Nông dân và doanh nghiệp mía đường đang "ngồi trên đống lửa"

Thứ Sáu, 03/11/2017, 07:46
Giá đường tinh luyện trên thị trường hiện chỉ ở mức 12.000 đồng/kg, mức sát đáy, nhưng hơn 2 tuần nay, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến không tìm đến các nhà máy đường để mua dù đã bước vào cao điểm sản xuất hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán.


Lượng đường tồn kho lớn cùng với thị trường đường ế ẩm đang khiến các nhà máy sản xuất và nông dân trồng mía liêu xiêu.

Người mua chờ đường nhập khẩu giá rẻ

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, vụ mía đường mới bắt đầu từ đầu tháng 10-2017. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, lượng đường sản xuất ra được trên 10.000 tấn, cộng thêm 300.000 tấn đang tồn kho từ vụ đường trước, nhưng tuyệt đối không bán được kilogram nào.

Việc không bán được kilogram đường nào đã khiến nhiều nhà máy sản xuất mía đường không còn đủ tiền để mua nguyên liệu mía phục vụ cho sản xuất. Theo ông Phạm Quốc Doanh, nguyên nhân là do các doanh nghiệp mua đường đang đợi đến đầu năm 2018 để được mua đường với giá rẻ, bởi đến lúc đó, Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Thị trường đường ế ẩm, doanh nghiệp hết tiền mua mía cho nông dân.

Từ năm 2018, các nước trong khối sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu đường vào Việt Nam, trong khi thuế suất nhập khẩu chỉ ở mức 5%. Điều này đặt nhiều nhà máy sản xuất mía đường trong nước, nhất là các nhà máy có công suất nhỏ, nguy cơ “đắp chiếu” bởi sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi với đường nhập khẩu.

Hiện cả nước có 41 nhà máy chế biến mía đường, quy mô sản xuất của các nhà máy vẫn phổ biến mức nhỏ và vừa, và chỉ có 8/38 nhà máy có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn mía/ngày. Trong khi đó, thông thường một nhà máy phải có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên mới đạt được lợi thế về quy mô.

Nhưng, do nguồn nguyên liệu hạn chế cũng như nhu cầu thực tế của thị trường tạo áp lực “cung-cầu”, nên các nhà máy không dám chạy tối đa công suất thiết kế. Do giá nguyên liệu mía chiếm tới 70-80% giá thành đường, trong khi đó trên 90% diện tích trồng mía hiện nay do nông dân trực tiếp canh tác, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn đến giá thành mía còn cao.

Vì vậy, việc giảm giá thành mía gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến giá đường sản xuất trong nước cao hơn giá đường các nước trong khu vực và khó có thể cạnh tranh khi mở cửa, và khi đường các nước vào Việt Nam có giá rẻ hơn giá đường nội địa, ngành đường Việt Nam bị thua trên sân nhà là nguy cơ hiện hữu.

Nhà máy công suất nhỏ có nguy cơ phá sản

Ông Phạm Quốc Doanh lo lắng, nếu thực hiện cam kết như Hiệp định ATIGA từ 1-1-2018, sẽ tác động trực tiếp đến 41 nhà máy đường. Đặc biệt là 22 nhà máy có công suất chế biến dưới 3.000 tấn mía đường có khả năng phải đóng cửa do thua lỗ. Việc này sẽ ảnh hưởng đến đời sống việc làm, thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động và 10 vạn công nhân chế biến.

Đáng nói, những vùng đất trồng mía sẽ khó tìm được cây trồng có hiệu quả hơn để thay thế, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, thu nhập đời sống mà còn tác động không nhỏ đến vấn đề xã hội, an ninh trật tự ở nông thôn trong vùng.

VSSA cho rằng, nếu thực hiện ngay cam kết Hiệp định ATIGA với khối ASEAN thì chắc chắn ngành mía đường trong nước sẽ bị Thái Lan  “thôn tính”  và sau đó cả khu vực ASEAN chỉ còn Thái Lan thống lĩnh mặt hàng đường. Hiện tại, sản lượng đường của Thái Lan là 11 triệu tấn/năm, chỉ đường lậu của Thái cũng đã làm cho doanh nghiệp mía đường trong nước điêu đứng.

VSSA cũng cho biết, hiện đã vào mùa vụ mía đường được 15 ngày nhưng do các nhà máy không bán được đường nên không còn tiền thu mua mía cho nông dân. Trong khi giá nhân công thu hoạch mía ở Tây Nguyên đã lên tới 400.000 đồng người/ngày công, nhưng có thu hoạch mía thì nông dân cũng không thể bán được, còn để mía lại ruộng thì trữ lượng đường sẽ giảm, giá thu mua cũng giảm. Cả nông dân và doanh nghiệp mía đường đang rơi vào tình cảnh “ngồi trên đống lửa” chờ giải cứu từ phía các cơ quan chức năng.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành đường và ổn định an sinh xã hội, VSSA đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là 2020.

Thay vào đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017. Đồng thời, VSSA cũng kiến nghị, thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan cũng giảm 50% so với trước đây, chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, để ngành mía đường có thể phát triển và cạnh tranh, VSSA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, thành lập Quỹ phát triển mía đường. Đồng thời phê duyệt Quy hoạch mía đường đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành mía đường Việt Nam đến năm 2030…

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, ngăn chặn nạn buôn lậu đường từ Thái Lan qua biên giới, đồng thời tổ chức đấu giá đường buôn lậu bị bắt giữ để các thành viên của VSSA tham gia đấu giá theo quy định, tránh để doanh nghiệp ngoài lợi dụng chứng từ, hóa đơn quay vòng tiêu thụ đường lậu.

Diệp Linh
.
.
.