Nhiều chiêu tuồn iPhone lậu vào Việt Nam

Thứ Ba, 02/02/2021, 18:16
Thời gian qua Tổng cục Hải quan đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lậu điện thoại Iphone vào Việt Nam, thủ đoạn buôn lậu điện thoại của tội phạm này ngày càng phức tạp và tinh vi.

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua đơn vị đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lậu điện thoại Iphone vào Việt Nam, thủ đoạn buôn lậu điện thoại của tội phạm này ngày càng phức tạp và tinh vi.

Điển hình như vừa mới đây đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ nhiều linh kiện điện thoại đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu được vận chuyển trái phép từ Hàn Quốc về sân bay quốc tế Nội Bài.

Cụ thể, ngày 15/1, Tổ công tác thuộc Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra ô tô tải BKS 51C… đang dừng đỗ tại vị trí nhận hàng quốc tế thuộc kho hàng của Công ty CP dịch vụ hàng hóa Nội Bài (xã Phú Minh, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có biểu hiện nghi vấn.

Hàng nghìn điện thoại iPhone được “xé lẻ” linh kiện nhập lậu từ Hàn Quốc về Việt Nam

Được biết, lô hàng do Công ty TNHH V-H (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mở tờ khai nhập khẩu. Lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về sân bay quốc tế Nội Bài. Hàng hóa khai báo có 5 dòng hàng là: tấm crepe làm đế giày; phom giày bằng nhựa; đế giày bằng cao su; cúc áo bằng nhựa; đầu khóa kéo. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, cơ quan Hải quan phát hiện nhiều hàng hóa không có trong khai báo là linh kiện điện thoại, điện thoại di động đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu.

Kết quả giám định cuối cùng của cơ quan chức năng xác định lô hàng vi phạm có 160 điện thoại di động Iphone; 65 điện thoại Samsung và 70 linh kiện là thân máy iPhone. Toàn bộ hàng hóa đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu.

Ông Lê Trọng Bằng, Cán bộ Đội 1 cho biết, hành vi vi phạm đối với lô hàng khá tinh vi khi các đối tượng có dấu hiệu “xẻ lẻ" điện thoại thành phẩm thành linh kiện, phụ kiện. Tuy nhiên, các linh kiện, phụ kiện này chỉ được chia làm 2- 3 bộ phận, được đánh số và chỉ qua vài thao tác đơn giản là lắp ráp thành một điện thoại hoàn chỉnh.

Tiếp đó ngày 1/2, lực lượng Hải quan tiếp tục phát hiện thêm gần nghìn điện thoại Iphone nhập lậu từ Hàn Quốc về Nội Bài. 

Theo đó, khi lực lượng Hải quan tiến hành khám toàn bộ hàng hóa, đồ vật thuộc vận đơn chủ số 9886…, vận đơn thứ cấp số BSE21...Lô hàng được vận chuyển trên chuyến bay mang số hiệu OZ951 của Hãng hàng không Asiana Airlines đến sân bay quốc tế Nội Bài ngày 31/1/2021. Người nhận hàng trên vận đơn chủ số 9886… là một doanh nghiệp có địa chỉ tại Vĩnh Phúc; người nhận hàng trên vận đơn thứ cấp số BSE21... một cá nhân có địa chỉ tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Qua công tác nghiệp vụ, Đội 1 phát hiện dấu hiệu nghi vấn trong hàng hóa, đồ vật thuộc vận đơn chủ số 9886…, vận đơn thứ cấp số BSE21… nêu trên có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.

Địa điểm khám là Kho hàng thuộc Công ty CP dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (địa chỉ: khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội). Được biết, lô hàng nêu trên có 36 kiện, kết quả khám xét sơ bộ có 22 kiện chứa hàng hóa vi phạm liên quan đến mặt hàng điện thoại đã qua sử dụng.

“Thực chất đây là chiêu thức “xẻ lẻ” điện thoại hoàn chỉnh thành 2-3 bộ phận linh kiện hòng nhập lậu, bởi chỉ cần vài thao tác đơn giản là ráp các bộ phận này lại được 1 điện thoại hoàn chỉnh. Sơ bộ đến sáng 2/2 chúng tôi đã ráp lại được 500- 600 chiếc điện thoại, đa số là Iphone và đang tiếp tục xử lý, số lượng còn tăng thêm,” ông Lê Trọng Bằng cho hay.

Theo ông Lê Trọng Bằng, tại địa bàn sân bay Nội Bài, Đội 1 phối hợp với các lực lượng đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong đó có mặt hàng điện thoại.

Khi lực lượng chức năng phát hiện hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện… và thực hiện xác minh, thì phát hiện các công ty đứng tên nhận hàng trên vận đơn hoặc tờ khai đều là các doanh nghiệp ma, không tồn tại tại địa chỉ đăng ký hoặc không có địa chỉ như trên đăng ký kinh doanh đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.

“Lợi dụng sự thông thoáng trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, các đối tượng buôn lậu thành lập các công ty. Ban đầu nhập khẩu các lô hàng từ nước ngoài về Việt Nam đăng ký truyền tờ khai hải quan, khai báo đúng thực tế hàng hóa. Đến khi được hệ thống phân luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), các đối tượng lại khai báo không đúng thực tế, khai sai tên hang,” ông Bằng cho hay.

Đơn cử như trước đó, vào ngày 15/10/2018, tại Kho hàng thuộc Công ty TNHH nhà ga hàng hóa ALS, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đội 1 chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra toàn bộ 3 lô hàng (cùng vận chuyển về ngày 21/9) của Công ty TNHH VAK có hành vi khai sai, không khai hàng hóa nhập khẩu. Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 1.157 chiếc điện thoại iPhone các loại nhập lậu.

Vụ việc sau đó đã được Cục Điều tra chống buôn lậu có văn bản kiến nghị khởi tố vụ án và chuyển cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an tiếp nhận.

 “Đi xác minh tại địa chỉ của giám đốc đứng tên trên đăng ký kinh doanh, các cá nhân đó trình báo bị mất chứng minh thư nhân dân đã lâu, không quen biết tới người gửi hàng”, cán bộ Đội 1 chia sẻ.

Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, cùng với nhu cầu tiêu dùng gia tăng, nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có khả năng bùng phát. Do đó, toàn ngành Hải quan tập trung lực lượng triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển hàng cấm dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021.

Trong đó, tập trung kiểm soát chặt nhóm các mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như: vũ khí, ma túy, xăng dầu, vật liệu nổ, pháo nổ các loại, động vật hoang dã, điện thoại di động, hàng may mặc, mỹ phẩm, dược liệu, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, thực phẩm,...

Bên cạnh đó, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nghiệp vụ nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và địa bàn quản lý trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán để có phương án đấu tranh kịp thời, hiệu quả.

Lưu Hiệp
.
.
.