Những lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào EU

Thứ Năm, 12/11/2020, 08:17
Mặt hàng gạo có tiềm năng lớn để xuất khẩu (XK) vào thị trường EU khi mở rộng được hạn ngạch. 9 tháng đầu năm 2020, XK gạo đi EU đạt trên 10,05 triệu USD (tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, so với các nước ASEAN khác, XK gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myanmar, 1/4 Campuchia...


Theo cam kết EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể XK ước khoảng 100.000 tấn vào EU/ năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

Hằng năm Việt Nam XK từ 6,4 -7 triệu tấn gạo vào hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 10 tháng đầu năm 2020, XK gạo của Việt Nam ước đạt trên 5,35 triệu tấn với giá trị 2,64 tỷ USD (tăng 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, các giống OM5451, OM4900, Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào (thuộc danh mục gạo thơm XK sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan) chiếm khoảng 43 - 46% tổng lượng gạo XK hằng năm với khoảng trên 3 triệu tấn.

Theo ông Lê Thanh Hòa, EU là thị trường còn nhiều dư địa và dự báo XK gạo (trong đó có gạo thơm) sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng, dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.

Thị trường EU mở ra cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Mặc dù Hiệp định EVFTA đã mở rộng cửa cho các ngành hàng XK của Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo nói riêng vào thị trường EU, nhưng các quy định đối với gạo XK vào EU vô cùng khắt khe. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Khi DN XK gạo thơm vào EU, để được miễn thuế NK của EU theo hạn ngạch, phải có chứng nhận đúng chủng loại được cấp bở cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

 EU quy định khắt khe đối với chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, bắt buộc cung cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ khi làm thủ tục hải quan. EU là thị trường rất “khó tính” với các yêu cầu về giống, truy xuất nguồn gốc. Bởi, việc chứng nhận sẽ thể hiện được chất lượng, uy tín, giá trị, thương hiệu của gạo Việt. DN phải có  chứng nhận GlobalGap và phải thay đổi quy trình canh tác, trồng trọt so với trước đây; phải xây dựng được chuỗi  sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISO, HACCP...).

Từ tháng 1/2018 Ủy ban Châu Âu (EC) quy định mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong gạo NK 0,01mg/kg. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, để chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc trong thời gian tới khi vào thị trường XK, các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị hạt gạo nói chung và các DN XK gạo nói riêng, phải tự xây dựng vị thế cho chính mình để có thể nắm bắt và thực tiễn hóa cơ hội này. 

Do đó, các DN nên nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như: HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU. Bên cạnh đó, việc đạt được các giấy chứng nhận tự nguyện khác phổ biến tại EU sẽ giúp các DN thuận lợi hơn trong việc XK gạo sang thị trường này.

Ngoài ra, vấn đề “Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp  theo chuỗi giá trị” rất quan trọng vì đây nền tảng tiền đề cho khả năng thực  tiễn hóa những cơ hội lớn. Theo đó, thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa Cục Trồng trọt, hợp tác xã, DN với bà con nông dân (liên kết  nông hộ) để xác định và xây dựng các vùng chuyên canh lúa thơm trọng điểm  vùng đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với điều kiện thích ứng biến đổi khí  hậu, sinh thái tự nhiên và khả năng đồng bộ hạ tầng. Từ đó hình thành một quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến chế biến sâu: Thực hiện đúng cam kết về truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm; đặc biệt chú ý đến bao bì, nhãn mác và kênh phân phối nội địa nơi đến khi bước vào thị trường ngách EU. 

Ông Daniel Dobrev, Tham tán kinh tế và Thương mại Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam tư vấn: Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá ở các nước EU về lợi ích của gạo Việt Nam; phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị, nhu cầu thị trường EU như: Bánh cuốn, gạo lứt, cơm đóng hộp…; kết hợp với các sản phẩm khác của Việt Nam để quảng bá tại EU như gia vị, các loại hạt ... 

Thúy Hà
.
.
.