Nông dân lao đao vì rau sạch rớt giá

Chủ Nhật, 11/03/2018, 09:01
Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương cung ứng lượng lớn rau sạch được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ra thị trường miền Trung. Thế nhưng, từ sau Tết nguyên đán Mậu Tuất đến nay, hàng ngàn nông dân trồng rau sạch ở địa phương này rơi vào cảnh lao đao khi rau phải bán với giá rẻ như “bèo” nhưng vẫn không thể tiêu thụ.

Điển hình như xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, là địa phương có hơn 200 hộ dân tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, bình quân mỗi năm, thu nhập từ 300-350 triệu đồng/1ha.  Thế nhưng, vụ rau năm nay thì lại rất ế ẩm.

Vừa nhổ những luống rau cải già để làm đất trồng lại, anh Trương Hòa (ở thôn Tây Thành) buồn bã, nói: “Không hiểu sao vụ mùa năm nay giá rau rớt thê thảm như vậy. Nếu vụ mùa năm trước, giá rau xà lách được thu mua dao động từ 20-25 ngàn đồng/kg thì nay rớt xuống còn 2-3 ngàn đồng/kg. Nhiều loại rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng vốn có giá hàng chục ngàn đồng/kg nhưng nay cũng chỉ còn 5-7 ngàn đồng/kg. Giá rau sạch rẻ mạt nhưng thương lái vẫn không chịu thu mua, vợ chồng tôi phải thay nhau nhổ bớt số rau già để cho gia súc ăn và đem cây rau con trồng lại để chờ đợi ngày rau tăng giá”.

Nhiều vườn rau sạch của nông dân xã Quảng Thành đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được.

Nỗi niềm của anh Hòa cũng là nỗi lo chung của người trồng rau ở xã Quảng Thành, khi giá rau liên tục giảm mạnh. Nhiều hộ dân đầu tư số tiền lớn để thuê nhân công làm vườn, mua giống trồng rau sạch, nhưng nay rau không bán được càng lo lắng.

Ông Hoàng Vọng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền nhận định, do lượng cung lớn hơn cầu cộng thêm sự cạnh tranh khi rau ở các tỉnh, thành khác được nhập về Huế đã khiến giá rau trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ rau sạch của người nông dân. Qua tìm hiểu được biết, không những ở các xã Quảng Thành, Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) mà tại các địa phương khác như Hương Xuân (thị xã Hương Trà), Phong An, Điền Hòa, Điền Lộc (huyện Phong Điền), người nông dân cũng rơi vào tình cảnh lao đao khi giá rau xanh đang “lao dốc” từng ngày.

Bà Nguyễn Thị Hồng, một hộ dân trồng rau ở phường Hương Xuân cho biết: “Nếu như mọi năm, vụ rau thường bắt đầu sớm từ trước Tết Nguyên đán thì năm nay, do ảnh hưởng mưa lũ kéo dài vào cuối năm 2017 nên vụ rau bắt đầu muộn hơn và cộng với số lượng người trồng rau ồ ạt, trong khi thị trường tiêu thụ bị bó hẹp là một trong những nguyên nhân khiến rau xanh giảm giá”.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh trồng được 1.000ha rau các loại, trong đó có một phần diện tích được trồng theo quy trình VietGAP. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng rau sạch, an toàn đã đem lại hiệu quả kinh tế như mô hình trồng rau an toàn ở Quảng Thành, rau má Quảng Thọ, ném Điền Hương, Điền Môn, hành lá ở Hương Chữ…

“Để sản xuất nông nghiệp bền vững, người nông dân cần tuân thủ quy trình trồng rau sạch được các cơ quan chức năng hướng dẫn và nắm bắt nhu cầu của thị trường để chủ động đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt với rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP thì sở sẽ nỗ lực liên kết với các cơ sở sản xuất, thu mua rau sạch trên địa bàn để tạo nên chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm, đồng thời vận động các địa phương đầu tư xây dựng điểm bán nông sản VietGAP, đầu tư bao bì đóng gói, nhãn hiệu để thu hút khách, góp phần tăng sản lượng tiêu thụ rau sạch”, ông Vang cho hay.

Anh Khoa
.
.
.