Nhiều trở ngại khi doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị

Thứ Hai, 25/12/2017, 09:13
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, hiện nay mối quan hệ cung - cầu hàng hóa giữa nhà sản xuất với nhà phân phối là không bình đẳng. DN Việt đa số sản xuất nhỏ lẻ, năng lực sản xuất còn hạn chế và tài chính có hạn nên rất khó đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại. Nếu có đưa được hàng vào siêu thị thì cũng khó duy trì việc cung ứng thường xuyên.

Trong dịp đưa sản phẩm của công ty vào TP Hồ Chí Minh để giới thiệu đến người tiêu dùng (NTD) tại chương trình kết nối cung cầu hàng hóa 2017 do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tuần qua, ông Ngô Đức Sinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi (Hòa Bình), DN hàng đầu trong chế biến và phân phối mặt hàng măng các loại, cho biết: Sản phẩm của Kim Bôi có mặt hầu hết ở các kênh phân phối hiện đại.

Tuy nhiên, mặt yếu của công tác đặt hàng tại hầu hết các nhà phân phối hiện đại là theo cảm tính, ước lượng bằng mắt, bằng trí nhớ, không dựa trên sự tính toán, cân đối hàng hóa một cách khoa học.

Cũng lo ngại về việc đưa hàng vào siêu thị, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quê (Đà Nẵng) cho rằng, trên thực tế, người đứng đầu tại nhiều hệ thống phân phối hiện đại rất cởi mở, nhưng khi xuống đến nhân viên thì tình trạng này lại khác đi. Chẳng hạn, cùng một sản phẩm, DN này đưa được hàng vào siêu thị nhưng DN khác thì bị áp đặt những tiêu chí rất khắt khe, DN khó đáp ứng được.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa DN và hệ thống phân phối là mối quan hệ mua - bán, chứ không phải là “xin - cho”. Vì vậy, để bình đẳng giữa bên mua – bên bán, các hệ thống phân phối cần phải làm việc lại với cấp dưới của mình để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN...

Trong khi các nhà cung cấp phàn nàn về việc bị siêu thị chèn ép, phân biệt đôi xử, thì hệ thống siêu thị cho rằng đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này đang thực hiện ký kết, tiêu thụ sản phẩm với hơn 500 nhà cung cấp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đơn vị này đã chia sẻ, hướng dẫn nhà cung cấp sản xuất, sơ chế và đóng gói sản phẩm nhằm tăng giá trị sản phẩm. Nhưng thực tế, một số đơn vị có sản phẩm chưa qua kiểm nghiệm định kỳ, chưa đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc một số nông dân khi thị trường biến động đã không giữ giá sản phẩm khiến siêu thị bị ảnh hưởng.

Ông Hồ Quốc Nguyên, đại diện siêu thị Big C khẳng định, không có chuyện siêu thị làm khó các nhà cung ứng. Khi làm việc với các nhà cung cấp, Big C cũng khẳng định rõ chính sách thu mua của Big C là sản phẩm của nhà cung ứng phải đảm bảo hai điều kiện cơ bản. Đó là sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ và sản phẩm phải đảm bảo chất lượng.

Là địa phương thu hút nhiều DN cung ứng hàng hóa trên khắp cả nước đưa  sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ đề nghị các đơn vị cung ứng và các đơn vị phân phối chấn chỉnh, tập trung giải quyết những vướng mắc như trên, nhằm tạo sự thông suốt cho hàng hóa lưu thông ở kênh phân phối hiện đại. Cũng theo bà Trang, hiện nay các tỉnh, thành phía Nam chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên những sản phẩm làm ra na ná giống nhau.

“Vì vậy, để cạnh tranh, các DN sản xuất cung ứng hàng hóa là phải xác định được các mặt hàng chủ lực là gì, chiến lược giá và đối thủ cạnh tranh là ai để bàn bạc với nhà phân phối nhằm đảm bảo tiêu chí hai bên cùng có lợi thì việc kết nối cung cầu mới phát triển bền vững”, bà Trang khuyến cáo các DN.

Thúy Hà
.
.
.