TP Hồ Chí Minh không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu

Thứ Hai, 21/06/2021, 07:55
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục thực hiện đợt giãn cách thứ 2 và mới đây, đã ban hành chỉ thị tạm dừng các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết và ngưng hoạt động chợ tự phát.

Bên cạnh đó, một số chợ, siêu thị cũng đã phát hiện trường hợp mắc COVID-19 phải tạm dừng phục vụ, khiến người dân hết sức lo ngại trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu …

Hiện nay, 3 chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đáp ứng khoảng 70%  lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân toàn thành phố. Trung bình mỗi ngày đêm, các chợ có khoảng 30.000 lượt người ra vào, lúc cao điểm lên đến 50.000 lượt, nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Nhằm bảo đảm cho các tiểu thương cũng như người dân đến đây mua bán được an toàn, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị lãnh đạo TP Thủ Đức, các quận, huyện và đơn vị quản lý 3 chợ đầu mối tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp, phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ.

Tuy nhiên, tối 18/6 lực lượng kiểm tra phát hiện 1 ca dương tính COVID-19 (kết quả test nhanh lần 1) làm nghề bốc vác tại chợ đầu mối Bình Điền. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã phun khử khuẩn toàn diện chợ Bình Điền, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ.

Ngày 19/6, Big C (đường Tô Hiến Thành, quận 10) cũng bất ngờ thông báo ngưng hoạt động, do có một ca F0 vào siêu thị mua sắm. Tiếp đó, chiều 19-6, khi UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND, nhiều người dân lo ngại nguồn cung lương thực, thực phẩm bị đứt gãy, cung không đủ cầu.

Theo Sở Công thương thành phố, kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát tới nay, hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn đảm bảo an toàn.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để chủ động tạo nguồn hàng cung ứng cho thành phố, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương, vào ngày 17/6 vừa qua, Sở Công thương đã tổ chức họp giao ban trực tuyến với 22 tỉnh/thành Đông - Tây Nam Bộ để trao đổi thông tin hai chiều, dự báo tình hình thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương, thống nhất giải pháp hỗ trợ đảm bảo lưu thông, vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh/thành.

Siêu thị trong những ngày giãn cách ít người đến mua sắm, chủ yếu đặt hàng online để giao tận nhà.

Liên quan vướng mắc trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ các địa phương về TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, vướng mắc lớn nhất đó là quy định tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào các địa phương, nhưng thời gian công nhận kết quả đó các địa phương lại không giống nhau, có nơi 24 giờ, có nơi 36 giờ, hoặc 70 giờ.

Chính vì vậy đã xảy ra việc tài xế đi từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh có khi quá quy định xét nghiệm của địa phương đó, nên buộc phải quay xe về, gây mất thời gian trong vận chuyển lưu thông hàng hóa. Vì vậy, đề xuất Bộ Công Thương có kiến nghị để các địa phương thống nhất thời gian áp dụng giấy xét nghiệm.

Kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nhất là đợt dịch bùng phát lần thứ tư này thì phần lớn người dân đã chuyển sang mua hàng của các siêu thị, cửa hàng bách hóa, đặt hàng chủ yếu qua hình thức online, giao nhận tận nhà. 

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, các quầy sạp kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ… phần lớn đóng cửa vì không có người mua. Chỉ một số ít quầy kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn còn hoạt động.

Xác định tiểu thương là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt dịch lần này, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tiểu thương tại chợ truyền thống bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong 6 tháng tới.

Cụ thể, Sở Công thương đề xuất trích ngân sách hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống bị ảnh hưởng dịch bệnh với mức hỗ trợ tương đương năm 2020 là giảm 50% phí thu chợ từ tháng 7 - 12 năm nay.

Trong đó, 14 chợ hạng 1 có mức hỗ trợ 100.000 đồng/m²/tháng; 52 chợ hạng 2 hỗ trợ 70.000 đồng/m²/tháng; 168 chợ hạng 3 hỗ trợ 50.000 đồng/m²/tháng. Với tổng cộng gần 60.000 điểm kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tổng mức hỗ trợ hơn 76 tỉ đồng.

Theo Chỉ thị số 10/CT-UBND vừa được UBND TP Hồ Chí Minh ban hành, thành phố sẽ tăng cường thêm các biện pháp như: Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát; không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K.

Thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch COVID-19 của các cá nhân, tổ chức. Mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Cách ly, phong tỏa cách ly khu vực nguy cơ cao. Tạm dừng vận chuyển hành khách công cộng…
T.Hà

.
.
.