TP HCM hướng đến phát triển kinh tế về đêm để thu hút du khách

Thứ Hai, 26/10/2020, 08:26
Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa, cho biết, qua khảo sát của đơn vị tư vấn, hoạt động kinh tế về đêm đang là phân khúc thu hút cả khách du lịch nội địa và du khách quốc tế, phân khúc này được đánh giá là có tiềm năng trong thời gian tới.

Hiệu quả kinh tế về đêm

Hiện TP HCM có hai tuyến phố đi bộ cấp thành phố là Nguyễn Huệ (hoạt động từ năm 2015) và Bùi Viện (hoạt động từ năm 2017). Cả hai phố đi bộ này đều nằm ở quận 1. Phố đi bộ Bùi Viện dài gần 1km, có hơn 180 hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn, khách sạn… Những lúc cao điểm trước khi dịch bệnh COVID-19, vào mỗi buổi tối có hơn 2 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến phố Bùi Viện tham quan, vui chơi, giải trí, ẩm thực. Hàng năm, các cơ sở kinh doanh ở đây đóng thuế hàng tỷ đồng, riêng năm 2019 khoảng 6 tỷ đồng.

Còn phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, vui chơi,… kinh doanh dịch vụ xung quanh cũng phát triển, đem lại nguồn thu nhập tốt cho người dân và doanh nghiệp. Nơi đây còn là điểm sinh hoạt văn hoá của người dân cũng như tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của thành phố. Chính vì hiệu quả của phố đi bộ đem lại thời gian qua, thành phố dự kiến mở thêm một số tuyến phố đi bộ. 

Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, có thể tổ chức thêm các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm như tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thi Sách, Thái Văn Lung,... thuộc các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão (quận 1).

Theo một số chuyên gia kinh tế, hiện cả TP HCM vẫn đang phát triển kinh tế đêm và đây không phải là điều mới. Vì nhiều nước trên thế giới từ lâu đã tổ chức các tuyến phố đi bộ đêm để thu hút du khách ăn uống, vui chơi, giải trí và mua sắm về đêm, đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế. Cái chính là phải tổ chức những con phố đặc trưng, có điểm nhấn và đảm bảo an ninh trật tự, chứ không thể là nơi tạp nham, lộn xộn.  Vì ý thức của một bộ phận người dân và du khách, kể cả người tham gia các hoạt động dịch vụ tại các tuyến phố đi bộ chưa cao, nhất là phố đi bộ Bùi Viện, tình trạng xả rác, sinh hoạt thiếu vệ sinh, thái độ ứng xử thiếu văn minh… còn tồn tại, thậm chí có lúc mất trật tự.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP HCM, hiện nay các sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm của thành phố còn rất hạn chế. Du khách đến thành phố vào cuối tuần, khi đêm xuống chỉ ở khách sạn, rất đáng tiếc. Cho nên, mở rộng các tuyến phố đi bộ gắn với phát triển kinh tế là cần thiết. 

Du khách đến TP HCM để công tác, học tập, tham quan du lịch trong một thời gian nhất định, ban ngày thực hiện công việc nên chỉ tranh thủ ít thời gian buổi tối để khám phá thành phố. Nếu không có điểm hoạt động kinh doanh, ẩm thực, điểm sinh hoạt văn hoá về đêm sẽ làm cho du khách dễ chán và người dân cũng như thành phố mất đi một khoản thu rất lớn. 

"Đây là định hướng rất tốt để phát triển kinh tế đêm và thu hút du khách. Nó cũng góp phần giảm sự quá tải ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Vấn đề là quy hoạch phát triển 2 bên đường phố đi bộ làm phần nào ra phần đó, hấp dẫn, tránh làm tràn lan, dàn trải, nhiều khi chưa có sự chuẩn bị tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ", bà Khánh nói.

Phố đi bộ Bùi Viện thu hút nhiều du khách nhưng cần xây dựng khu khố văn minh.

Phải có điểm nhấn đặc trưng

Theo các chuyên gia, việc đưa hoạt động các tuyến phố đi bộ đem lại nguồn lợi kinh tế, nhưng khi triển khai thực hiện cần đánh giá tác động đến việc kinh doanh buôn bán của người dân ở đây, cũng như việc tổ chức giao thông phải thuận tiện. 

Cần phải tổ chức đồng bộ về giao thông, có hệ thống hỗ trợ phía sau phố đi bộ; đặc biệt phải dự đoán được lượng khách đến bao nhiêu người, phải đảm bảo được chỗ đậu xe, nhất là xe lớn đưa khách du lịch đến được và thoát được, chưa kể là người dân địa phương đi lại bằng phương tiện cá nhân. 

Theo dự kiến, đường Đồng Khởi sẽ được tổ chức làm phố đi bộ, nhưng đây là đường hỗ trợ cho phố đi bộ Nguyễn Huệ. Như vậy, phương tiện sẽ dồn vào đường Hai Bà Trưng, nhưng hiện nay con đường này cũng xảy ra ùn tắc giao thông. 

“Bất cứ một điểm nào cũng vậy, phải có bãi đậu xe thì mới vận hành tốt. Tuy nhiên, ở những con đường trong trung tâm thành phố hiện nay khó có địa điểm để tổ chức bãi xe lớn, mà có bãi xe thì cái chính là lúc vào và ra khu vực phố đi bộ này phải thuận lợi”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết. 

Từng có nhiều năm làm việc tại Singapore, kiến trúc sư Khương Ngọc Huy cho biết, tại Singgapore, tất cả những phố đi bộ, mặt tiền chỉ để buôn bán và cho người đi bộ, không cho xe lưu thông; còn ở phía sau lưng con phố có đường để xe chuyên chở hàng hoá đến và bãi đậu xe. Những nhà hàng ở đây chỉ buôn bán hàng hoá chứ không được ở. Còn phố đi bộ ở Việt Nam không được quy hoạch từ trước và người dân tận dụng vừa dùng để ở, vừa kinh doanh buôn bán nên hiệu quả sẽ bị giảm và làm cho du khách mau chán. Chẳng hạn muốn đến khu vực phố đi bộ, phố ẩm thực nhưng tìm mãi mới có bãi giữ xe hoặc bãi xe ở quá xa thì đến nơi không muốn ăn uống thưởng thức thực phẩm nữa… 

“Hiện xây dựng phố đi bộ của mình chủ yếu dựa hoạt động hàng ngày thấy khu vực đó thanh niên đến nhiều thì cho là phù hợp. Phù hợp về mặt kinh doanh thì được, nhưng giá trị về điểm nhấn kiến trúc, về đô thị thì không có. Xây dựng phố đi bộ để du khách trong, ngoài nước đến đây phải có dấu ấn là điểm đến đáng nhớ và phải có giá trị về kiến trúc, về văn hoá, thương mại. Hiện mình xây dựng phố đi bộ mới chỉ có giá trị về mặt thương mại”, ông Huy cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Sở Du lịch thành phố đã xây dựng đề án phát triển kinh tế về đêm với hai nhóm giải pháp chính: Thứ nhất là hoàn thiện và nâng cao chất lượng về nhân sự, dịch vụ, cơ sở vật chất của các cơ sở giải trí về đêm; đảm bảo công tác an toàn và an ninh cho các hoạt động giải trí này; tập trung cho công tác truyền thông và quảng bá các dịch vụ giải trí về đêm đến các thị trường mục tiêu. 

Thứ hai là tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ để tăng hoạt động kinh tế về đêm như: Tăng cường hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật và phát triển các khu ẩm thực, khu mua sắm. Sở Du lịch cũng phối hợp với doanh nghiệp để rà soát lại các sản phẩm du lịch, từ đó xây dựng thêm những sản phẩm du lịch nhằm kích cầu du lịch nội địa. Ngoài ra, tranh thủ mùa thấp điểm của du lịch để triển khai công tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực của ngành và chuẩn bị nhân lực du lịch cho thời gian sắp tới.

Mô hình phố đi bộ tại TP HCM – “đầu tàu” kinh tế của cả nước thời gian tới cần quy hoạch bài bản và có sự phối hợp của nhiều ngành để công tác triển khai điều chỉnh, tổ chức hoạt động được bài bản hơn; đảm bảo các tiêu chí an toàn, hiệu quả, văn minh, thu hút khách du lịch, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Nguyễn Cảnh
.
.
.