Sản phẩm OCOP hướng tới tiêu chuẩn quốc tế

Thứ Tư, 11/11/2020, 07:24
Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình quốc gia, trọng tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị. Thời gian qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều sản phẩm OCOP đã được chứng nhận và khẳng định chất lượng sản phẩm.


Theo tiêu chí đánh giá OCOP, sản phẩm được xếp hạng từ 1 đến 5 sao tương ứng với khung điểm theo quy định, tối đa 100 điểm. Trong đó, sản phẩm đạt 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh có thể nâng cấp lên hạng 5 sao. Còn sản phẩm 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao. Đến nay Cần Thơ đã có 3 quận, huyện có sản phẩm OCOP là Thốt Nốt, Ninh Kiều và Cờ Đỏ với tổng cộng 19 sản phẩm, gồm 5 sản phẩm 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao.

Chúng tôi tìm đến phường cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt và được chính quyền địa phương giới thiệu ông Chương Văn Khanh, một nông dân có sản phẩm mắm cá tra vừa được xếp hạng OCOP 4 sao. Ông Khanh kể, hơn 4 năm trước, ông nuôi 6 ao cá tra, mỗi vụ bán ra khoảng 4.000 tấn. Thế nhưng do giá cá bấp bênh, trồi sụt thất thường nên ông nghĩ đến chuyện lấy cá tra nguyên liệu làm mắm.

“Ban đầu tôi chỉ làm để nhà ăn hoặc biếu hàng xóm. Khi thấy nhiều người khen mắm ngon, tôi cùng vợ quyết định làm mắm cá tra bán. Khoảng 9 tháng trước tôi gửi hồ sơ tham gia chương trình OCOP và đã được chứng nhận”, ông Khanh kể.

Cần Thơ có 19 sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP.

Để được chứng nhận OCOP, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Môi trường ao nuôi  thế nào, thức ăn của cá là gì,… đều phải khai báo, tuyệt đối không để nhiễm kháng sinh. Cho đến công đoạn chế biến, muối, ướp cá cũng phải khai báo rõ ràng.

“Sản phẩm đạt được chứng nhận, tôi rất vui và hiện nay ai đến Tân Lộc cũng biết đến đặc sản này”, ông Khanh thông tin thêm. Mỗi tháng cơ sở của ông Khanh bán ra thị trường khoảng 1 tấn mắm với giá 120.000 đồng/kg. Sau khi đạt chứng nhận OCOP, ông Khanh kỳ vọng đặc sản này sẽ được đưa vào siêu thị, đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, khẳng định: “Đối với những sản phẩm đặc sản đạt chứng nhận OCOP, thông qua các kỳ hội chợ tại Cần Thơ và các tỉnh ở ĐBSCL, xúc tiến thương mại hay các chương trình kết hợp phát triển du lịch, chúng tôi sẽ phối hợp để trưng bày sản phẩm OCOP, giúp quảng bá sản phẩm. Kế hoạch trong năm nay Cần Thơ có 20 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sở đang xây dựng chuỗi, chứng nhận an toàn để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng”.

Tương tự, tranh gạo của anh Khưu Tấn Bửu (ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều) vừa được xếp hạng OCOP 4 sao vào ngày 27/10 vừa qua. “Mặc dù tranh gạo được chấm 4 sao nhưng qua các ý kiến của hội đồng, tôi nhận thấy sản phẩm vẫn còn nhiều thiếu sót. Công ty sẽ chú trọng hơn về hình thức, khung tranh cũng như logo để sản phẩm hoàn thiện hơn khi đến tay người tiêu dùng”, anh Bửu nói.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố đánh giá cao việc các tổ chức, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, tận dụng nguồn nguyên liệu nông sản sẵn chế biến, hình thành sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao. Chủ tịch Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP yêu cầu các tổ chức, cá nhân cần quan tâm hoàn thiện sản phẩm, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên về giải pháp nhằm thực hiện tốt các khâu liên kết sản xuất, quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng bao bì, nhãn hiệu, đảm bảo đúng và đầy đủ thông tin theo quy định.

Năm 2019, tỉnh Đồng Tháp đã công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 đến 4 sao cho 70 sản phẩm của 30 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. 23 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao như: bánh phồng tôm, phở, bún, hủ tiếu, bột gạo, khô cá lóc, khô cá sặc rằn, xoài, quýt hồng, nem…

Thời gian qua, OCOP tại Đồng Tháp được lồng ghép trong nhiều chương trình khởi nghiệp, làng thông minh và du lịch. Tỉnh Trà Vinh cũng tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị, có sức cạnh tranh cao. Tỉnh Trà Vinh phấn đấu mỗi xã có một sản phẩm OCOP bảo đảm tiêu chuẩn, thương hiệu quốc gia và tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao.

Tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện đề án chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2023, toàn tỉnh sẽ có hơn 80 sản phẩm OCOP. Trong năm 2020, tỉnh khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư bài bản về dây chuyền sản xuất, chú trọng chất lượng các sản phẩm OCOP tiềm năng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Trong đó, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung cũng như phát triển sản phẩm theo chuỗi.

“Chúng tôi tập trung phát triển ý tưởng sản phẩm mới, đánh giá trị trường, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm mẫu. Ngoài ra cũng tư vấn, hỗ trợ sản phẩm của các đơn vị tham gia chương trình OCOP trong xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì. Đặc biệt là xây dựng và quản lý có hiệu quả chứng nhận OCOP trở thành chứng nhận mạnh của tỉnh Sóc Trăng trên phạm vi cả nước và thị trường quốc tế”, ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin.

Tại Vĩnh Long có 19 sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc chương trình OCOP được công nhận sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Qua đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Long, việc triển khai chương trình OCOP có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Khi triển khai thành công giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường. Chương trình OCOP tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Việc này góp phần làm giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố.

Chương trình góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế khu vực nông thôn.

Như Anh
.
.
.