Những hệ lụy từ xe hoán cải lưu thông trên đường

Thứ Hai, 27/06/2016, 08:29
Để lực lượng chức năng không phát hiện, xe chở khách được hoán cải thành xe tải thùng kín, sau đó hàn gắn các hầm hàng và vách ngăn bí mật để vận chuyển hàng hóa.

Theo quy định hiện hành, niên hạn đối với phương tiện xe khách là 20 năm, trong khi đối với phương tiện xe tải là 25 năm. Hiện nay, nhiều chủ xe cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng thành phương tiện chở hàng để tận dụng khai thác 5 năm niên hạn còn lại. Tình trạng ôtô khách tự ý cải tạo khoang hành lý, tháo bỏ ghế ngồi để chở hàng lậu, chủ yếu ở vùng biên giới.

Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 73 xe tải thùng kín thuộc diện quản lý, trong đó rất ít xe còn niên hạn sử dụng. Nhiều phương tiện không rõ nguồn gốc, sử dụng biển số, Giấy chứng nhận và Tem kiểm định của xe khác hoặc giấy tờ giả để lưu hành chở hàng hóa. Những phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông 1-4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh xử lý 60 trường hợp xe ôtô hoán cải vi phạm các lỗi gồm: Thiết bị an toàn không đảm bảo, chuyển hướng không có tín hiệu hướng rẽ, chạy quá tốc độ và vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn…

Xe hoán cải gây TNGT.

Hàng ngày, các tải thùng kín (xe hoán cải) thu gom, vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào nội địa trên tuyến QL 18, từ TP Móng Cái về các huyện Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà và TP Hạ Long. Nếu xếp đầy hàng, mỗi xe chở được hàng tấn hàng. 

Trong khi đó, công tác rà soát, phát hiện và xử lý xe tải thùng kín hoạt động đang có nhiều bất cập, đặc biệt là ở khâu đăng kiểm. Do không đảm bảo kỹ thuật, khi xe hoán cải lưu thông trên đường sẽ không đảm bảo ATGT và gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

Điển hình, khoảng 21h25, ngày 7-12-2015, tại Km114+700 (khu vực trạm thu phí cầu Bãi Cháy cũ) QL 18A, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng. 

Xe khách hoán cải thành xe tải thùng kín BKS 14N - 2012, lưu thông hướng TP Hạ Long - TP Uông Bí bị mất lái lao sang làn đường ngược chiều, đâm vào xe Toyota Camry BKS 30A 811.32 và đẩy chiếc xe này vào xe ôtô khách 45 chỗ BKS 14B-014.14, khiến xe khách quay ngang giữa đường. Xe khách hoán cải kéo lê ôtô Camry hơn 20m rồi dừng lại. Vụ tai nạn khiến một người trên xe khách tử vong tại chỗ; một số hành khách khác bị thương.

Xe chở khách được hoán cải thành xe tải thùng kín, sau đó hàn gắn các hầm hàng và vách ngăn bí mật để vận chuyển hàng hóa. Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn để phát hiện và đưa hàng hóa vi phạm trên xe ôtô ra ngoài, phân loại để có căn cứ xử lý. 

Các đối tượng thường cất giấu hàng hóa trên sàn xe hoặc trong hầm hàng xe đã gia cố, trên trần và trong thành xe ôtô, phía ngoài được hàn kín. Để lật tẩy thủ đoạn này, lực lượng chức năng sử dụng vật rắn gõ vào những nơi có nghi vấn chứa hàng hóa vi phạm.

Sau khi xác định đúng nơi cất giấu hàng hóa, lực lượng dùng các dụng cụ như: Máy khoan, máy cắt, tuốc nơ vít… đưa hàng hóa ra ngoài. Những xe hoán cải thường thay đổi phương thức vận chuyển hàng như: Sử dụng biển số giả, chồng xác xe, đăng ký chở khách nhưng tháo ghế chở hàng, sử dụng giấy đăng kiểm giả...

Thời hạn tem đăng kiểm những xe hoán cải là 3 tháng. Nhưng với việc hoán cải phương tiện, chủ xe sẽ dùng mọi phương thức để được cấp tem đăng kiểm hợp lệ lưu thông trên đường.

Trước bất cập và những nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các phương tiện hoán cải từ xe khách thành xe tải chở hàng, Cục Đăng kiểm tham mưu cho Bộ GTVT ban hành văn bản không cấp phép cho hoạt động cải tạo xe khách thành xe chở hàng. Tuy nhiên, trên thực tế tồn tại những xe đã được cải tạo, cấp phép trước quy định này. Do đó, từ nay đến khi nhóm phương tiện này hết niên hạn sử dụng, cơ quan chức năng đang tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đăng kiểm kiểm tra đúng theo tình trạng kỹ thuật của xe đăng ký. Thứ hai là các yêu cầu về thân vỏ, hệ thống phanh, hệ thống an toàn vẫn phải đảm bảo. Các phương tiện xe khách được cải tạo thành xe tải trước thời điểm quy định mới được ban hành, các cơ quan chức năng khuyến cáo chủ xe và người điều khiển phương tiện phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Về chế tài xử phạt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 171/2013 và Nghị định số 107/2014.

Theo đó, Nghị định mới tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi uy hiếp an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi cải tạo phương tiện không đúng thiết kế để tăng tính răn đe.

Cụ thể, từ ngày 1-8-2016, tất cả các hành vi cải tạo phương tiện sai quy định (như tự ý thay đổi thành khung, tổng thành máy, hệ thống chuyển động, hoặc cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước xe, thùng xe, hoặc tư ý lắp thêm, tháo bớt ghế, hoặc tự ý thay đổi tính năng của xe) sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân; từ 12 - 16 triệu đồng đối với tổ chức.

Đăng Hùng
.
.
.