Siết chặt quản lý cho vay đối với các công ty tài chính

Thứ Hai, 01/04/2019, 09:29
Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Đào Minh Tú trước thực trạng nhiều công ty tài chính cho vay tiêu dùng đang đẩy lãi suất lên cao ngất ngưởng, kéo theo hiện tượng thuê đòi nợ với các hình thức không khác gì tín dụng đen. Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định sẽ đưa các công ty tài chính vào khuôn khổ quản lý.


Chỉ được đòi nợ “chính chủ”

Mới đây, NHNN công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng với một nội dung đáng chú ý, đó là các công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty.

Việc bổ sung quy định này vào thông tư được cho là do bối cảnh thực tế trong thời gian qua, việc đòi nợ của các công ty tài chính đang “có vấn đề”. Đáng chú ý, ngoài việc đòi nợ “chính chủ”, các công ty này còn tìm đến những mối quan hệ ruột thịt của con nợ để gây áp lực tinh thần. Vì vậy, đã xảy ra cả những vụ việc có những người dù không vay tiền của công ty tài chính, song vẫn bị nhân viên của công ty này thường xuyên gọi điện đòi tiền, thậm chí có những lời lẽ hăm dọa. 

Điều này phổ biến đến mức giữa năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan này ghi nhận rất nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích đe dọa, nhắc nợ dù không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan. 

Dù đã thông báo về việc bị gọi nhầm và đề nghị đơn vị liên hệ kiểm tra lại thông tin, các thuê bao này vẫn tiếp tục bị gọi điện nhắc nợ, một số trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục trong 6 tháng, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc/ngày.

Công ty tài chính không được bán nợ cho các đối tượng “xã hội đen”. (Ảnh minh họa)

Trước tình trạng phức tạp của hoạt động này, NHNN bổ sung quy định về hoạt động nhắc, đòi nợ. Đối với công tác thu hồi nợ, dự thảo Thông tư sửa đổi điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN. Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính. 

Thông tin về quy định này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, NHNN sẽ siết chặt việc đòi nợ của các công ty tài chính, nghiêm cấm bán nợ cho các công ty đòi nợ thuê. 

“Việc này nhằm ngăn chặn để các công ty tài chính không thể bắt tay “xã hội đen” đòi nợ. Lâu nay có tình trạng người đi vay chây ì, địa chỉ đúng, nhưng gian dối trốn nợ, vì bất lực trong thu hồi nợ nên các công ty tài chính đã kết hợp với “xã hội đen” dùng các biện pháp khủng bố và thực tế đã gây ra những hệ lụy xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Vì thế, NHNN sẽ kiểm soát các công ty tài chính, nếu bán nợ cho các tổ chức khác sẽ có biện pháp xử lý ngay. Chúng tôi đang kiến nghị quản lý chặt những công ty đòi nợ. Hiện lực lương Công an cũng đã rà soát, “sờ gáy” nhiều công ty đòi nợ trá hình, dùng “xã hội đen” gây phức tạp an ninh, trật tự xã hội”, ông Tú cho biết.

Không được cho vay quá 100 triệu đồng

Để quản lý các công ty tài chính, Phó Thống đốc Đào Minh Tú còn cho biết sẽ  khống chế mức lãi suất cho vay. Cụ thể, sẽ có khung lãi suất đối với từng đối tượng cho vay. 

“Hiện nay về luật thì vẫn quy định lãi suất cho vay là thỏa thuận giữa người đi vay và cho vay, nhưng nếu anh đưa ra mức lãi suất cắt cổ, thì dư luận xã hội, đạo đức xã hội không thể chấp nhận được, và NHNN sẽ điều tiết để hạn chế. Chúng tôi không đặt ra trần lãi suất, nhưng có khung quy định theo từng đối tượng, loại hình bao nhiêu để giám sát áp vào. Nếu lãi suất cao quá, NHNN sẽ có hình thức, biện pháp vừa phù hợp với luật mà không tham gia, can thiệp thô bạo vào các tổ chức tín dụng một cách trái luật”, ông Tú cho biết.

Thông tin thêm, ông Tú cho biết, hiện nay công ty tài chính tiêu dùng là kênh cho vay tích cực để mua hàng, cho vay sinh hoạt với thủ tục cực kỳ nhanh gọn. Mặt trái là một số đối tượng đi vay có ý đồ lừa đảo, man trá giấy tùy thân: chứng minh giả, hộ khẩu giả, người này làm chứng cho người kia nhưng cũng có tính chất dối trá. Do rủi ro mất vốn nhiều, nên các công ty này phải đẩy lãi suất lên cao để bù đắp. 

“Với mặt trái này, NHNN đã và đang vào cuộc rất tích cực, đang xử lý quản lý địa bàn hoạt động của các công ty tài chính, đưa vào khuôn khổ quản lý, có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước tại tất cả các địa phương. Thứ 2 là khống chế mức độ để người vay và người đi vay không thể vượt quá giới hạn đổ vỡ lớn. Ví dụ mức vay không quá 100 triệu, trên 100 triệu là nhu cầu lớn, không thể sáng vay chiều cần có ngay theo kiểu vay nóng. Vì các khoản vay lớn, tầm 200 triệu nếu muốn vay phải có chương trình, kế hoạch, nội dung. Chính sự phân định này là để giúp người dân không phải chịu rủi ro và ngăn chặn tín dụng đen xâm nhập”, ông Tú cho biết.

Hà An
.
.
.