Nhiều tranh chấp trong thương mại điện tử

Chủ Nhật, 16/09/2018, 21:15
Ngày 14-9, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (thuộc Bộ Công thương) tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 52 về TMĐT.

Bà Lại Việt Anh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng, TMĐT phát triển nhanh trong thời gian qua, nhưng để môi trường kinh doanh hiệu quả hơn còn nhiều vấn đề cần giải quyết...

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, trong những năm qua, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng ổn định, xu hướng tăng dần đều trên 20%/năm. 

Các mặt hàng được người tiêu dùng (NTD) mua sắm trực tuyến phổ biến nhất gồm: quần áo, giày dép, mỹ phẩm (chiếm 59%), đồ công nghệ, điện tử, đồ dùng gia đình... (47%).  

Mặc dù TMĐT phát triển khá nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu NTD trong thời đại công nghệ số, nhưng bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng, TMĐT hiện vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, tranh chấp TMĐT có xu hướng gia tăng về cả quy mô và mức độ. 

Bàn về những bất cập trong hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số thông tin, hiện nay có nhiều DN, cá nhân, quảng bá cung cấp sản phẩm, dịch vụ, trên các sàn TMĐT, nhưng đơn vị quản lý sàn TMĐT lại không có ở Việt Nam. Vì vậy, nếu xảy ra những vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch, thì sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển thì đây là thách thức lớn với cơ quan quản lý. Từ thực tiễn trên cho thấy,  hành lang pháp lý về TMĐT được xây dựng khá chi tiết, đáp ứng yêu cầu quản lý ở thời điểm đó, nhưng lại không phù hợp với tình hình mới.

Liên quan đến các hành vi gian lận TMĐT, Bộ Công thương cũng đã thanh tra, kiểm tra nhiều trường hợp vi phạm. Năm 2017 xử phạt vi phạm gần 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội xử lý 71 trường hợp với tổng mức phạt vi phạm hành chính gần 1,4 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, riêng thanh tra Sở Công Thương đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm với tổng mức phạt trên 200 triệu đồng.

Trước tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan qua mạng, chưa kiểm soát được đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến quyền lợi của NTD,  Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số, lực lượng chức năng tại các địa phương rà soát và phát hiện một số địa điểm có dấu hiệu vi phạm. 

Chẳng hạn, trường hợp xử lý vi phạm trong tháng 8/2018 đối với việc một số website TMĐT đăng bán các sản phẩm đồ chơi trẻ em có sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ thông tin tới tất cả sàn giao dịch TMĐT yêu cầu kiểm tra, gỡ bỏ đồ chơi, ấn phẩm có sử dụng bản đồ nêu trên.

Thực tế cho thấy, hiện nay NTD khi tranh chấp đối với các đơn vị, cá nhân kinh doanh  qua mạng thì họ không biết “gõ cửa” cơ quan nào để được hỗ trợ giải quyết. Vì vậy, để hoạt động TMĐT hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, tạo được lòng tin của NTD, theo kiến nghị của đại diện sàn giao dịch TMĐT Fado, thì Bộ Công Thương nên là trọng tài để giải quyết những khiếu nại, tranh chấp thương mại số. 

Bà Lại Việt Anh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng: “Thời gian qua, TMĐT phát triển nhanh nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Nên thắt chặt TMĐT để tạo môi trường kinh doanh hiệu quả hơn?”. 

Cục TMĐT và Kinh tế số đang đề xuất lành mạnh hóa TMĐT bằng cách sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định “khung” mang tính cơ bản về TMĐT vào luật như: khái niệm hoạt động TMĐT, các hành vi cấm, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể… 

Xây dựng nghị định mới thay Nghị định số 52 để khắc phục những bất cập. Hoàn thiện các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế.

Thúy Hà
.
.
.