Rủi ro chực chờ nhà đầu tư chứng khoán
Cùng với đó, làn sóng phẫn nộ về tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục dâng cao.
Sau 2 phiên lao dốc, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có phiên giao dịch nhiều sắc xanh trong ngày 9/6. Thị trường “có sóng” được xem là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư chốt lời.
Tuy nhiên, tình trạng nghẽn lệnh vẫn tiếp tục tái diễn khiến cho mọi cơ hội của nhà đầu tư đều bị biến thành rủi ro.Trước đây, nghẽn lệnh chỉ diễn ra trong phiên buổi chiều và chỉ trong vòng vài phút, thì nay, tình trạng này diễn ra cả phiên sáng, và nghẽn cả 5-6 phút là… “chuyện thường ngày ở huyện”.
Điều này khiến cho cơ quan chức năng đã phải “ra tay” áp dụng một loạt biện pháp để hạn chế. Song, biện pháp nào cũng đều “động chạm” tới quyền lợi nhà đầu tư như nâng lô giao dịch, đóng cửa giao dịch hay cấm nhà đầu tư hủy, sửa lệnh giao dịch.
Riêng với việc cấm nhà đầu tư hủy, sửa lệnh giao dịch mới được thực hiện trong mấy phiên gần đây nhưng đã gây bức xúc dâng cao trong dư luận.
Theo đó, các CEO của các công ty chứng khoán (CTCK) giữ thị phần gần 70% trên thị trường được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kêu gọi ủng hộ giải pháp chặn, hủy sửa lệnh trên HOSE.
Theo một số thống kê, động thái này đã làm giảm tỷ lệ hủy/sửa lệnh từ mức bình quân 33,5% xuống còn 10,64% trong phiên thanh khoản sàn HOSE tăng vọt lên 31.300 tỷ đồng.
Ước tính, thêm 200.000 lệnh đã được khớp. Tuy nhiên, quyết định này cũng đã khiến không ít nhà đầu tư trả giá, đặc biệt khi thị trường đảo chiều như 2 phiên giao dịch đầu tuần này. Điều đáng nói là trong khi các CTCK lớn chặn hủy, sửa lệnh của nhà đầu tư hiện vẫn có những CTCK nhỏ cho phép hủy, sửa lệnh.
Tình trạng này khiến thị trường mất tính công bằng, vi phạm nguyên tắc vận hành của TTCK.Tâm lý nhà đầu tư bị ức chế, dẫn đến giao dịch thiếu sáng suốt và thua lỗ khi phải dùng lệnh thị trường để bán mua bằng mọi giá.
Nhà đầu tư bức xúc vì bị cấm hủy, sửa lệnh. |
Trên các diễn đàn, hàng loạt nhà đầu tư phẫn nộ đề nghị lãnh đạo HOSE từ chức. Rất nhiều diễn đàn đã lập ra các topic đề nghị HOSE ngừng giao dịch, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đồng thời, kêu gọi lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, HOSE phải chịu trách nhiệm và có lời giải thích thoả đáng.
Trở lại với diễn biến thị trường, sự rung lắc cực mạnh trong thời gian gần đây cũng khiến không ít nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm F0 hoang mang.
Đáng chú ý, giao dịch của nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài như hai thái cực. Nếu như các nhà đầu tư trong nước liên tục đổ tiền vào thị trường thì khối ngoại cũng đang liên tiếp lập kỷ lục về giá trị bán ròng. Tuần qua, giá trị bán ròng của họ lên đến 6.206 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 1 tuần giao dịch.
Theo ông Lê Văn Thành, Chuyên viên phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), giá trị bán ròng của khối ngoại lên mức kỷ lục, trong khi dữ liệu của dòng tiền cho thấy, lực cầu ở thời điểm hiện tại chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư F0.
“Sự hưng phấn quá đà của của giới đầu tư lúc này đang đẩy nhiều cổ phiếu vào trạng thái quá mua và điều này đồng nghĩa với việc thị trường đang ở trong trạng thái rủi ro nhiều hơn so với cơ hội”, ông Lê Văn Thành cảnh báo.
Cũng cảnh báo rủi ro, nhiều chuyên gia cho rằng tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện rất lớn và phần đông trong số này theo trường phái đầu cơ là chính.
Chính yếu tố đầu cơ làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam có độ biến động lớn và rủi ro cao, đặc biệt là khi chỉ số tiếp cận tới những đỉnh cao mới. Những phiên giao dịch chỉ số lao dốc mạnh trong những tháng đầu năm nay là minh chứng rất rõ ràng cho điều này.