu trang y tế, dụng cụ phòng chống dịch để vận chuyển trái phép sang nước ngoài thu lợi nhuận bất chính. Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đã bắt giữ 5 vụ vận chuyển khẩu trang y tế trái phép, thu giữ 44.250 chiếc khẩu trang.

Ông Nguyễn Thành Công, Chánh Thanh tra Sở Công thương tỉnh Kiên Giang cho biết khẩu trang y tế ở Việt Nam bán sang Campuchia lời khá cao. Trung bình giá một hộp khẩu trang bán ở Campuchia hiện khoảng 23 USD (hơn 510.000 đồng), trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 160.000 đồng. Đó cũng chính là lý do khiến khẩu trang Việt Nam xuất lậu sang Campuchia ngày càng phức tạp.

 Không chỉ có tuyến biên giới An Giang, Kiên Giang, nhiều địa phương xảy ra tình trạng “gom” khẩu trang để xuất lậu sang Campuchia. Như tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát (Tây Ninh), lực lượng hải quan Tây Ninh đã liên tiếp bắt giữ 3 vụ xuất lậu gần 140.000 khẩu trang sang Campuchia.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 3-3, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội QLTT số 14 (Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) kiểm tra kho hàng tại đường Lương Thế Vinh, quận Tân Phú, phát hiện gần 1 triệu chiếc khẩu trang không có hóa đơn chứng từ chuẩn bị xuất lậu sang Campuchia, sau đó vận chuyển sang Trung Quốc. Đây là vụ thu gom khẩu trang y tế lớn nhất từ trước đến nay tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Trước tình trạng buôn lậu khẩu trang y tế sang Campuchia, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu mặt hàng khẩu trang y tế, trước mắt các tỉnh Tây Nam cần tăng cường phối hợp, kiểm tra các mặt hàng y tế vận chuyển qua biên giới. Để làm được điều này đòi hỏi các đơn vị, các đoàn liên ngành phải tích cực phát hiện sớm để tránh đầu cơ nâng giá các sản phẩm y tế, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Theo ông Thế, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan thường trực tại địa phương, các lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra và phát hiện tới đâu xử lý nghiêm tới đó nhằm ngăn chặn các đối tượng buôn lậu đưa khẩu trang lậu vào Việt Nam tiêu thụ hoặc đưa khẩu trang y tế ra nước ngoài tiêu thụ.

Cơ quan chức năng đang kiểm tra số khẩu trang bị tạm giữ.

* Ngày 6-3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đã phát hiện một số đối tượng chở những thùng hàng là khẩu trang y tế tập kết lại tại ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu để chuẩn bị vận chuyển sang Campuchia tiêu thụ. Thấy Công an, các đối tượng bỏ chạy để lại hàng hóa chứa 42.250 chiếc khẩu trang y tế các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Được biết, gần đây, lợi dụng do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu khẩu trang y tế của người dân Campuchia tăng cao, các đối tượng lợi dụng địa hình thuận lợi ở khu vực biên giới của huyện Bến Cầu để tập kết vận chuyển khẩu trang trái phép qua biên giới tiêu thụ.

* Lúc 7h30 ngày 6-3, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu, phát hiện xe tải BKS 51D-227.40, do tài xế Nguyễn Phương Đông (SN 1981, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) điều khiển trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, có nhiều nghi vấn nên tiến hành dừng, kiểm tra.

Qua đó, cơ quan Công an phát hiện tài xế xe tải đang vận chuyển 45.675 chiếc khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vụ việc được cơ quan Công an điều tra, làm rõ.

* Tối 4-3, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nam bắt quả tang Lê Thị Duyên (SN 1994) trú ở phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) đang giao dịch, mua bán khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV thuộc địa phận xã Đại Cương, huyện Kim Bảng (Hà Nam).

Lực lượng chức năng thu giữ 6 thùng carton bên trong chứa hơn 12 nghìn chiếc khẩu trang y tế không có tem nhãn theo quy định. Quá trình kiểm tra, Duyên không xuất trình được giấy tờ và hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số khẩu trang trên. Bước đầu Duyên khai nhận, mua khẩu trang trôi nổi trên thị trường qua mạng internet với giá 2 nghìn đồng/chiếc về để bán kiếm lời.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và thu giữ toàn bộ số khẩu trang trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhóm PV
.
.
.