Tăng chất lượng sản phẩm xuất khẩu thị trường Trung Quốc

Thứ Bảy, 05/01/2019, 08:16
Từ trước giờ, doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn quen với khái niệm Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dễ tính. Nhưng hiện nay, hàng rào kỹ thuật cũng như quy định của Trung Quốc đã thay đổi, khắt khe hơn. Do đó, DN cũng phải thay đổi khái niệm, nhận thức mới mong tiếp cận được thị trường xuất khẩu rộng lớn này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ) đạt 23,4 tỷ USD, tăng 25,2% so cùng kỳ. Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông sản  của Việt Nam.

Đặc biệt, trong năm 2018, Trung Quốc đã trở thành thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm khi đưa ra quy định các sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch. Tuy nhiên, phần lớn DN Việt Nam vẫn giữ thói quen xuất khẩu qua các kênh thương mại không chính thức nên mức độ rủi ro gia tăng, DN xuất khẩu thiếu các thông tin, quy định, yêu cầu của thị trường và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các công ty Trung Quốc.

Việc xuất khẩu tiểu ngạch đã khiến sản phẩm của DN Việt Nam bị ép giá, giá cả hàng hóa lên xuống thất thường, không ổn định tại thị trường Trung Quốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam liên tục rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” hoặc được mùa nhưng bí đầu ra.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho rằng, về nguồn nguyên liệu công ty thu mua từ những nhà vườn, vùng nông nghiệp, những vựa cây trồng nổi tiếng khắp cả nước như: chuối rừng U Minh, xoài cát chu Hòa Lộc,... và công ty đã nâng tầm giá trị các loại nông sản, phân phối thị trường địa và xuất khẩu ở khu vực các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, cộng đồng EU và Mỹ. Nhưng Trung Quốc hiện là thị trường lớn của Vinamit.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu lớn vào thị trường Trung Quốc.

Ngay trong ngày đầu năm 2019, Vinamit cũng đã nhận được chứng nhận hữu cơ từ Trung Quốc cấp cho hai sản phẩm mít tươi và mít sấy (gồm sấy chân không và sấy đông khô). Đây là DN đầu tiên của Việt Nam nhận được chứng nhận hữu cơ tại thị trường này. Mặc dù xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ năm 2000, nhưng điều bất lợi là dù chất lượng hàng hóa ngày càng tốt hơn bởi Vinamit thực hiện một cách quy mô và chuyên nghiệp, nhưng khi thiếu chứng nhận của Chính phủ Trung Quốc nên DN vẫn phải bán hàng với giá thấp và bị cạnh tranh gay gắt với hàng giả, kém chất lượng. Vì vậy, khi có chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc, sản phẩm của DN sẽ được Chính phủ giám sát hiệu quả hơn.

Nói về mức độ khắc khe của thị trường Trung Quốc, ông Viên dẫn chứng: Dù Vinamit đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ và EU, vẫn đang xuất hàng qua các thị trường khó tính nhất, nhưng khi đến với thị trường Trung Quốc, Vinamit vẫn phải đăng ký lại từ đầu để được hướng dẫn và theo dõi quá trình thực hành tiêu chuẩn hữu cơ trong 3 năm liên tiếp và phải tiếp nhận kiểm tra nghiêm ngặt của đoàn đánh giá chứng nhận hằng năm.

Theo đó, họ chỉ đánh giá chứng nhận những cây đã có trái và có thể thu hoạch, kiểm tra ngay tại nông trang, đếm thực tế tổng số cây, sản lượng trái và chỉ cấp cho đúng diện tích trồng, số cây và sản lượng trái tương ứng. Những loại cây khác dù trồng trên đất và phương pháp, qui trình tương đồng mà chưa có trái thì họ cũng chưa chứng nhận.

Một điểm khác biệt quan trọng của chứng nhận hữu cơ Trung Quốc so với các chứng nhận khác, đó là DN phải mua tem và dán tem trên từng gói sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Để xuất khẩu và xây dựng được thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, DN Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra như nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, sản phẩm phải kiểm dịch kiểm nghiệm, cung cấp thông tin tình hình trồng trọt, nơi sản xuất, bao gói ghi rõ tên sản phẩm, ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung...

T.Hà
.
.
.